Chờ...

Phụ huynh thờ ơ với các lớp thí điểm nhận trẻ 6-18 tháng tuổi

(VOH) - Những đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của TPHCM rất có ý nghĩa nhưng chặng đường đổi mới giáo dục còn rất gian nan phía trước.

Năm học mới 2014 - 2015 ngành giáo dục xác định là năm học đầu tiên thực hiện nghị quyết 29 của của hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”. TP.HCM là địa phương đi đầu trong giáo dục và đã thực hiện nhiểu đột phá nổi bật như đề án thí điểm nhận trẻ 6-18 tháng tuổi và đề án phổ cập và nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp. Đây là những đề án vô cùng ý nghĩa thế nhưng chặng đường đổi mới giáo dục còn rất gian nan phía trước. 

Nhu cầu gửi trẻ từ 6 -18 tháng tuổi rất bức thiết, đặc biệt trong những năm gần đây xảy ra một số vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở giữ trẻ không phép. Trước nhu cầu cấp bách gửi trẻ từ 6 tháng - 18 tháng tuổi của người dân, đặc biệt ở khu vực tập trung các khu chế xuất, khu công nghiệp, ngay trong năm học này TP đã triển khai đề án chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại 8 quận huyện.

Thế nhưng, sau gần hai tháng triển khai, diễn biến thực tế không như mong đợi. Chỉ tiêu nhận trẻ trong độ tuổi này ở các trường là khá ít nhưng vẫn chưa được lấp đầy. Tuy trẻ được thực hiện chăm sóc ở trường công lập, đầy đủ tiện nghi nhưng tâm lý chung của các bậc phụ huynh vẫn chưa yên tâm khi gửi con khi con còn nhỏ tháng. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh khác lại có tâm lí "nghe ngóng" chờ hết một năm xem hiệu quả thế nào mới tính. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất đó là giờ đón trẻ quá sớm, nhất là với phụ huynh học sinh là công nhân phải tăng ca, người lao động làm việc cuối tuần...là không mấy thuận tiện.

Để thực hiện thí điểm đề án này, mỗi quận huyện thực hiện thí điểm đã phải đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị với kinh phí lên tới cả trăm triệu đồng cho một phòng học; lựa chọn giáo viên giàu kinh nghiệm, trải qua các lớp tập huấn... Trái với sự sẵn sàng của các trường, là phản ứng khá "thờ ơ" của phụ huynh có con trong độ tuổi này.

Quận Tân Phú chọn trường mầm non Hoa Anh Đào và trường mầm non Phượng Hồng thí điểm, mỗi trường 1 lớp, mỗi lớp giữ 12 trẻ. Quận cũng đã đầu tư đầy đủ khá lớn như lát sàn gỗ, xây nhà vệ sinh riêng, phòng cho bé bú, bàn thay tã và nôi cho bé nằm, các món đồ chơi cho bé tập vận động… Cơ sở khang trang là thế nhưng số trẻ vẫn chưa đủ theo yêu cầu, chủ yếu là trẻ từ 13 - 18 tháng tuổi. "Khi nhập học, các cháu là 15 tháng, nên phải đổi lại đồ chơi cho phù hợp lứa tuổi và tăng cường đồ chơi cho trẻ phát triển vận động phù hợp lứa tuổi 13 đến 18 tháng", cô Trần Thị Kiều Thanh, Hiệu trưởng trường mần non Phượng Hồng cho biết.

Bà Chung Bích Phượng, Phó phòng Giáo dục quận Tân Phú cho hay: Quận ưu tiên nhận trẻ là con của công nhân có hộ khẩu thường trú ở quận, con người lao động nghèo có mã số hộ nghèo, con bộ đội ngoài hải đảo và con giáo viên, công chức… Thế nhưng đa số công nhân ở khu chế xuất Tân Bình (quận Tân Phú) lại sinh sống ở quận Bình Tân nên mỗi trường thí điểm chỉ nhận được vài hồ sơ chủ yếu là con giáo viên: "Bắt đầu thí điểm tôi nghĩ không cần nóng vội để cả phụ huynh học sinh (PHHS) và nhà trường chuẩn bị tâm lí. Nếu cùng lúc trẻ vào quá đông mà chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thì cũng không có tác dụng tốt đến quá trình thí điểm".

Phụ huynh thờ ơ với các lớp thí điểm nhận trẻ 6-18 tháng tuổi 1

Trường Mầm non Hoa Hồng (quận Bình Tân) chỉ mới lác đác vài học sinh lớp 6-18 tháng tuổi - Ảnh: NLĐ.

Cũng lâm vào tình trạng như quận Tân Phú, quận 7, quận 12, huyện Nhà Bè… số trẻ nhập học cũng chưa đạt chỉ tiêu đưa ra. Với đặc điểm là địa phương có đông công nhân làm việc ở khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 có hai lớp thí điểm giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi với số lượng 15 trẻ/lớp ở trường mầm non 19/5. Mặc dù quận đã chủ động hạn chế nhận số lượng hồ sơ của trẻ ở độ tuổi này ngay từ đầu nhưng thực tế không như dự đoán. "Khó chiêu sinh, số lượng đăng kí cũng hạn chế, trường nhận hai nhóm 6-12 tháng và 13-18 tháng mỗi nhóm 15 trẻ nhưng vẫn chưa đủ. PHHS ngại trường công lập do giờ giấc không linh động", Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận 7 Ngô Xuân Đông, nhận định.

Khá hơn các quận, huyện còn lại, trường mầm non Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) có 9 trẻ nộp hồ sơ trong 15 chỉ tiêu. Cô Nguyễn Thị Trúc Ly, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cho hay, số lượng hồ sơ các trẻ 6 - 18 tháng tuổi ít một phần cũng do nhiều phụ huynh lo lắng nếu gửi trẻ khi còn nhỏ tháng, nhiều công nhân chọn giải pháp gửi con về quê cho ông bà chăm sóc: “Cơ bản về đội ngũ đã đầy đủ và được đi học bồi dưỡng, trang thiết bị được cấp mới toàn bộ nên cũng thuận lợi. Tính từ tháng 6 trường cũng nhận được 9 trẻ, phụ huynh đến hỏi cũng nhiều nhưng do mình mới nên phụ huynh cũng hơi lo”.

Hiện TP vẫn đang chịu áp lực trường lớp, ở một số quận huyện, vùng ven, sĩ số học sinh trong 1 lớp vượt quá chuẩn quy định, phải cắt giảm các lớp bán trú. Ngược lại, các điểm giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi lại đang trong tình trạng "thưa vắng" trẻ nhập học. Trong khi để có đủ phòng ốc đón trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi, trường phải điều chỉnh các lớp ở độ tuổi lớn hơn. Thiết nghĩ, sau thời gian thí điểm, các quận huyện nên có sự rà soát, đánh giá lại tình hình để có những kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của phụ huynh.