Chờ...

Phát triển bền vững 30/5: Doanh nghiệp không thể nằm ngoài xu thế tín chỉ carbon

VOH - Đại biểu đề xuất phát triển tín chỉ carbon trong nông nghiệp; Mỹ công bố hướng dẫn sử dụng tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện.

Doanh nghiệp không thể nằm ngoài xu thế tín chỉ carbon

Tham gia thị trường tín chỉ carbon là xu thế bắt buộc doanh nghiệp (DN) phải tuân thủ hoặc tự nguyện. Tuy nhiên, để tạo ra tín chỉ carbon đòi hỏi sự quyết tâm và cần thời gian, thường mất ít nhất 3 năm để có kết quả.

4-19

Doanh nghiệp không thể nằm ngoài xu thế tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hiện nay trên thế giới có thị trường tín chỉ carbon tự nguyện và bắt buộc. Trong đó, thị trường bắt buộc được Chính phủ quản lý, còn thị trường tự nguyện thường do các tổ chức phi chính phủ điều hành.

Theo TS. Nguyễn Phương Nam – chuyên gia đánh giá về kiểm kê khí nhà kính của Liên hiệp quốc, để tham gia trên sàn giao dịch trước hết DN phải tạo ra được hàng hóa là tín chỉ carbon. Việc đầu tiên DN phải đánh giá được hiện trạng phát thải khí nhà kính thông qua báo cáo kiểm kê quỹ nhà kính của đơn vị. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải cho DN. Sau khi được phân bổ hạn ngạch, DN sẽ tạo ra tín chỉ carbon trên cơ sở sản xuất của DN. Việt Nam hiện có gần 2.000 DN đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định. Đây chính là các DN sẽ tham gia thị trường carbon trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đạt được chứng nhận tín chỉ carbon, DN phải tự bỏ tiền cho việc thẩm định và xác nhận.

Ông Nam lưu ý, việc kiểm kê khí nhà kính không chỉ cần tính chính xác mà cần cả tính minh bạch, tính so sánh, tính thống nhất và tính toàn vẹn. Khó khăn lớn nhất của DN là thống kê số liệu không đủ và không tốt làm cho báo cáo không minh bạch.

Ông Cao Tung Sơn – Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM – nhận định, việc tham gia thị trường tín chỉ carbon là một xu thế bắt buộc DN phải tuân thủ hoặc tự nguyện tham gia. Hiện Chính phủ đưa 3 ngành mũi nhọn phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính là thép, nhiệt điện, xi măng. Nếu không có quy định thì chính DN Việt Nam sẽ gặp khó khăn bởi trên thế giới đã áp 3 ngành này phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.  

Đại biểu đề xuất phát triển tín chỉ carbon trong nông nghiệp

Nêu ý kiến trong phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội ở Quốc hội sáng 29/5, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM, đánh giá biến đổi khí hậu ngày nay “hết sức khắc nghiệt, thời tiết cực đoan và thiên tai bất thường”. Ông đề nghị phân bổ vốn đầu tư phải lưu ý đến các địa phương bị tổn thương nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Ngân, các nước yêu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đảm bảo tiêu chí xanh nên Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp sớm phát triển thị trường tín chỉ carbon. Trong đó, lĩnh vực cần tập trung là khu vực nông nghiệp – thế mạnh của Việt Nam, giúp nông dân có lợi nhuận kép từ sản phẩm nông nghiệp và tín chỉ carbon.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng giao dịch tín chỉ carbon trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp đất nước vượt qua thách thức hiển nhiên của cuộc cách mạng chuyển đổi xanh toàn cầu.

Bà đề nghị các đơn vị nghiên cứu tác động của thị trường carbon ở một số quốc gia liên quan đến xuất khẩu nông sản Việt Nam khi quy định này được áp dụng từ tháng 1/2026. “Để phát triển thị trường cũng cần xây dựng chính sách hấp dẫn, thiết thực để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp tham gia”, bà nói.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, nói “rất phấn khởi” khi Việt Nam thu được 51,5 triệu USD về tín chỉ carbon. Theo ông Huân, hiện nay giá carbon chỉ khoảng 10 USD/tấn, trong khi đó nếu có thị trường bắt buộc có thể lên 40, 50, 60 USD, thậm chí cơ chế JCM của EU có thể lên tới 110 USD.

Cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Việt Nam đã chuyển giao xong 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới (WB), thu về gần 1.250 tỷ đồng.

Mỹ công bố hướng dẫn sử dụng tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện

Hôm 28-5, Nhà Trắng đưa ra Tuyên bố chung về chính sách và nguyên tắc mới đối với việc tham gia có trách nhiệm vào thị trường carbon tự nguyện. Văn kiện này được đồng ký bởi các quan chức cấp cao của Mỹ .

Tuyên bố chính sách mới được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu về các dự án bù đắp carbon và các tín chỉ liên quan dự kiến ​​ tăng đáng kể trong vài năm tới, khi các doanh nghiệp ngày càng đặt các mục tiêu tham vọng để đưa mức phát thải ròng carbon về zero (Net-Zero).

Nhiều công ty “bù đắp” lượng phát thải khí nhà kính của họ bằng cách mua tín chỉ carbon tự nguyện từ các dự án chủ yếu ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, một loạt tranh cãi đã làm lung lay niềm tin vào thị trường bù đắp carbon tự nguyện. Một số công ty lớn rút lui khỏi VCM khi các nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng một số dự án bảo vệ rừng lớn không giúp giảm phát thải như cam kết.

Để giải quyết những vấn đề này, chính sách mới đặt ra một loạt nguyên tắc tham gia có trách nhiệm vào các VCM. Trong đó, bao gồm đảm bảo tín chỉ carbon và các dự án đằng sau đáp ứng các tiêu chuẩn đáng tin cậy về tính liêm chính và đại diện cho hoạt động khử carbon thực sự. Cũng theo các nguyên tắc này, các hoạt động sản xuất tín chỉ carbon cần tránh gây tác hại đến môi trường và xã hội, đồng thời phải hỗ trợ chia sẻ lợi ích một cách minh bạch và toàn diện nếu có thể.

Các nguyên tắc nêu rõ rằng, các doanh nghiêp nên ưu tiên giảm lượng khí thải có thể đo lường được trong chuỗi giá trị của chính họ trước khi mua và sử dụng tín chỉ carbon tự nguyện. Họ chỉ nên dựa vào các tín chỉ carbon đáp ứng các tiêu chuẩn liêm chính cao.

Các nguyên tắc cũng khẳng định, các bên tham gia gia VCM phải đóng góp vào những nỗ lực cải thiện tính toàn vẹn của thị trường.

Nếu không chuyển đổi xanh, chúng tôi có nguy cơ phải rời khỏi thị trường

Tại phiên thảo luận "Đổi mới chính sách vì một châu Á - Thái Bình Dương xanh và cập nhật kỹ thuật số" trong khuôn khổ Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương ngày 28.5, tại Hà Nội, bà Claudia Anselmi, Tổng giám đốc Công ty May và Nhuộm Hưng Yên, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, có nhiều chia sẻ về thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị - PV) tại doanh nghiệp.

"Tôi là nhà đầu tư từ Ý tới Việt Nam kinh doanh từ năm 2008, đang điều hành một nhà máy dệt may chuyên các loại vải chất lượng cao.

Tôi luôn tin tưởng vào việc thực hành phát triển bền vững ngay từ bước đi ban đầu. Chúng tôi phải chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, khi sản phẩm của chúng tôi tập trung vào việc xuất khẩu, sức ép cạnh tranh rất lớn", bà Claudia Anselmi nói.

Nữ doanh nhân chia sẻ thêm: "Để có vị trí nhất định trong chuỗi cung ứng, yêu cầu bắt buộc chúng tôi phải chuyển hướng tới quá trình chuyển đổi xanh và số. Nếu không làm như vậy, chúng tôi có nguy cơ phải ra khỏi thị trường. Việc tuân thủ chiến lược bền vững ngay từ đầu giúp công ty có thể tuân thủ dễ dàng quy định của các thị trường như liên minh châu Âu".

Nói về trở ngại với doanh nghiệp khi thực hành ESG và các chiến lược phát triển bền vững, bà Claudia Anselmi cho biết, đầu tiên liên quan tới kiến thức, sự hiểu biết. Thực tế, nhiều doanh nghiệp thấy đây là vấn đề rất mới, không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn lực và nhân sự có chuyên môn về vấn đề này.

Việc thực hành ESG đòi hỏi phải đầu tư vào máy móc, công nghệ, thiết bị năng lượng… Tất cả đều là các hệ thống phức tạp, đòi hỏi nhiều vốn, phải tính toán tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, mất nhiều thời gian trước khi đi vào vận hành…