Anh nông dân có nhiều sáng tạo giúp nuôi ếch ở đô thị thành công

(VOH) - Nhận thấy nuôi ếch có giá trị kinh tế cao lại nhiều tiềm năng nên anh Dương Đình Tình tìm hiểu và bắt tay vào xây dựng trại ếch trên diện tích đất của gia đình.

Sản xuất nông nghiệp tại thành phố lớn như TPHCM phải mang lại giá trị kinh tế cao, không gây ảnh hưởng đến môi trường mới có thể phát triển bền vững. Ý thức được vấn đề này, anh Dương Đình Tình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi đã chọn hướng đi riêng là sản xuất ếch giống.

Anh Dương Đình Tình vốn là công nhân sản xuất. Sau thời gian dài làm công ăn lương, anh nung nấu ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhận thấy nuôi ếch có giá trị kinh tế cao lại nhiều tiềm năng nên anh tìm hiểu và bắt tay vào xây dựng trại ếch trên đất của gia đình.

Ban đầu thử nghiệm, anh thiết kế chỉ 5 hồ nuôi. Diện tích mỗi hồ là 20m2 thả nuôi ếch thương phẩm. Mặc dù chọn nuôi ếch trên hồ trải bạt, có thể kiểm soát được nguồn nước, nhưng thời gian đầu anh cũng gặp không ít khó khăn.

Do không kiểm soát được nguồn thức ăn dẫn đến việc dư thừa, làm nguồn nước bị ô nhiễm, tích luỹ mầm bệnh trên vật nuôi. Tuy nhiên, với óc quan sát, tinh thần cầu tiến, anh đã khắc phục dần những thiếu sót và thành công với giống vật nuôi mới.

Mặc dù vậy, sau thời gian thử nghiệm, đúc kết, với ếch thương phẩm, anh Dương Đình Tình chọn hướng phát triển nuôi ếch giống. Anh Tình giải thích: "Sản xuất thương phẩm ở Thành phố có vị trí khá gần với đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi, nuôi ếch thương phẩm ở vùng này đạt hiệu quả hơn nuôi trên thành phố nhờ lợi thế của nguồn nước tự nhiên.

Vì vậy, nuôi tại Thành phố mình hướng đến sản xuất giống trên hồ nổi. Ở TPHCM, thuận lợi là gửi đi các tỉnh tiện hơn, giao hàng con giống gửi đi tỉnh nào cũng được." 

anh Dương Đình Tình, nuôi ếch
Công đoạn phân cỡ nòng nọc tại trại ếch

Trại ươm ếch giống của anh Tình có khoảng 80 hồ nuôi ếch bằng xi-măng. Ngoài 5 hồ nuôi ếch bố mẹ với khoảng 5.000 cặp, phần lớn số hồ còn lại với khoảng 60 hồ anh dùng để nuôi ếch con.

Anh Tình cho biết ếch là loài động vật sinh sản theo mùa. Cụ thể đầu mùa mưa, ếch bắt đầu vào mùa sinh sản. Tuy nhiên, từ tháng 10 cho đến tết sẽ là mùa ếch đi ngủ đông, cũng là mùa nghịch đối với việc cho ếch nhân giống sinh sản.

Bởi ếch là loài lưỡng cư và hô hấp bằng da. Giống vật nuôi này cần nhiệt độ phù hợp 25 – 28 độ C để sinh sản. Vì vậy, để có ếch giống quanh năm, anh ứng dụng giải pháp làm mưa nhân tạo vào mùa nắng nóng, nhằm mục đích giảm nhiệt độ trong ao xuống như ngoài tự nhiên, kích thích ếch mẹ sinh sản.

Ngược lại, vào thời điểm cuối năm, cuối ngày, nhiệt độ thường xuống thấp, anh lắp đèn sưởi ấm trong hồ để tạo nhiệt độ phù hợp cho ếch nhân giống. Việc giữ ấm thân nhiệt của ếch bố mẹ giúp trứng ếch luôn đạt được mức độ ổn định, thuận tiện cho việc sinh sản.

Việc áp dụng kỹ thuật mới cũng giúp trại mỗi tháng có thể cung cấp ra thị trường từ 200.000 đến 250.000 con ếch giống. Tuy nhiên ảnh hưởng bởi dịch covid-19, nên gần đây anh chủ động điều chỉnh giảm sản lượng ếch xuống khoảng 100.000 con/tháng.

Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên địa bàn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, anh Dương Đình Tình, với sự hỗ trợ của hội nông dân cơ sở đã thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi ếch Phát Đạt với 7 thành viên, có quy mô sản xuất gần 5ha. Bên cạnh việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các thành viên hợp tác xã, anh Tình còn nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến phương pháp chăn nuôi nhằm đem lại hiệu quả cao cho hợp tác xã.

Anh Mai Hiền Đệ, thành viên Hợp tác xã ngụ tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi chia sẻ: "Anh Tình hỗ trợ hết mình cho các thành viên. Tham gia vào hợp tác xã luôn giúp đỡ nhau, chỉ bảo hướng dẫn nhau. Thứ nhất là về thị trường. Thứ hai, mình làm ăn, có người cùng chủ đề, cùng mối quan tâm, giúp mình có thêm động lực để làm. Nói chung là có nhiều lợi ích. Làm lủi thủi có một mình rất khó."   

Nhờ ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, ếch giống của hợp tác xã được nhiều cơ sở sản xuất ở các tỉnh thành cả nước tín nhiệm. Sản lượng ếch giống được anh chủ động điều chỉnh phù hợp theo nhu cầu thị trường nên ổn định và giảm thiểu được các rủi ro. 

Ông Phạm Phú Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Huyện Củ Chi cho biết, anh Dương Đình Tình tiêu biểu cho thế hệ nông dân trẻ, năng động, sáng tạo. Từ đó, tạo hướng đi không chỉ cho bản thân gia đình mà còn cho nhiều hộ nông dân trong hợp tác xã: "Anh Tình là một hội viên rất đam mê sản xuất nông nghiệp. Với kiến thức và sự am hiểu trong chăn nuôi cùng với tuổi trẻ, nhiệt tình, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, anh đã mạnh dạn đầu tư trang trại ươm ếch giống. Bước đầu mô hình hoạt động có những hiệu quả nhất định và hướng phát triển ổn định."

Việc sản xuất giống như anh Dương Đình Tình và Hợp tác xã Chăn nuôi ếch Phát Đạt đang thực hiện phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp đô thị của TPHCM. Ứng dụng công nghệ nhân giống với những cải tiến kỹ thuật hiệu quả đã mang đến cho người nông dân những giá trị kinh tế tốt hơn, tạo đầu ra thuận lợi và bền vững hơn.