Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang: những khó khăn làm chạnh lòng nghệ sĩ

(VOH) - Hiện những quy chuẩn đặc thù cần thiết cho một rạp hát cải lương hoàn toàn bị phá vỡ.

Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân TP.HCM vừa  có buổi làm việc với Ban giám đốc nhà hát cải lương Trần Hữu Trang về tình hình hoạt động, những thuận lợi, khó khăn cũng như những đề xuất, kiến nghị. Theo đó NSND Trần Ngọc Giàu – Giám đốc nhà hát đã bày tỏ nhiều khó khăn mà nhà hát đang đối mặt.

Khó khăn từ cơ sở vật chất đến thù lao

Dù là một trong những đơn vị nghệ thuật cải lương có thể nói là trọng điểm của cả miền Nam với 3 đoàn hoạt động năng nổ nhưng trong nhiều năm qua các anh em nghệ sĩ phải hát ở một sân khấu xuống cấp của rạp Thủ Đô ở tận quận 5.

Khán giả thích cải lương ở khu vực này không nhiều, bên cạnh đó, vì không có chỗ gửi xe nên khán giả “ngại” và gần như không đến rạp. Cái khó tiếp theo mà theo như NSND Trần Ngọc Giàu đã kiến nghị nhiều lần là làm sao có chế độ thù lao hợp lý hơn cho anh em nghệ sĩ.

Hiện tại, ngoài phần lương theo quy định chung của nhà nước từ 3 đến 4 triệu đồng tùy theo thâm niên thì mức thù lao hàng đêm các nghệ sĩ được trả là 50.000 đồng/suất diễn, riêng mức thù lao tập vở là 20.000 đồng/ngày. Anh em hậu đài thì càng “khổ” hơn khi họ phải làm việc 1 ngày 2 đêm cho 1 suất diễn và nhận mức thù lao từ 70.000 cho đến 100.000 đồng. Thu nhập quá thấp khiến nhà hát khó khăn trong việc thu hút và giữ chân những nghệ sĩ tài năng.

Bên cạnh đó, dù hiện tại cả nhà hát có gần 100 nhân sự, trong đó diễn viên khoảng 50, nhưng diễn viên có thể đảm đương 1 vai chính trên sân khấu chưa đến 10 người, tác giả và đạo diễn sân khấu của nhà hát nói riêng và TPHCM nói chung lại càng mỏng manh hơn, chỉ trên dưới 5 người.

Quyết tâm bám trụ

Khó khăn là vậy, nhưng các nghệ sĩ vẫn quyết bám trụ với nghề để giữ gìn nghề, giữ ánh sáng đèn cho sân khấu. Theo NSND Trần Ngọc Giàu để thúc đẩy những sáng tạo và dấn thân của người nghệ sĩ, cần đảm bảo cho họ có đủ “đồng lương” nuôi sống gia đình. Sau nữa là phải có một chiến lược đầu tư cho nhân tố con người. Nhà hát cần được hỗ trợ thêm kinh phí để có thể tuyển và đào tạo diễn viên theo phương thức truyền nghề tại chỗ đối với những em thật sự có tài năng, chứ không căn cứ vào bằng cấp.

Ngoài ra, cần có một khu nhà tập thể để các học viên ở và an tâm học tập. Vấn đề nhà kho cũng không kém phần quan trọng, vì nhiều năm qua, không có nhà kho để tập trung đạo cụ nên đạo cụ để rải rác ở nhiều nơi, điều này vừa bất tiện trong quá trình vận chuyển, vừa không đủ điều kiện bảo quản giữ gìn đạo cụ cảnh trí. NSND Trần Ngọc Giàu mong nhận được sự hỗ trợ của các nhà quản lý văn hóa cho nhà hát: “Ngoài những kiến nghị trên, tôi cũng xin kiến nghị với Ủy ban Nhân dân TP khôi phục lại trung tâm nghiên cứu sân khấu cải lương, có thể là một trung tâm độc lập hoặc trực thuộc trường văn hóa nghệ thuật hoặc trực thuộc nhà hát. Tôi nghĩ phải có thành lập này thì mới có một quy chế hoạt động và có một nguồn kinh phí cụ thể. Và tôi cũng rất mong tất cả những đóng góp ý kiến của chúng tôi sẽ được ghi nhận, để kịp thời có những hỗ trợ cho nhà hát cải lương Trần Hữu Trang hay nói một cách rộng hơn là hỗ trợ cho sân khấu cải lương được sống trên sân khấu của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, nơi là bộ mặt tiêu biểu của sự sống còn của sân khấu cải lương nói chung".

Mặt tiền mới của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: goctinnhanh

Vui với nhà hát mới nhưng vẫn có nỗi lo

Nay khi nhà hát chuẩn bị tiếp nhận Trung Tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo thì lẽ ra phải là một niềm vui khôn tả, thế nhưng theo NSND Trần Ngọc Giàu một nỗi lo khác lại đến: hiện những quy chuẩn đặc thù cần thiết cho một rạp hát cải lương hoàn toàn bị phá vỡ. Hệ thống đèn, thiết bị âm thanh, hệ thống sân khấu nâng cực kỳ hiện đại nhưng không biết xử lý như  thế nào với một sân khấu quá nhỏ, sàn sân khấu chỉ có 10m bề ngang (tính cả phần cánh gà 2m). Nghĩa là diện tích sàn ngang thật sự là 8m. Và với lý do bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định phòng cháy chữa cháy, khán phòng bị thu hẹp chỉ còn 300 ghế tầng dưới và 300 ghế trên lầu. Lan can của tầng lầu che khuất tầm mắt khán giả. Để khán giả trên lầu nhìn thấy mình, diễn viên phải lùi vào sâu trong sàn diễn. Thay vì thiết kế 1 sân khấu thể nghiệm năng động theo kiểu lắp ráp để dễ dàng làm nhiều chương trình thể nghiệm thì nay lại là một sân khấu hình chữ T như sàn diễn thời trang.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu với sân khấu như thế này sẽ là trở ngại rất lớn cho những sáng tạo và thể nghiệm của sân khấu cải lương trong thời gian tới.

NSƯT Quế Trân, đại biểu Hội đồng Nhân dân TPHCM, một trong những nghệ sĩ tài năng, hoạt động nghệ thuật tích cực cũng có những đồng tình với NSND Trần Ngọc Giàu.

“Tôi mong khi chúng ta xem xét những khó khăn này, quyết định tiến hành giải quyết một vấn đề nào đó thì chúng ta cố gắng hỗ trợ nhau một cách nhiệt tình, xông xáo, giải quyết đến nơi đến chốn. Về định hướng đào tạo thì tôi thấy hết sức cần thiết, hiện tại, ý định cho thuê sân khấu của trung tâm nghệ thuật Hưng Đạo sẽ hết sức khó khăn vì diện tích sân khấu hạn chế như thế, điện phải sử dụng nhiều, ghế ngồi thì ít mà đối tượng yêu thích cải lương đa số là những lao động nghèo, tiền thu từ bán vé tôi nghĩ là không đủ trang trải. Chế độ đãi ngộ quả thật rất khó khăn. Là một nghệ sĩ làm nghề tôi biết nhà hát khó thu hút được nhân tài, kể cả những người đã trưởng thành từ nhà hát muốn đảm bảo cuộc sống, họ phải bương chải đi biểu diễn khắp nơi để có một số tiền ổn định mới tiếp tục gắn bó, đeo bám với nhà hát. Chúng ta phải làm sao để cố gắng chăm lo để họ có niềm tin, có động lực và hỗ trợ như thế nào để họ làm tốt trọng trách là giữ gìn bản sắc văn hóa nghệ thuật dân tộc”, NSƯT Quế Trân tâm tư.

Trông chờ giải quyết

Bà Tô Thị Bích Châu, Trưởng Ban văn hóa xã hội - Hội đồng Nhân dân TP, người chủ trì buổi làm việc đã ghi nhận tất cả những ý kiến, những khó khăn của nhà hát nói riêng và thành phố nói chung, tiếp theo đây đoàn đại biểu quốc hội sẽ còn khảo sát thêm một số đơn vị nghệ thuật nữa, ghi nhận thêm nhiều đóng góp và sẽ có văn bản báo cáo trình Ủy ban Nhân dân TP.HCM xem xét và hoạch định phương hướng giải quyết cho các đơn vị hoạt động nghệ thuật. “Chúng tôi tiếp thu tất cả những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, tuy nhiên tôi cũng đề nghị với vai trò định hướng, dẫn dắt và bám sát theo dõi những hoạt động của nhà hát cải lương cũng như vai trò của Sở văn hóa trong bảo tồn, bảo tàng những di sản văn hóa về tinh thần. Đối với TP.HCM thì vai trò rất lớn, nếu chúng ta làm không kỹ sẽ theo nhiệm kỳ, tức là hết đồng chí này làm rồi đồng chí kia làm, thiếu tính liên tục, nó sẽ thành một nội dung đưa đi đưa lại sẽ làm chúng ta mất niềm tin, đặc biệt đối tượng nghệ sĩ, họ rất nhạy cảm, do đó, tôi cũng đề nghị vai trò dẫn dắt, định hướng của quản lý nhà nước đối với việc bảo tồn môn nghệ thuật truyền thống này” - bà Châu nói thêm.

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã có gần 40 năm hình thành phát triển, nơi đã góp phần đào tạo biết bao tài danh sân khấu. Nhà hát cũng là nơi giữ lửa, không chỉ riêng cho sân khấu cải lương của TPHCM mà còn cho cả miền Nam. Do đó, cần lắm tiếng nói và hành động kịp thời của những nhà quản lý văn hóa, của lãnh đạo thành phố để nhà hát tiếp tục cống hiến, đào tạo và giữ chân nhân tài, góp phần giữ gìn những giá trị tinh hoa của nghệ thuật nước nhà.