4 nút thắt về xuất khẩu nông, thuỷ sản hiện nay: Giải pháp tháo gỡ như thế nào?

(VOH) - Đến hết tháng 6/2020, nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ, như: cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra…

Ngày 26/6, tại TPHCM, Báo Hải quan tổ chức tọa đàm: “Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam” với sự tham dự của ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương; các hiệp hội thuộc ngành hàng nông thủy sản và gần 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo thông tin được chia sẻ tại tọa đàm, đến hết tháng 6/2020, nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ, như: cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra…

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo

Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ đô la Mỹ. Đến hết tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 15,49 tỷ đô la Mỹ, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Lý do khách quan, là ngay từ đầu năm, xuất khẩu nông sản của nước ta bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 lan rộng tại các nước tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam, như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật, châu Âu. Nhiều đơn hàng đã bị hủy hoặc chậm giao hàng, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp nông sản Việt Nam. Mặt khác, về chủ quan, bên cạnh kết quả đạt được trong thời gian qua, thì mặt hàng nông, thuỷ sản Việt Nam đang còn tồn tại một số vấn đề như chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, xuất khẩu tiểu ngạch còn nhiều, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường cao cấp còn ít, quy trình nuôi trồng, thu hoạch chưa đạt chuẩn.

Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn những năm gần đây tăng bình quân 20 - 25%/năm, bình quân một năm đạt trên 5 tỷ đô la Mỹ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,5 tỷ đô la Mỹ chủ yếu là hàng nông thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, bình quân mỗi năm từ 3 đến 5 triệu tấn. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Thanh Long khoảng 500 nghìn tấn/năm, xoài 300 nghìn tấn/năm, nhãn 250 nghìn tấn, chôm chôm 250 nghìn tấn, dưa hấu 200 nghìn tấn, sầu riêng 150 nghìn tấn, vải quả tươi 30 nghìn tấn,... Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 5/12 cửa khẩu thực hiện thông quan hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến chỉ ra 4 nút thắt về xuất khẩu nông, thuỷ sản hiện nay, gồm: vốn tín dụng; Áp lực chi phí sản xuất, thuế, phí; Hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế và Tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới Việt – Trung. Hiện nay số lượng kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản trên cả nước chưa đáp ứng nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu. Điển hình như ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 6 kho lạnh trong khi lượng nông thủy sản cần bảo quản thì rất lớn.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn được đề xuất là kịp thời phổ biến thông tin về thị trường đến các địa phương, điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng bảo quản, chế biến, phát triển thị trường quốc tế, đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật. Đặc biệt là hoàn thiện đề án xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030 và thúc đẩy các dự án hợp tác quốc tế trong thương mại nông sản.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, EVFTA sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2020. Nếu các doanh nghiệp trong nước đủ sức hội nhập, đáp ứng những đòi hỏi ngày một cao của thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính, thì vai trò và vị thế của doanh nghiệp nông sản Việt Nam sẽ được khẳng định, không chỉ đem lại giá trị to lớn cho doanh nghiệp, mà còn đảm bảo sản xuất bền vững cho ngành nông nghiệp nước ta nói chung. Trong những năm qua, ngành Hải quan đã tích cực cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu  của doanh nghiệp, trong đó có hoạt động xuất khẩu nông sản.