Và trong một chương trình xiếc thì xiếc khỉ luôn được quan tâm hàng đầu vì đây là tiết mục hấp dẫn với các em thiếu nhi. So với các loại thú khác như gấu, cá sấu, dê, trăn… thì nhìn bề ngoài mọi người cứ nghĩ xiếc khỉ hay xiếc chó, xiếc mèo dễ dàng hơn rất nhiều do đây là những loại động vật lành tính. Nhưng thực tế, sự khôn ngoan, tinh quái của loài vật này đã làm cho không ít huấn luyện viên đau đầu để tìm cách “trị” được những con khỉ nghịch ngợm. Nghề dạy và biểu diễn xiếc khỉ cũng có nhiều chuyện hay.
Xiếc khỉ tại Việt Nam. Ảnh: Zing
Mất nhiều thời gian huấn luyện
Xiếc khỉ tại Việt Nam đang phát triển và rất được yêu thích, hầu như đoàn xiếc nào cũng có tiết mục xiếc khỉ. Chủ yếu loại khỉ được lựa chọn là giống khỉ lông vàng, sống chủ yếu ở khu vực phía Bắc, giống khỉ này mặt mũi đẹp, chân tay cân đối và rất thông minh. Thường thì các chuyên gia sẽ bắt đầu huấn luyện từ năm 2 tuổi, phải mất 3 năm để một con khỉ trở thành nghệ sỹ biểu diễn thực thụ. Và khi đã có thể lên sân khấu thì chú khỉ có thể biểu diễn đến hơn 15 năm.
"Với xiếc Việt Nam, xiếc khỉ được bạn bè thế giới đánh giá rất cao, trong khi thế giới có loại khỉ mặt chó, khỉ đầu đen, đười ươi…Còn chúng ta có loại khỉ lông vàng rất được thế giới quan tâm và chúng ta dạy dỗ huấn luyện những tiết mục mang được đặc trưng xiếc Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào về tiết mục xiếc khỉ", NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn xiếc VN, cho hay.
Các tiết mục xiếc khỉ như: khỉ đi xe đạp, xay lúa, giã gạo, trồng cây chuối, đi cân bằng trên con lăn, gánh nước trên cầu, hay đi cầu bật… là những tiết mục đòi hỏi kỹ thuật rất cao bởi độ khó, cũng như độ thuần thục. Người huấn luyện viên phải có đủ kiên nhẫn và chiêu trò để dạy những chú khỉ này.
Anh Nguyễn Chí Quang - người có hơn 30 năm kinh nghiệm huấn luyện xiếc khỉ cho rằng: "Thực ra tập nhanh thì thú lớn làm được, như voi hay gấu. Chỉ có điều những con này to nên vật hay giữ rất khó. Còn khỉ tuy rất thông minh nhưng đầu óc sao nhãng không được tập trung nên dạy hơi lâu. Tuy nhiên, nó đã thuộc bài thì không bao giờ quên. Thậm chí bỏ 1, 2 năm sau bắt làm lại vẫn làm được".
Khỉ rất tinh, không đánh hơi nhưng tai nghe rất tốt, mắt rất tinh tường nhìn xa rõ nét. Ảnh: internet
Phải yêu thương, vỗ về như...một người bạn
Hiện nay, ở nước ta, xiếc thú nói chung và xiếc khỉ nói riêng chưa có một trường lớp đào tạo chính quy nào, chủ yếu là nghề dạy nghề. Và qua quá trình học hỏi kinh nghiệm, người huấn luyện viên tự có cách riêng để đối thoại với từng con thú đang dạy. Anh Nguyễn Hữu Thông mới đến với nghề huấn luyện xiếc khỉ được vài năm nhưng khẳng định anh dùng chính sự yêu thương, vỗ về đàn khỉ của mình như một người bạn: "Hạn chế roi vọt, bất đắc dĩ mới dùng, phải quan tâm chúng thì chúng mới nghe lời được".
Đối với người huấn luyện xiếc thú nói chung, điều họ lo lắng nhất chính là việc những con thú cưng bị bệnh. Việc di chuyển và thích nghi với thời tiết mỗi nơi mỗi khác khiến nguy cơ bệnh tật của chúng rất cao. Đã vậy, điều kiện chăm sóc y tế cho động vật ở nước ta chưa cao và phổ biến. Trường hợp xấu nhất, khi thú chết thì sự mất mát về cả tinh thần và vật chất là vô cùng lớn đối với diễn viên và đoàn xiếc.
NSƯT Hồng Lộc - Trưởng đoàn xiếc thú Hồng Lộc không khỏi trăn trở khi khán giả của xiếc không nhiều, sân khấu dành cho xiếc cũng không phải nơi nào cũng có, hơn thế để tập một tiết mục mới cũng không dễ dàng, mà nếu chỉ có vài ba tiết mục thì cũng không thể kéo khán giả tới rạp, nên cuối cùng đoàn xiếc phải di chuyển đến nhiều nơi.
Nói về khó khăn trong quá trình lưu diễn, NSƯT Lê Hồng Lộc cho biết: "Khó nhất là điểm diễn, phải có một sân khấu đạt tiêu chuẩn như đủ độ cao, độ chắc chắn. Một cái khó nữa là có một số đoàn địa phương cũng quảng cáo nhưng khi khán giả đến xem thì không chất lượng, nên gây mất lòng tin cho khán giả, làm ảnh hưởng đến uy tín của đoàn".
Nghề xiếc là một nghề nhiều nguy hiểm, xiếc thú càng nguy hiểm hơn rất nhiều. Người diễn viên sống bằng niềm đam mê là chính bởi thu nhập mà họ nhận được quá ít ỏi so với công sức bỏ ra. Nhưng đã lỡ mang nghiệp vào thân thì người nghệ sĩ xiếc vẫn phải bám trụ với nghề, và để trẻ thơ lưu lại những ký ức thật đẹp qua những lần thưởng thức xiếc, trong đó có xiếc khỉ.