2017: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững

(VOH) - Trong hai ngày 28, 29/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, kế hoạch 5 năm 2016- 2020. Tuy nhiên, bước vào thực hiện kế hoạch, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, khác biệt hoàn toàn so với những năm trước; tình hình thế giới diễn biến khó lường; nhiều yếu kém trong nội tại nền kinh tế; nhiều chính sách mới được áp dụng,...  Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt với tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo.

"Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động. Chính vì vậy, Chính phủ cũng như một số Bộ và các địa phương đã thành lập tổ công tác kiểm tra việc chấp hành, thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, từ đó tác động tích cực đến các Bộ, ngành, địa phương. Chính phủ cũng đã chỉ đạo bám sát tình hình, xử lý kịp thời những biến động của thế giới và khu vực, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh",  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh.

Nhiều kết quả tích cực

Nhờ những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, hội nhập quốc tế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, năm 2016, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,21%, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,66% so với năm 2015.

Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại thế giới giảm mạnh, nhưng xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng khoảng 8%, xuất siêu 2- 3 tỷ USD. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 32,5% GDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức cao kỷ lục, với vốn thực hiện FDI đạt gần 16 tỷ USD, tăng 9% so cùng kỳ. Năm 2016, lần đầu tiên có hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới, thu hút hơn 10 triệu khách du lịch...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại của nền kinh tế như ngành khai khoáng giảm mạnh, nhất là dầu thô; thiên tai hạn hán, lũ lụt xâm ngập mặn; sự cố môi trường biển miền Trung; các dự án ngàn tỷ thua lỗ mất vốn; các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn rủi ro cao; xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng; nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các sai phạm trong công tác cán bộ; xếp hạng quốc tế về đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc;...

2017: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã trình bày tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 với chủ đề "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững".

Dự thảo nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng và thực hiện 3 đột phá chiến lược; bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng lãng phí, xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, ba chỉ tiêu quan trọng nhất là GDP 6,7%, lạm phát bình quân 4% và ngân sách phải bảo đảm cả trung ương và địa phương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhấn mạnh: "Điều hành ngân sách cần chủ động chặt chẽ, hạn chế tối đa ban hành chính sách giảm thu, trừ những cam kết quốc tế. Hạn chế ban hành chính sách tăng chi trừ trường hợp đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ dự toán chi ngân sách. Đặc biệt, triệt để tiết tiết kiệm, Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị có nói rằng "tiết kiệm chi tiêu ngân sách là quốc sách" thì chúng ta phải thấm đẫm tinh thần này...".

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017, định hướng đến năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm nay Nghị quyết 19 là của Việt Nam nhưng được xây dựng hoàn toàn theo thông lệ quốc tế. Cụ thể, Nghị quyết xây dựng dựa trên báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới, tổ chức minh bạch quốc tế, báo cáo sáng tạo do cơ quan của Liên Hiệp Quốc về sở hữu trí tuệ chủ trì cùng như một số báo cáo ở trong nước… đặt ra cách nhìn phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Nghị quyết măm 2016 đề ra 83 nhóm giải pháp, nhiệm vụ và đã thực hiện được 42% nhưng mới qua 8 tháng và nếu tính đủ 1 năm như những năm trước đây thì tỷ lệ đã thực hiện sẽ vượt 30% so với các năm trước.