Chính sách mới của EU: Hạn chế các công ty sử dụng bù carbon trong động thái chống “Tẩy xanh”

VOH - Các công ty phải cân nhắc trước khi cam kết hướng tới mục tiêu 'trung hòa carbon' hoặc đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 trong những năm tới.

Thỏa thuận giữa các nhóm chính trị trong Nghị viện Châu Âu cho thấy EU có thể sớm đưa ra những hạn chế cứng rắn hơn đối với việc sử dụng bù đắp carbon.

Chính sách mới của EU: Hạn chế các công ty sử dụng bù carbon trong động thái chống “Tẩy xanh” 1

Một nhóm Thành viên Nghị viện Châu Âu (MEPs) được thiết lập để ủng hộ các giới hạn nghiêm ngặt về việc sử dụng các thỏa thuận bù đắp carbon trong tuần này, nhằm đẩy mạnh cuộc chiến của EU đối với hành vi “Tẩy xanh”.

Ngày 14/2/2024, Ủy ban về Thị trường nội bộ và Môi trường của Nghị viện Châu Âu đã đề xuất bỏ phiếu biểu quyết nhằm đưa “Chỉ thị yêu cầu xanh” vào luật, qui định chính xác cách mà các công ty cam kết những vấn đề về sinh thái.

Chính sách mới của EU: Hạn chế các công ty sử dụng bù carbon trong động thái chống “Tẩy xanh” 2
“Tẩy xanh”, chiến thuật lừa đảo đằng sau những tuyên bố về môi trường

Nếu thỏa thuận đạt được với các nhóm chính trị lớn, và được trang Euronews nhìn nhận, chắc chắn sẽ khiến các công ty rất khó thực hiện các cam kết “phát thải ròng bằng 0” mà không nêu rõ chi tiết các qui trình thực hiện.

Bù đắp carbon tự nguyện là các công ty cân bằng lượng khí thải nhà kính của chính họ dựa trên các giấy chứng nhận rằng carbon đã được loại bỏ ở nơi khác, đang trở nên rất phổ biến.

Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đã đưa ra quy mô thị trường ở mức 2 tỷ USD vào năm 2020, trong khi Bloomberg New Energy Finance năm ngoái cho rằng thị trường có thể đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2037.

Những năm gần đây đã chứng kiến xu hướng các tập đoàn cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon bằng 0, trong đó có  IKEA, McDonald's và thậm chí có cả các tập đoàn dầu khí lớn như Shell và Equinor.., cam kết sẽ thực hiện điều này vào năm 2050.

Amazon đã tự đặt ra thời hạn là đến năm 2040, trong khi Microsoft cho biết sẽ 'âm carbon' 10 năm trước đó, tức vào năm 2030.

Những tuyên bố như vậy đa phần dựa trên kế hoạch bù đắp (tức đi mua tín chỉ carbon) thay vì giảm lượng khí thải, hoặc sử dụng năng lượng sạch.

Theo Lindsay Otis, chuyên gia chính sách của tổ chức phi lợi nhuận Carbon Market Watch có trụ sở tại Brussels, năm ngoái đã cảnh báo rằng các công ty đa quốc gia quá phụ thuộc vào các giải pháp dựa trên thị trường.

Ủy ban Châu Âu đã đề xuất thêm các yêu cầu cho việc mua tín chỉ carbon  bù lại phần carbon thải ra, phải được tách biệt rõ ràng với thông tin về lượng khí thải carbon của chính công ty mình.

Kế hoạch của các cơ quan hành pháp EU sẽ buộc các công ty phải chứng minh các khoản bù đắp của họ có tính trung thực cao và hạch toán chính xác, và MEPs thậm chí còn muốn yêu cầu cao hơn nữa.

Theo thỏa thuận giữa các bên, các nhà lập pháp đã đồng ý rằng tín dụng carbon chỉ nên được sử dụng để giảm thiểu lượng khí thải dư thừa của một công ty – những lượng khí thải không thể cắt giảm bằng các biện pháp nội bộ như cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng hoặc chuyển sang năng lượng tái tạo.

Theo thỏa thuận của Nghị viện, các kế hoạch bù đắp phải tuân thủ theo luật mới của EU về việc chứng nhận loại bỏ carbon, nếu không thì phải được ủy ban phê duyệt.

Điều đó có nghĩa là các công ty phải giảm 90-95% lượng khí thải bằng các hành động nội bộ.

Otis cho biết, mặc dù một số thành viên MEPs bỏ ngỏ kế hoạch cắt giảm ít tham vọng hơn thông qua việc thiết lập lộ trình cho các ngành, lĩnh vực khác nhau.

Otis nói với Euronews: “Lý tưởng nhất là tất cả các khiếu nại dựa trên việc đền bù (liên quan đến hoạt động hiện tại và tương lai của công ty) sẽ hoàn toàn không được phép”.

Các nhà lập pháp cũng đồng ý rằng các tuyên bố rõ ràng về môi trường phải đi kèm với “cam kết có thời hạn, dựa trên cơ sở khoa học và có thể đo lường được” để cải thiện hoạt động, bao gồm “các mục tiêu tạm thời có thể đo lường và kiểm chứng được”.

Điều này bổ sung vào một Chỉ thị riêng đã được thống nhất vào năm ngoái, trong đó cấm các công ty tuyên bố trung hoà khí hậu với các sản phẩm và dịch vụ dựa trên sự tham gia tự nguyện vào các chương trình đền bù CO2.

Biện pháp này sẽ có hiệu lực vào năm 2026, và có thể ngăn chặn các hãng hàng không cung cấp các khoản bù carbon cho hành khách mua vé của họ.

Theo Blanca Morales, chuyên gia về phát triển bền vững tại Tổ chức người tiêu dùng Châu Âu BEUC cho rằng, các kế hoạch mới nhằm tăng cường hơn nữa các hạn chế là một trong số “những cải tiến rất đáng hoan nghênh” đối với đề xuất của ban điều hành EU.

Morales cũng cho Euronews hay, các công ty giờ đây sẽ phải minh bạch hơn về các tuyên bố thân thiện với khí hậu của mình.

Morales cho biết: “Họ cần đảm bảo rằng việc bù đắp chỉ đóng vai trò sau khi thực hiện tất cả các thay đổi khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế trong chuỗi giá trị của chính họ, đồng thời báo cáo công khai tiến trình của họ và được xác minh độc lập”.

Morales cho biết thêm: “Đây là một thành tựu quan trọng nhằm tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, những người hiểu sai về tuyên bố trung hòa khí hậu và thậm chí tin rằng điều đó có nghĩa là không có tấn phát thải CO2 nào cả,” Morales nói thêm khi trích dẫn một nghiên cứu gần đây.

Nếu dự luật được Uỷ ban phê chuẩn, và như dự kiến đã thoả thuận trước đó, các yếu tố trong dự thảo phải được phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu thông qua trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 11/3/2024 sắp tới.

Thậm chí sau khi được thông qua, luật này cũng phải được đàm phán với chính phủ thành viên EU, vốn chưa xây dựng được quan điểm chung trong Hội đồng EU, trong cuộc họp vào ngày 15/2/2024.

Hồng Hạc biên dịch

Theo Euromews