Tiếng hát cất cao từ những khát vọng sống

(VOH) - Hội thi tiếng hát người khuyết tật toàn quốc không chỉ là dịp để sẻ chia những tâm tình cùng cảnh ngộ, cùng ước mơ mà còn cơ hội để cộng đồng người khuyết tật trao tặng lại cuộc sống món quà mang tên nghị lực và niềm tin.

Nhân ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12) và chào mừng Hội nghị quốc tế về người khuyết tật khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 11/2014. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng một số đơn vị tổ chức Hội thi tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất - năm 2014. Chủ đề “Những trái tim khát vọng” đã thể hiện đầy đủ tinh thần của những số phận kém may mắn nhưng luôn giữ được một thái độ lạc quan và tận dụng từng phút giây tồn tại để “sống” thật có ý nghĩa.

Dù mới lần đầu được tổ chức nhưng quy mô của cuộc thi không hề nhỏ và sẽ diễn ra trên phạm vi toàn quốc với 3 cụm ở vòng loại: khu vực miền Bắc thi tại Vĩnh Phúc, khu vực Đông – Tây Nam Bộ thi tại TP.HCM và miền Trung thi tại Nghệ An. Để chuẩn bị cho vòng chung kết xếp hạng tại Hà Nội vào cuối tháng 11/2014, từ đầu tháng 9 các địa phương đã rộn ràng xây dựng kế hoạch “tuyển quân” nhằm chọn lựa những cá nhân xuất sắc nhất tập hợp thành đội hình biểu diễn mang đến thủ đô.

Hưởng ứng tích cực sự kiện ý nghĩa này, TP.HCM sẽ là đơn vị đăng cai vòng chung kết khu vực Đông – Tây Nam Bộ. Để có thể tìm ra những nhân tố tài năng đang sinh hoạt, học tập tại các tổ chức khuyết tật và cả những người khuyết tật sống trên địa bàn TP.HCM, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Thành phố là đơn vị chịu trách nhiệm chính đứng ra tổ chức “Hội thi Tiếng hát người khuyết tật Thành phố lần thứ nhất năm 2014” với chủ đề “Quê hương và khát vọng sống”.

Chia sẻ về kế hoạch triển khai, bà Hoàng Thị Khánh – Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi – Trưởng ban tổ chức Hội thi tại TP.HCM, cho biết thêm: “Chúng tôi đã tuyển chọn được 10 tiết mục để hình thành 2 đội đi thi khu vực. Một đội có chủ đề dự thi là "Quê hương", một đội có chủ đề là "Khát vọng sống". Hiện nay hai đội này đã tập hợp trước để có thể trao đổi và thấu hiểu nhau hơn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng nhờ đến sự hỗ trợ của các nhạc sĩ từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch để luyện tập cho các em thành một đội hình thống nhất theo 2 chủ đề đã lựa chọn”.

Vòng sơ tuyển đã tổ chức tại Trung tâm Văn hóa TP.HCM với tiến độ khẩn trương. Với những giá trị nhân văn sâu sắc mà cuộc thi mang đến, ban tổ chức đã nhận được sự tham gia rất nhiệt tình của các thí sinh ở đủ loại hình nghệ thuật từ hát, múa đến biểu diễn nhạc cụ.

Dõi theo phần thể hiện tài năng đầy say mê ở các thí sinh đặc biệt này có lẽ khán giả và cả ban giám khảo đều nhận ra chung một cảm xúc rất lạ. Có thể số phận bất hạnh đã lấy đi đôi mắt nhưng họ vẫn vẽ được bức tranh cuộc sống đầy sắc màu bằng giai điệu âm nhạc từ nguồn sáng con tim. Tuy khiếm thính và không nói được nhưng họ vẫn có thể hát múa bằng đôi bàn tay kì diệu. Vượt qua thử thách dường như là cách tốt nhất để họ chứng minh với số phận rằng: những người khuyết tật vẫn đang sống, sống xứng đáng hơn nhiều lần những gì số phận đã trao một cách nghiệt ngã.

Được biểu diễn và niềm vui, được thỏa lòng với niềm đam mê nghệ thuật là động lực để các thí sinh càng ra sức tập luyện nhiều hơn. Xúc động khi có một sân chơi dành riêng cho người khuyết tật với quy mô như thế, thí sinh Trần Vũ Hoài Phương chia sẻ: “Thực sự rất vui vì đây là dịp để chúng em thể hiện niềm đam mê ca hát và là cơ hội để giao lưu học hỏi. Với âm nhạc sẽ rất dễ đến với trái tim mọi người, rất dễ kết nối từng tấm lòng với nhau".

"Nhóm mình muốn gửi đến mọi người một thông điệp rằng, người khuyết tật không phải lúc nào cũng buồn bã, tự ti mà lúc nào cũng vui tươi, mang tiếng hát hay tới mọi người. Đó là hình ảnh mà nhóm hướng tới để cộng đồng có thể nhìn khác đi về người khuyết tật…” ,Chu Duy Thiện đến từ Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD nói.

Ảnh minh họa - Nguồn: Giadinh.

Từ 39 tiết mục tham dự, ban tổ chức đã lựa chọn được 10 tiết mục để hình thành 2 chương trình biểu diễn sẽ tham gia tranh tài tại vòng thi khu vực Đông – Tây Nam Bộ. Với các thí sinh đặc biệt như thế này, tiêu chí đánh giá của hội đồng nghệ thuật cũng sẽ có những quy định “đặc biệt” để sao cho vừa có thể đảm bảo tính nghệ thuật cho chương trình vừa ghi nhận được khả năng và sự cống hiến của thí sinh. Ông Lê Ích Diễn – Phụ trách phòng Nghệ thuật quần chúng Trung tâm Văn hóa TP.HCM – thành viên ban thẩm định vòng sơ tuyển tại TP.HCM cho biết: “Với thời gian gấp rút nhưng nhìn chung các đơn vị rất tích cực. Về chất liệu thì rất phong phú, từ ca cổ, hát cho đến hòa tấu nhạc cụ, đặc biệt là có những người câm điếc diễn tả bài ca qua động tác. Nhưng riêng loại hình múa với người khuyết tật khá hạn chế. Đối với người khuyết tật thì không phải như các văn nghệ quần chúng khác nên ban tổ chức cũng như ê kíp dàn dựng cũng đến với họ bằng trái tim. Về hình thức thì chắc chắn không thể diễn đạt như những người bình thường nên chúng tôi tập trung ở giọng ca, ngón đàn sao cho đi vào lòng người một cách đầy cảm xúc”.

Có lẽ vì đây là lần đầu tiên có một cuộc thi như vậy nên ban tổ chức và cả người tham dự còn gặp không ít khó khăn về kinh phí và cả những công trình phục vụ biểu diễn cũng chưa thực sự “tiếp cận” với người khuyết tật. Chia sẻ về vấn đề này, cô Phạm Cao Phương Thảo – giáo viên của tổ chức International Teacher UNESCO – Chánh văn phòng Tổ chức Cộng đồng điếc câm TP.HCM nói: “Dàn dựng tiết mục cũng có những khó khăn nhất định về ngôn ngữ, vì âm nhạc rất trừu tượng. Trong khi múa thì mình không thể múa theo ngôn ngữ kí hiệu được vì nó sẽ bị giật, mình phải có biên đạo để dàn dựng cho uyển chuyển từ động tác này qua động tác khác".

"Do là lần đầu tiên nên có lẽ cũng còn nhiều thiếu sót đối với người khuyết tật. Mình thì không nói nhưng những bạn khuyết tật chân thì lên xuống sân khấu khó vì sân khấu chưa phù hợp cho những người khuyết tật chân. Thứ hai là ban giám khảo làm việc hơi gấp nên những người biết hát, biết đàn chưa thể hiện được hết khả năng, có những người hát chỉ được nửa bài, chưa thể hiện hết được.”, thí sinh khiếm thị Kim Phóng tâm sự.

Hội thi lần này mang một giá trị tinh thần rất lớn với người khuyết tật. Đây không chỉ là dịp để sẻ chia những tâm tình cùng cảnh ngộ, cùng ước mơ nghệ thuật mà còn cơ hội để cộng đồng người khuyết tật trao tặng lại cuộc sống món quà mang tên nghị lực và niềm tin. Dẫu cho vạn sự còn khởi đầu nan nhưng hi vọng với sự quan tâm, động viên của xã hội nhân ái sẽ giúp các thí sinh “đặc biệt” này tiếp tục tỏa hương như những đóa hoa cuộc sống.