Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc: “Cần tăng cường sự nhận thức của xã hội”

(VOH) - Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc 2014 diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) từ ngày 20/11 - 03/12 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức định kỳ 5 năm/lần nhằm giới thiệu những thành quả của mỹ thuật ứng dụng trong 5 năm gần đây đến với công chúng trong nước và quốc tế; tôn vinh các tác giả đang hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị sản xuất tiếp cận những sản phẩm thiết kế tốt để đầu tư sản xuất; góp phần nâng cao chất lượng thẩm mỹ cho các sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu.

Tác phẩm tham dự triển lãm. Ảnh: BTC

Được phát động từ giữa tháng 04/2014, Triển lãm thu hút khoảng 460 tác phẩm, sản phẩm của hơn 200 tác giả trên cả nước gửi về tham dự. Trong đó; 189 tác phẩm, sản phẩm được chọn trưng bày và 27 tác phẩm, sản phẩm xuất sắc nhất đã được trao giải thưởng. Bên cạnh thành tựu đạt được thì triển lãm cũng đặt ra nhiều vấn đề của bức tranh mỹ thuật ứng dụng hiện nay, phóng viên Đài TNND TPHCM có cuộc phỏng vấn ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Phó Ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc 2014.

*  Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chất lượng của các tác phẩm, sản phẩm trong Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc 2014?

Ông Vi Kiến Thành: Chất lượng tác phẩm, sản phẩm trong triển lãm lần này có những phát triển, có những tìm tòi sáng tạo mới của các nghệ nhân, nghệ sĩ và gây được sự chú ý. Ví dụ một số tác phẩm, sản phẩm làm bằng chất liệu giấy truyền thống trúc chỉ ở Huế từ một chất liệu giấy rất lâu đời như: ô, túi, ví, hộp đồ dùng và một số sản phẩm làm từ chất liệu gốm, mây tre đan.. Rất nhiều sản phẩm đã có sự tìm tòi và sáng tạo mới mẻ của các nghệ nhân, nghệ sĩ.

*  Thưa ông, với sự phát triển của mỹ thuật ứng dụng Việt Nam và đặc biệt là sự hưởng ứng của đông đảo các nghệ nhân, nghệ sĩ cả nước thì liệu rằng chu kỳ 5 năm/lần của triển lãm này có quá dài ?

Ông Vi Kiến Thành: Thực ra nếu nói 5 năm/lần là hơi lâu thì cũng có cái lý nhưng thật ra trong khoảng thời gian 5 năm ấy chúng tôi vẫn có những triển lãm chuyên đề, ví dụ như các chuyên đề về sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, thời trang,... Còn Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc này thì bao hàm ở tất cả các lĩnh vực cho nên 5 năm cũng là thời gian đủ để chúng ta đánh giá, nhìn nhận sự phát triển; đồng thời tôn vinh và khẳng định giá trị của những sản phẩm từ khi thiết kế, sản xuất hàng loạt cho đến khi đưa ra tiêu dùng. Xét trên nhiều phương diện thì khoảng thời gian 5 năm cũng là phù hợp.

* Một vấn đề rất được công chúng quan tâm là hiệu quả ứng dụng tác phẩm, sản phẩm mỹ thuật vào tđời sống thực tiễn. Qua các kỳ triển lãm, ông nhận định như thế nào về điều này?

Ông Vi Kiến Thành: Qua các kỳ triển lãm, chúng tôi nhận thấy là triển lãm vẫn chưa đạt được mong muốn là góp phần thay đổi nhận thức của xã hội đối với một lĩnh vực rất thiết yếu của đời sống xã hội. Cụ thể là những sản phẩm tiêu dùng, hàng hóa cần đạt đến những chuẩn mực về thẩm mỹ, yếu tố văn hóa Việt Nam và cần có sự liên kết giữa người thiết kế - người sản xuất để tìm ra những sản phẩm tiêu dùng tốt, có lợi ích kinh tế. Sự nhận thức xã hội về điều này chưa đạt được như mong muốn. Bối cảnh chung hiện nay cho thấy vẫn chưa có sự liên kết giữa người sáng tạo và người sản xuất hàng loạt để tiêu thụ cho nên sự ảnh hưởng và chất lượng của các sản phẩm vẫn chưa được lan tỏa, chưa đem đến hiệu quả thiết thực cho đời sống xã hội. Đó cũng là vấn đề mà chúng tôi rất trăn trở và rất muốn có sự đồng thuận, ủng hộ và quan tâm hơn nữa của xã hội đối với lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng hiện nay.

* Thưa ông, các kỳ triển lãm vừa qua có sự tham gia hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức. Vậy thì mức độ liên kết này hiện nay như thế nào và cần được tăng cường ra sao?

Ông Vi Kiến Thành: Đúng là ngay từ đầu chúng tôi vận động, mời các cơ quan của bộ, ngành liên quan cùng vào cuộc với Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch để tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ cho việc tổ chức triển lãm nhằm khẳng định sự cần thiết của việc gắn kết giữa các nhà sáng tạo thiết kế mẫu mã, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các làng nghề,... Thế nhưng, mặc dù chúng tôi đã mời rất đông, mời rất nhiều nơi tham gia nhưng sự hưởng ứng và sự phối hợp vẫn mang tính hình thức. Chúng tôi cần sự hưởng ứng và sự ủng hộ một cách thực tế, thiết thực hơn nữa của các bộ, ngành khác.

* Xin cám ơn những chia sẻ của ông và hi vọng rằng đầu ra của các tác phẩm, sản phẩm  mỹ thuật ứng dụng Việt Nam sẽ ngày càng được quan tâm và khởi sắc hơn!

Ông Vi Kiến Thành: Tôi cũng rất hi vọng như vậy. Tôi mong rằng xã hội sẽ ngày càng quan tâm hơn đến lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng này.