Sách nội “thất thế” trên sân nhà

(VOH) - Dạo quanh các nhà sách, chúng ta dễ dàng thấy được sách dịch hiện nay chiếm tỉ trọng khá lớn, tỷ lệ sách dịch và sách trong nước chênh lệch đáng kể. Phải chăng sách nội chưa đáp ứng được nhu cầu đọc của độc giả hay còn vấn đề gì khác? Và ngành xuất bản hiện nay như thế nào?

Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, trưởng Đại diện Văn phòng phía Nam. Ảnh: Zing

Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) có cuộc trò chuyện với ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, trưởng Đại diện Văn phòng phía Nam.

VOH: Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về tình hình xuất bản hiện nay, nhất là ở TPHCM?

Ông Lê Hoàng: Tôi thấy đương có sự phát triển khá tốt. anh em trong giới xuất bản nói rằng lúc này là lúc ngành xuất bản đang thịnh. Đó là niềm vui của những người xuất bản nói chung cũng như các nhà xuất bản nói riêng. Thị trường đang phát triển, tổng số lượng năm 2015 so với 2014 tăng khoảng 15%. 15% sản lượng và doanh số của cả nước.

Trong 1,2 năm trở lại đây, đã có những tác giả in, phát hành số lượng của đầu sách mới lên tới hàng vạn. Ví dụ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, quyển mới nhất phát hành lần đầu lên đến 100 ngàn cuốn. Hay những tác giả trẻ như Anh Khang, Tony buổi sáng thì có những quyển sách in lần đầu tiên là 2 vạn cuốn. Đó là những tín hiệu mà trước đây không có. Điều đó cho thấy rằng thị trường sách phát triển tốt, hoạt động xuất bản có những tín hiệu tốt,

VOH: Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng vi phạm bản quyền, đúng không

Ông Lê Hoàng: Thứ nhất, vẫn còn tình trạng mà đến giờ vẫn còn là nỗi bức xúc cho người làm sách đàng hoàng, đó là tình trạng in giả, mà trong giới gọi là “luộc sách”. Trường hợp First News mà có những quyển sách người ta kiện, thành ra đó là bức xúc vô cùng lớn với các đơn vị làm sách đặc quyển sở hữu. Dạng hai, có những đơn vị in sách mà không đảm bảo số lượng trung thực với tác giả. Nó cũng là loại xâm hại đến lợi ích của người viết, của tác giả. Hiện nay, cũng có những nỗ lực từ phía các cơ quan quản lí nhà nước.

Ví dụ như Cục xuất bản, các cơ quan công an, cơ quan quản lí thị trường và nhất là luật xuất bản gần đây thì họ cũng đã đưa vào những chế tài khá cụ thể. Tạo ra sự tuân thủ, để không còn ảnh hưởng đến lợi ích của tác giả, ngày càng giảm đi. Sau khi mình vào công ước Bern, rồi luật liên quan đến bản quyền, liên quan đến xuất bản, những nghị định ra đời thì làm cho giới xuất bản càng ngày càng tuân thủ, tôn trọng bản quyền, càng ngày càng tuân thủ vấn đề về pháp lý. Thì tôi thấy chiều hướng đó cũng ngày càng tốt hơn.

VOH: Tôi xin không nói đến mảng sách giáo khoa, mà chỉ nói về mảng sách văn hóa, văn học, kinh tế,... thì tỷ lệ sách dịch cao gấp đôi sách sáng tác trong nước. Có vẻ sách nội đang thất thế tại sân nhà?

Ông Lê Hoàng: Đúng. Sách dịch chiếm tỷ trọng rất cao. Bởi vì, thật ra khả năng viết ở nước ngoài là cả thế giới viết. Tác giả Việt Nam viết vẫn ít. Nhưng điều chúng ta cần quan tâm, tức là hàm lượng khoa học, hàm lượng kiến thức, nội dung, tính nghệ thuật thì quan trọng. Sách dịch nếu chúng ta biết chọn lọc tốt thì nó vẫn rất tốt cho nhu cầu đọc của người Việt Nam chúng ta.

VOH: Mình cũng có những tác phẩm bán ra nước ngoài được. Và tôi thấy mảng sách văn hóa, lịch sử, đặc biệt là văn học thời chiến. Chúng ta từng bán được sách của nhà văn Bảo Ninh, rồi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh... nhưng chúng ta chưa tuyên truyền nhiều mà chỉ thấy sách dịch thôi.

Ông Lê Hoàng: Đó là khâu yếu nhất. Tức là xuất khẩu bản quyền thì Việt Nam đưa ra nước ngoài không có bao nhiêu, một con số rất là ít ỏi. Bởi 2 lí do: những tác phẩm để xuất khẩu không phải là nhiều, để ra nước ngoài, dịch ra tiếng nước ngoài không phải là nhiều. Điều thứ hai, công nghệ lăng xê, công nghệ xuất khẩu của mình quá kém. Mình có đi hội chợ Frankfurt để quảng bá đâu, không đưa lên mạng quảng bá. Cái này còn rất nghiệp dư. Thế giới không thể biết mình có sách gì hay.

Ví dụ sắp tới mình có Mini book fair diễn ra với Nhật Bản lần thứ 2, thì chúng tôi sẽ lưu ý với các NXB trong nước để mình có chương trình giới thiệu với các bạn về sách của Việt Nam. Tôi thấy, vừa qua NXB Văn hóa Văn nghệ có ý thức này. Họ lấy quyển sách về nghiên cứu văn hóa của NXB Văn hóa Văn nghệ, chào cho NXB của Nhật và bây giờ đang thương thảo và có khả năng mua quyển sách đó của NXB Văn hóa Văn nghệ. Rõ ràng đâu phải sách Việt Nam không bán được.

VOH:  Là người có kinh nghiệm làm sách thì ông có hiến kế gì để sách sáng tác trong nước đến gần với bạn bè quốc tế?

Ông Lê Hoàng: Đây là vấn đề rất nghiêm túc. Tôi đã từng đề nghị nhưng chưa được quan tâm. Hội sách TPHCM là hội sách tầm cỡ thành phố, nếu nói về qui mô thì là tầm cỡ quốc gia.  Nhưng mà chúng ta nhìn kĩ thì nó không phải là hội sách quốc tế được vì nó cũng diễn ra là bán sách cho người Việt Nam thôi. Tại sao chúng ta không nâng nó lên thành Hội sách quốc tế như các nươc trong khu vực chúng ta đã làm.

Khi làm hội sách tầm quốc tế thì chúng ta sẽ mời các NXB nước ngoài vô Việt Nam, tổ chức những đàm phán về bản quyền với các NXB nước ngoài đó, họ sẽ đến đây và thấy tận mắt những quyển sách chúng ta cần bán. Lúc đó mới nói đến việc xuất khẩu tác quyền thành công được.

Cám ơn ông!