Câu lạc bộ tiếng hát quê hương: 35 chuyên chở tình yêu âm nhạc

(VOH) - Có lẽ ít ai ngờ rằng 1 câu lạc bộ chỉ 7 thành viên từ tên gọi ban đầu là “Ban nhạc quê hương” ra đời năm 1981 lại có thể phát triển rực rỡ cho đến 35 năm sau với hàng ngàn học viên.

Những lớp nghệ sĩ đã trưởng thành từ CLB tiếng hát quê hương cũng đang đóng góp tài năng và sự nhiệt tâm của mình vào việc giữ gìn vốn quý của dân tộc, như nghệ sĩ ưu tú (NSUT) Hải Phượng, NS Vân Ánh, NS Hải Yến…và nhiều cái tên khác nữa. Trải qua 35 năm hoạt động, CLB Tiếng hát quê hương đã trở thành điểm hẹn thân quen của đông đảo người yêu thích loại hình này. Câu lạc bộ đã nỗ lực và động viên nhau đi qua biết bao khó khăn để duy trì hoạt động, trở thành đơn vị xã hội hóa âm nhạc dân tộc đầu tiên, lớn mạnh tại TP.HCM. Mỗi sáng chủ nhật, các thành viên câu lạc bộ lại gặp gỡ, giao lưu tiếng đàn, tiếng hát tại Cung Văn hóa lao động.

Gieo, nuôi dưỡng và gìn giữ tình yêu âm nhạc dân tộc là công việc mà CLB này đã làm suốt 35 năm qua và sẽ còn tiếp tục hành trình kế tiếp là những tâm huyết mà nghệ sĩ, nhà giáo ưu tú Thúy Hoan, chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương chia sẻ  trong buổi trò chuyện với phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) nhân dịp kỷ niệm 35 năm của CLB.

Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan và thiếu nhi câu lạc bộ Tiếng Hát Quê Hương - Ảnh: Vanhien

* VOH: Thưa nghệ sĩ, nhà giáo ưu tú Thúy Hoan, trong 35 năm qua, theo nhà giáo nhìn nhận thì những thành quả, những trái ngọt mà CLB Tiếng hát quê hương đã đạt được là gì và hiệu ứng của những thành quả này ra sao đối với việc bảo tồn cũng như phát huy những giá trị của âm nhạc dân tộc.

Nhà giáo ưu tú Thúy Hoan: Thành phần tham gia CLB Tiếng hát quê hương rất phong phú, từ các em bé, sinh viên đến các anh chị, các cô, các bác, các chú lớn tuổi… vậy thì con đường, mục đích mình đặt ra từ những ngày đầu tiên khởi sự là bảo tồn, phổ biến và phát triển đã làm được, các em luôn được dạy là giữ những bài bản cổ nhưng đồng thời cũng tiếp tục học thêm những cái mới, những cái gì liên quan đến cuộc sống của mình.

Một trong những thành quả của Tiếng hát quê hương lúc này đó là đã xây dựng được một lớp các em trợ giảng, vì thật sự muốn phong trào lớn mạnh, phổ biến nhanh thì phải có người tiếp sức, phải có người hướng dẫn có nhiệt tâm và CLB Tiếng hát quê hương đã có được những người tiếp sức như vậy.

* VOH: Từ gia đình CLB Tiếng hát quê hương, những người thành danh trong lĩnh vực này họ có quay trở lại cống hiến cho CLB hay không, họ có mang âm nhạc đến với nhiều người hay không, như CLB Tiếng hát quê hương đã làm?

Nhà giáo ưu tú Thúy Hoan: Cho đến bây giờ, có rất đông các em, mặt dù cuộc sống rất bận rộn nhưng các em vẫn quay trở lại, dành thời gian đến để giúp đỡ những người đi sau mình. Cũng có những nghệ sĩ, ví dụ như có NS Thanh Thanh trước là học sinh của Tiếng hát quê hương - lớp Dân ca bây giờ đứng ra thành lập 1 câu lạc bộ quan họ, câu lạc bộ này rất mạnh, có nhiều buổi trình diễn ở các sân khấu lớn, ở đài truyền hình Luân Đôn nữa! đã đem tinh thần âm nhạc dân tộc phổ biến rộng rãi.

Rồi cũng có những nghệ sĩ khác như nghệ sĩ Khánh Vân, bây giờ mở riêng 1  lớp nhạc  tên là lớp nhạc Khánh Vân, trong đó dạy nhiều nhạc cụ cả Tì Bà, Đàn Nhị cũng có dạy. Thật tình thì tôi rất mong rằng là làm sao ở mỗi nơi, mỗi quận huyện đều có những người nhiệt tình và sẵn sàng mở các lớp để hướng dẫn cho những người yêu thích âm nhạc dân tộc, vì thật sự có nhiều người yêu thích lắm nhưng do không có điều kiện, xa xôi quá, đến không được, vậy thì mở ở nhiều nơi, thuận tiện nơi nào thì tham gia nơi đó.

* VOH: Và cũng tại CLB Tiếng hát quê hương đã có nhiều chương trình quy tụ nhiều bạn bè là những nghệ sĩ về âm nhạc dân tộc ở nhiều quốc gia trên thế giới đến với mình, ví dụ như Nhạc hội đàn tranh châu Á?

Nhà giáo ưu tú Thúy Hoan: Đúng như vậy. Nhân đây tôi cũng cảm ơn Cung Văn hóa lao động đã phối hợp với CLB Tiếng hát quê hương thực hiện những chương trình này, những chương trình thật sự rất quy mô và nghệ thuật.

* VOH: 35 năm với nhiều dấu ấn đẹp trong lòng người yêu âm nhạc, để những dấu ấn này, dòng chảy này cũng như sự lan tỏa này tiếp tục lan tỏa hơn nữa, tiếp tục thu hút thêm  những người yêu âm nhạc dân tộc ở chặng đưởng tiếp theo thì CLB Tiếng hát quê hương có dự định như thế nào?

Nhà giáo ưu tú Thúy Hoan: Chúng tôi đã làm và bây giờ vẫn tiếp tục, đó là đem âm nhạc dân tộc đến học đường. CLB Tiếng hát quê hương đã thực hiện rất nhiều buổi giao lưu, từ cấp mẫu giáo chúng tôi cũng đã thực hiện, chúng tôi đã đến giao lưu tại trường 19/5, trường Mầm non TP. Ở cấp 1 thì rất nhiều, hầu như là các trường tại các quận, huyện của TP thì CLB Tiếng hát quê hương cũng đều đến.

Chúng tôi nghĩ rằng, bây giờ mình chịu khó bỏ thỉ giờ đi đến các trường để sinh hoạt âm nhạc với các em thì có thể phong trào sẽ càng mạnh lên hơn. Mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ là làm sao CLB Tiếng hát quê hương sẽ đào tạo được thêm nhiều người không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải có nhiệt tâm, nhiệt tình, lòng yêu mến nhạc dân tộc rồi chúng ta cùng chung vai sát cánh với nhau để phổ biến âm nhạc dân tộc ngày một rộng rãi hơn.

* VOH: Cám ơn nhà giáo ưu tú Thúy Hoan!