Phim về đề tài chiến tranh cách mạng - Khơi gợi lòng tự hào dân tộc
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng ký ức về một thời hào hùng của dân tộc vẫn được khắc ghi cho đến tận hôm nay. Đề tài về chiến tranh cách mạng và đề tài hậu chiến vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ của văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng.
Một cảnh trong phim “Đừng đốt”. Ảnh: CAND
Ra đời sớm nhưng số phim hay chưa nhiều
Ngay từ thời điểm sơ khai của điện ảnh cách mạng, vào năm 1953 tại Đồi Cọ, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam, trong điều kiện khó khăn về mọi mặt, nhưng điện ảnh như một kỳ tích đã cho ra đời những bộ phim lay động đến trái tim của khán giả, khắc họa rõ nét sự tàn khốc của chiến tranh, đề cao tinh thần yêu hòa bình, là bản anh hùng ca của quân và dân ta.
Bộ phim “Chung một dòng sông” của 2 đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân ra đời năm 1959 được cho là bộ phim truyện nhựa đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đánh dấu một bước tiến quan trọng của điện ảnh nước nhà. Phim nói về sự chia cắt trong chiến tranh của 2 miền Nam - Bắc thông qua câu chuyện tình yêu của Hoài và Vận, và từ mối tình ngang trái người bên này bờ, người bên kia bờ cho thấy một thứ tình cảm lớn lao hơn, đó là sự khát khao hòa bình dân tộc.
Tiếp theo là hàng loạt bộ phim điện ảnh kinh điển, có sức sống đến tận ngày hôm nay như: "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Nổi gió", "Em bé Hà Nội", "Con chim vành khuyên"…lần lượt ra đời. Với lối kể chuyện bình dị, chân thực nhưng lại chứa đựng nội dung tư tưởng lớn cho cả một thời cuộc, phim đã mang đến những thành công nhất định thời bấy giờ.
Khi đất nước hòa bình, thống nhất thì những dư âm của cuộc chiến vẫn còn dai dẵng. Đó không chỉ là niềm tự hào chiến thắng mà còn là nỗi đau mất mát, sự hy sinh của những con người trên mảnh đất Việt Nam. Và như vậy, đề tài chiến tranh, hậu chiến lại được khai thác triệt để, những bộ phim đáng giá lần lượt ra đời. Có thể kể đến “Cánh đồng hoang”, “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Thương nhớ đồng quê”, “Ai xuôi vạn lý”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Đời cát”… không chỉ ghi dấu ấn trong lòng khán giả trong nước mà còn được các giải thưởng quốc tế. Những cái tên như Hải Ninh, Hồng Sến, Đặng Nhật Minh, Lưu Trọng Ninh, Trà Giang, Thúy An, Lâm Tới… được coi như những huyền thoại của nền điện ảnh cách mạng.
Tiêu biểu nhất, bộ phim “Cánh đồng hoang” của đạo diễn Hồng Sến được coi là biểu tượng cho dòng phim chiến tranh có sức lan tỏa bền bỉ và sâu rộng trong cuộc sống. Gần 40 năm trôi qua kể từ ngày bộ phim ra mắt, hình tượng vợ chồng Ba Đô cùng đứa con bé bỏng một mình chống lại đội quân hùng hậu của Mỹ Ngụy, cho thấy sức sống mảnh liệt của con người dưới bom rơi đạn lạc, chỉ có tình yêu nước nồng nàn vượt lên khoảng khắc sinh tử mới tạo ra những con người bình dị nhưng cũng anh hùng như thế.
Với những ký ức không thể phai mờ về chiến tranh, một lớp thế hệ những con người mới đang tiếp bước truyền thống cha ông để mang tới những thước phim sử ca vô cùng đẹp và hoành tráng về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. “Đừng đốt”, “Mùi cỏ cháy”, “Những người viết huyền thoại”, “Người trở về”… đó là những bộ phim đã tạo được tiếng vang ít nhiều trong vài năm trở lại đây. Tuy điều kiện làm phim còn khó khăn, thiếu thốn, kinh phí eo hẹp, cộng thêm sự cạnh tranh của những phim bom tấn nước ngoài, phim giải trí trong nước, nhưng những bộ phim này vẫn luôn có cách để chạm được đến trái tim của một bộ phận khán giả.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nổi lên với tư cách là đạo diễn của dòng phim chiến tranh với hàng loạt phim được chú ý như: "Đường Thư", "Những người viết huyền thoại", "Thầu Chín ở Xiêm" đã tâm sự khi đứa con tinh thần của mình đến với công chúng: "Phim thường rơi vào tình trạng mà báo chí hay gọi là phim cúng cụ, phim làm hời hợt và đầy tính khẩu hiệu, không mang lại hiệu quả cao. Tôi không làm phim theo tính khẩu hiệu tuyên truyền, tôi cũng làm phim theo đề tài đó nhưng phim của tôi là câu chuyện nghệ thuật mang tính giải trí cao. Tôi đi sâu vào số phận nhân vật, chiến tranh chỉ là cái nền để tôi thể hiện câu chuyện của tôi. Chẳng hạn nhiều người cũng nói về biển cả theo cách của họ, tôi cũng nói về biển cả nhưng theo cách của tôi, là chỉ dùng một giọt nước".
Bộ phim “Những người viết huyền thoại” đoạt giải Bông Sen Vàng lần thứ 18 dựa trên câu chuyện về chiến công của binh đoàn 559 trong việc lắp đặt đường ống dẫn dầu vào chiến trường miền Nam những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Diễn viên Quốc Thái trong "Những người viết huyền thoại" - bộ phim khai thác đề tài chiến tranh của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Ảnh: tin247
Chờ đón luồng gió mới từ đạo diễn trẻ
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã thổi luồng gió mới vào bộ phim này, mang đến hình ảnh rất thực về cuộc chiến vừa tàn khốc, vừa lãng mạn, vừa hấp dẫn bởi những cảnh chiến đấu ác liệt, vừa xúc động với những đau thương mất mát. Với cách làm chắc tay, mạnh mẽ và có hơi hướng cách làm phim của nước ngoài, bộ phim “Những người viết huyền thoại” đã cho khán giả cái nhìn hoàn toàn mới về phim chiến tranh, không chỉ đơn thuần là phim tuyên truyền mà thực sự đó là phim nghệ thuật có sức lay động rất lớn.
Mới đây nhất, bộ phim “Người trở về” của cô đạo diễn 8x Đặng Thái Huyền đã tạo nên một cơn sốt cho khán giả. Là người còn rất trẻ, nên Thái Huyền muốn khán giả trẻ có cái nhìn hoàn toàn khác về phim chiến tranh cách mạng, không phải khô khan giáo điều, không phải là câu chuyện lê thê, sự đau khổ thể xác và tinh thần của chiến tranh gây ra, mà đó chính là ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh. "Mọi người thường nghĩ đề tài về chiến tranh cách mạng, đề tài lịch sử hay hậu chiến khô khan, không gây cho người ta sự tò mò thích thú như dòng phim thị trường, nhưng theo Huyền, người làm phim phải tìm ra đường đi, tiếp cận đề tài một cách tốt nhất. Hình tượng chiến sĩ tốt nhất khi tiếp cận người xem không chỉ kiên cường nơi chiến trường, đứng trước bom rơi đạn nổ thì họ thể hiện bản lĩnh của họ, mà điều người ta muốn là khi bước ra khỏi cuộc chiến thì cái cách họ đối diện với cuộc sống với tình yêu như thế nào mới quan trọng", đạo diễn Đặng Thái Huyền cho biết.
Trương Minh Quốc Thái - diễn viên khá may mắn khi được giao những vai trọng trách trong các phim về đề tài chiến tranh, hình tượng người chiến sĩ được anh khắc họa rõ nét và sống động, không giấu được sự tự hào, anh nói: "Các nhà làm phim hiện nay cũng đã thay đổi rất nhiều để tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ. Theo thời cuộc thì mọi người thường xem phim giải trí nhiều hơn, nghe tới phim chiến tranh thì không muốn xem. Nhưng các bạn ơi, các bạn hãy bỏ thành kiến đó và hãy xem để biết hiện nay nó đã thay đổi như thế nào. Nhiều bạn bất ngờ vì ban đầu tưởng xem phim buồn ngủ, nhưng sau đó thì cảm động và khóc cười cùng nhân vật. Hy vọng khán giả sẽ quan tâm theo dõi vì chúng tôi đã bỏ công bỏ sức của mình để mang đến thông điệp nhân văn và tấm lòng yêu nước của chúng tôi".
Có thể nói, với cách thể hiện mới mẻ độc đáo, những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng không còn mang tính tuyên truyền, mà nó hấp dẫn cả về phương diện giải trí lẫn nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện nay, đề tài phim chiến tranh ở nước ta chỉ mới dừng ở mức đơn đặt hàng của nhà nước trong các dịp lễ kỷ niệm, nó chưa thoát khỏi cái bóng tuyên truyền vì vậy để dòng phim này trở thành dòng phim ăn khách, có chỗ đứng trong thị trường phim ảnh nước nhà cũng cần rất nhiều thời gian và sự đầu tư công phu. Bên cạnh đó cần lắm cách quảng bá phim thật hiệu quả để không còn xảy ra tình trạng phim hay không có người coi.
Vượt qua biết bao thăng trầm cùng đất nước, dòng phim chiến tranh cách mạng và hậu chiến vẫn là một đề tài gai góc cần được khai thác một cách hiệu quả hơn nữa để thế hệ hôm nay thông qua đó thêm yêu quý và tự hào về những gì thế hệ ông cha ta đã hi sinh cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay.