“Không thể chậm chân” phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn

VOH -Phát triển KTTH gắn với nền KTX đang trở thành xu hướng và tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu tiết kiệm các nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, hòa nhịp xu hướng phát triển bền vững của thế giới
“Không thể chậm chân” phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn 1
Ảnh minh họa: Internet

Trong chuyên đề khảo sát tình hình doanh nghiệp cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024 mà Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận định, khi bối cảnh thế giới nhiều biến số nhưng vai trò của Việt Nam không ngừng được củng cố trên trường quốc tế. Đây là “thời điểm vàng” của cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới.

Mô hình phát triển kinh tế dựa trên thâm dụng tài nguyên, nguồn lực đã đến lúc chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên hiệu quả, sáng tạo với các xu hướng xanh và số. Việt Nam đang có thế và lực để tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế dựa trên sáng tạo và công nghệ.

Thời điểm hiện tại, nhận thức về chuyển đổi xanh đã có thay đổi so với thời điểm khảo sát đây sẽ trở thành vấn đề sống còn chứ không còn là lựa chọn, đặc biệt ở những ngành lĩnh vực mà người tiêu dùng đưa ra những yêu cầu khắt khe. Châu Âu đã có Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU), Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR). Tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, cũng đã có dự luật tương tự cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.

Nhiều chuyên gia đã khuyến nghị không nên bắt đầu từ những điều quá xa vời, mà nên bắt đầu từ bước cơ bản đầu tiên bằng việc đo đếm kiểm kê phát thải khí nhà kính. Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn đã liệt kê 1912 doanh nghiệp kiểm kê phát thải khí nhà kính và sẽ tăng lên 4000 doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ban IV đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công để nâng cao chất lượng các cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia và cơ sở hạ tầng kết nối nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh dài hạn;

Trọng tâm phát triển nhân lực công nghệ cao, đặc biệt nhân lực cho hệ sinh thái bán dẫn và các xu hướng công nghệ xanh, số hiện đại để tận dụng cơ hội do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của thế giới đem lại.

Đồng thời, xây dựng nền hành chính, quản trị công kỷ cương, phục vụ, hiệu quả trong đó nhấn mạnh đến các cơ chế chọn lựa và sử dụng nhân tài; xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đang nỗ lực thúc đẩy sự ra đời của khung pháp lý. Tuy vậy, bản thân các doanh nghiệp cũng cần hành động sớm để giải bài toán giảm phát thải và chuyển đổi xanh ngay lúc này.