Đạo diễn Nguyễn Hoàng – Duyên nghiệp với phim tài liệu cách mạng

(VOH) - Đạo diễn Nguyễn Hoàng sinh năm 1956, sau khi tốt nghiệp khoa đạo diễn Trường Đại học sân khấu điện ảnh Việt Nam khóa đầu tiên tại TP.HCM, từ năm 1992, Nguyễn Hoàng về công tác tại Hãng phim truyền hình TP và duyên nghiệp làm phim tài liệu cũng bắt đầu từ đó.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, đạo diễn Nguyễn Hoàng thực hiện gần trăm tập phim tài liệu, đa phần là phim về đề tài cách mạng, hậu chiến và Bác Hồ. Tiêu biểu có một số phim như: Giữa ngàn thác lũ (Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam, 1994); Cánh chim không mỏi (Bông Sen vàng, LHPVN, 1998); Mê Kông ký sự (Cánh diều vàng, 2007); Những cánh hoa ngược dòng (Huy chương vàng LHP truyền hình); Từ trái tim đến trái tim (Giải vàng báo chí quốc gia, 2014).

Mới đây, bộ phim “Bác Hồ sống mãi” dài 2 tập nói về quá trình gìn giữ thi hài của Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm người xem thật sự xúc động. Bộ phim giúp khán giả khám phá những câu chuyện chưa từng biết về những người chăm sóc thi hài Bác, qua đó cho thấy tấm lòng của nhân dân và bạn bè thế giới đối với Bác đầy tự hào và trân trọng. Bộ phim cũng vừa được trao giải C đợt 2, (giai đoạn 2011–2015), về giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng.

Phóng viên Đài TNND TPHCM phỏng vấn đạo diễn Nguyễn Hoàng xung quanh những bộ phim về đề tài cách mạng và Bác Hồ mà ông từng đạo diễn:

* VOH: Là một người nhiều kinh nghiệm và may mắn khi thực hiện nhiều phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng và Bác Hồ, ông cho biết cơ duyên nào đưa ông đến với những bộ phim về đề tài này ?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng: Chúng tôi may mắn khi sống cùng thời với đất nước, kinh qua chiến tranh dù lúc đó tuổi không nhiều. May mắn nữa là làm được một nghề, đó là nghề làm phim, tiếp cận được nhiều người, nhiều nơi của đất nước và trên thế giới nên tạo cho tôi có điều kiện tiếp cận về các đề tài văn hóa, lịch sử, chiến tranh cách mạng, đề tài về Bác Hồ. Tuy tôi làm không nhiều phim về đề tài Bác, nhưng may mắn tôi được thực hiện bộ phim “Bác Hồ sống mãi” liên quan đến giữ gìn thi hài Bác sau khi Bác mất. Chủ trương của Đảng và Nhà nước muốn giữ gìn thi hài Bác lâu dài để nhân dân khắp mọi miền đất nước đến viếng, coi con người mình yêu mến như thế nào, đó là duyên để chúng tôi đến với đề tài này.

* VOH: Bộ phim “Bác Hồ sống mãi” nói về việc giữ gìn thi hài Bác còn bộ phim mới nhất của đạo diễn Nguyễn Hoàng là “Đá chông-K9”, ông chia sẻ thêm những kỷ niệm về bộ phim này ?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng: Đá chông K9 cũng là một địa điểm hết sức đặc biệt, lúc còn chiến tranh Bác Hồ đã chọn nơi đây để tập trung xây dựng cơ sở vật chất sống và chiến đấu lâu dài. Địa điểm này gần núi Ba Vì bên cạnh là sông Đà, về mặt địa lý rất tuyệt vời. Chính Đá chông K9 sau này cũng là nơi lưu giữ thi hài Bác trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc, trước khi đưa về Lăng ở Ba Đình.

* VOH: Khi thực hiện những bộ phim về di tích lịch sử, cũng như khơi gợi lại quá trình lịch sử, đạo diễn Nguyễn Hoàng muốn mang đến điều gì với khán giả ?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng: Phim tài liệu nêu lên những vấn đề con người quan tâm, chúng tôi cố gắng đáp ứng lại tấm lòng của những người muốn tìm hiểu, muốn xem nó. Một đất nước không có phim tài liệu như trong một gia đình không có cuốn album. Người ta sẽ khó tìm hiểu hết nguồn gốc của mình. Đất nước là một gia đình lớn, nên những người trong đất nước này cũng cần phải biết những điều liên quan. Một điều nữa là làm phim phải hấp dẫn, vì làm phim không ai coi thì không nên làm nhiều sẽ tốn tiền bạc vô ích. Vì vậy, chúng tôi quan niệm, bây giờ làm phim tài liệu không phải làm kỷ niệm, lưu lại một người nào đó, một thời nào đó mà phải để cho thế hệ kế tiếp cần tìm hiểu, cần rút bài học gì cho tương lai. Giá trị là chỗ đó ! 

* VOH: Hiện nay việc phổ biến phim tài liệu gặp vô vàn khó khăn, với tư cách là người làm phim gắn bó với điện ảnh tài liệu hơn 20 năm qua, ông nghĩ gì về vấn đề này ?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng: Thời đại bây giờ quá nhiều phương tiện truyền thông. Chỉ tính riêng tại Thành phố đã có hàng trăm kênh truyền hình rồi, chưa kể trên mạng, thông tin rất nhiều. Tại sao phim chúng ta làm không được khán giả xem nhiều. Theo tôi, thứ nhất vì làm phim không đáp ứng nhu cầu của khán giả, làm theo kiểu chủ quan, thứ 2 về việc phổ biến thì ít có nhà lí luận phê bình nhận xét khách quan, phim nào là có giá trị phim nào không có giá trị. Ngoài truyền hình phát thì chúng ta cũng nên đưa lên mạng. Muốn làm được điều này cần nhiều sự hợp tác, ngoài những nhà làm phim thì đội ngũ phát hành phim phải càng ngày càng lớn mạnh lên.

* VOH: Cám ơn ông !