Sân khấu cải lương phòng trà, lối ra cho các nghệ sĩ

(VOH) - Không phải là sân khấu hoành tráng, không quá ồn ào hay quá phấn khích khi nghe nghệ sĩ xuống một câu vọng cổ mùi mẫn nhưng cải lương phòng trà vẫn để lại trong lòng người xem nhiều dư vị đẹp. Trong bối cảnh sân khấu cải lương đang gặp nhiều khó khăn, sàn diễn khan hiếm, cải lương phòng trà ra đời như một nguồn động viên, giúp người nghệ sĩ có thêm điểm tựa để bước tiếp với nghề.
 
Sự trở lại của nghệ sĩ Kim Giác (trái) trong một chương trình cải lương phòng trà khiến nhiều khán giả xúc động.

Câu chuyện về cải lương phòng trà bắt đầu từ cuối năm 2011, khi Trần Anh Khoa - dân ghiền cải lương thứ thiệt muốn được xem lại những vở cải lương hay cùng những giọng ca vang bóng một thời. Nghĩ là làm, Khoa tìm đến phòng trà “Tiếng Xưa” đưa ý tưởng này đến những người quản lý nơi đây. Nhận được sự đồng thuận, Khoa bắt tay vào thực hiện số đầu tiên. Không như mong mỏi, chương trình đầu tiên khá vắng, làm cho những người thực hiện có chút nao lòng. Không nản lòng, Khoa cùng các anh chị tiếp tục đổi mới chương trình, giảm giá vé và cộng thêm nhiều ưu đãi cho khán giả. Như một sự đáp trả công lao của những người chăm bón, hoa đã bắt đầu nở trên đá, đi thật chậm từng bước cho đến hôm nay sau 7 số (mỗi tháng 1 số), chương trình đã có một lượng khán giả riêng. Khi được hỏi ý tưởng về sân khấu cải lương phòng trà, Trần Anh Khoa tâm sự rằng không biết sao mình lại “gan” đến thế, vì bản thân vốn không biết chút gì về cải lương. “Tôi ấp ủ ý tưởng này rất lâu, khi bắt tay vào thực hiện cũng không dám tin chương trình sẽ thành công. Mình muốn tạo ra một sân chơi để khán giả và nghệ sĩ cùng gặp nhau chứ chưa từng nghĩ để tạo nên thương hiệu. Và thành công hôm nay là công sức của cô, chú, anh chị em nghệ sĩ và cả khán giả đã hết lòng ủng hộ chương trình" - Khoa bộc bạch.

Cải lương phòng trà không chỉ có những tác phẩm một thời vang bóng mà ở đó còn có những câu chuyện đời, chuyện nghề thấm đẫm yêu thương. Ngoài những tên tuổi đang là hàng sao như: NSƯT Phượng Loan, Vũ Luân, NSƯT Phượng Hằng, NSƯT Hữu Quốc, Tú Sương, NSƯT Quế Trân, Võ Minh Lâm… người mộ điệu còn có dịp gặp lại những nghệ sĩ đã từng là viên ngọc sáng ở thời kì hoàng kim của sân khấu như: NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Ngọc Hương, NSƯT Diệu Hiền, Thanh Thế, Kim Giác… Khán giả và nghệ sĩ trở nên gần gũi trong một không gian ấm cúng. Những giọt nước mắt, cái bắt tay, những lời thăm hỏi động viên, những bó hoa mà khán giả dành tặng nghệ sĩ càng làm cho đêm diễn trở nên ý nghĩa.

Quả thật, dưới ánh sáng huyền diệu của sân khấu, mọi vật đều có một sức hút kỳ lạ. Ở đây, các nghệ sĩ lớn tuổi dù sức khỏe yếu phải ngồi để ca diễn nhưng họ vẫn đốt cháy niềm đam mê của khán giả bằng ngọn lửa trong tim. Khán giả cũng chỉ cần có vậy, đó là cảm xúc, là tiếng nói của trái tim. Sau nhiều năm, các nghệ sĩ mới có dịp được ca diễn bằng những cảm xúc thật sự trước rất đông khán giả yêu cải lương. Nghệ sĩ Thanh Thế xúc động: “Tôi thỉnh thoảng mới đi diễn và diễn ở sân khấu phòng trà là lần đầu tiên. Xa sân khấu sàn diễn lâu quá và ít diễn tuồng nên tôi sợ mình sẽ không làm được. Đồng thời, phòng trà có vẻ như sang trọng quá và hơi xa lạ với nghệ sĩ cải lương nhưng khi đến đó hát rồi thì thấy thích lắm. Khán giả thân thương quá và không ngờ khán giả vẫn còn thương mình…”.

Nghệ nhân Bạch Huệ trình diễn ĐCTT trên sân khấu phòng trà Tiếng xưa.

Sau khi rạp Hưng Đạo được tháo dỡ để xây mới thì hiện tại cả thành phố chỉ còn một sân khấu cải lương duy nhất là rạp Thủ Đô ở quận 5. Tuy thỉnh thoảng cũng có một vài điểm diễn ở một số sân khấu khác, nhưng chủ yếu là tấu hài và ca cổ. Vì thế sân khấu cải lương phòng trà đã thật sự gợi mở một hướng đi cho những người làm nghề, nhất là những nghệ sĩ trẻ. Họ có cơ hội được rèn nghề, được hội ngộ cùng người mộ điệu và quan trọng hơn cả là tìm được một lối nhỏ để tháo gỡ bài toán mưu sinh. Nghệ sĩ trẻ Võ Minh Lâm với những giải thưởng và nhiều vai diễn đang dần khẳng định mình bày tỏ suy nghĩ: “Những ngày đầu mới đến với sân khấu này, Lâm có suy nghĩ, không biết sân khấu nhỏ như thế này thì mọi người có thể diễn tròn vai được hay không, nhưng Lâm thật sự bất ngờ vì chính sự ấm cúng và gần gũi của sân khấu nên nghiệ sĩ dễ cảm xúc hơn. Và đối với một nghệ sĩ trẻ như Lâm thì đây thật sự là cơ hội tốt để Lâm và các bạn làm nghề"…

NSƯT Hữu Quốc, đạo diễn xuyên suốt của chương trình cho biết anh thấy vô cùng hạnh phúc khi có thêm sân khấu cho anh em thể hiện và mừng vì khán giả vẫn còn rất yêu cải lương. Thực tế, khi khan hiếm sân khấu sàn diễn, nhiều anh em nghệ sĩ phải hát cả ở đám cưới, đám ma, sinh nhật như một cách để đỡ nhớ nghề. “Khi tôi nhận lời cùng các anh em nghệ sĩ thực hiện chương trình này, quả thật rất hồi hộp. Bây giờ, sân khấu cải lương đang khó khăn mà làm như thế này nếu không có khán giả thì khó lòng cầm cự được. Nhưng không ngờ, kết quả ngoài mong đợi. Giờ tôi cũng thấy vui khi Khoa là dân ngoại đạo mà yêu sân khấu đến vậy" - NSƯT Hữu Quốc chia sẻ.

Hiện tại là vậy, nhưng về lâu dài, đây có phải là hướng mở khả thi cho sân khấu khi mà phần lớn khán giả của cải lương là người bình dân và họ có thói quen đến rạp hát hơn là phòng trà. Ông Phan Quốc Hùng - Giám đốc nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, nơi góp phần đào tạo nhiều tài danh cho sân khấu và hiện họ cũng đang hoạt động ở nhiều nơi khác nhau, trong đó có sân khấu phòng trà, cho biết: "Những thể nghiệm đầu tiên của cải lương phòng trà xem như không phụ lòng những người thực hiện. Sân khấu cải lương có thêm một nơi để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật. Và khán giả có một nơi để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cải lương, một món ăn tinh thần đặc sắc của đất phương Nam".

Như lời ông Phan Quốc Hùng đã nói, dù hát ở đâu đi nữa thì nghệ sĩ cải lương vẫn mơ ước có những sân khấu cải lương chỉn chu, đúng nghĩa để được thăng hoa với nghề. Và mơ ước ấy hàng ngày, hàng giờ vẫn cháy bỏng trong tim của các nghệ sĩ.