Cần phải công khai, minh bạch khi niêm yết trên thị trường

(VOH) - Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt phải công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm trong bán vốn Nhà nước nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước. Thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước có thể thu về nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn này như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất đang là bài toán khó mà Chính phủ và doanh nghiệp cần cân nhắc. Xung quanh chủ đề này, phóng viên VOH đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Trần Du Lịch- chuyên gia kinh tế.

Tiến sĩ Trần Du Lịch- chuyên gia kinh tế. Ảnh: Bizlive

VOH:  Thưa ông, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo phải niêm yết Sabeco và Habeco trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn của Nhà nước, ông có ý kiến gì về chỉ đạo này?

TS. Trần Du Lịch: Tôi ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hiện nay, người ta lợi dụng việc bán cho nhà đầu tư chiến lược để lợi ích nhóm ở đây. Muốn minh bạch, cứ niêm yết trên thị trường, đăng ký trên thị trường bán. Và, chúng ta bán từng phần, không bán ồ ạt, không để tự mình phá giá, có một lộ trình, bán từ từ. Đứng về nguyên tắc, nếu là tư nhân, trước khi lên thị trường thì họ mời nhà đầu tư chiến lược trước, còn lại đưa ra thị trường. Còn về Nhà nước phải làm ngược lại. Người ta có thể lợi dụng nhà đầu tư chiến lược để trục lợi, lợi ích nhóm. Do đó, tôi ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là phải minh bạch lên thị trường hết.

VOH: Theo quan điểm của ông thì làm thế nào sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã thoái về?

TS. Trần Du Lịch: Quan điểm của tôi và tôi đã nhiều lần phát biểu trước Quốc hội, quan trọng nhất không phải là chúng ta thoái vốn được bao nhiêu mà tiền đó là sở hữu toàn dân, một loại tài sản cần phải được sử dụng có hiệu quả. Tôi cũng đã đề xuất, chúng ta dùng nguồn vốn này để giảm bớt vay nợ, chúng ta đầu tư cho bệnh viện, dùng làm vốn mồi kêu gọi tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng như: cảng, đường xá, hệ thống giao thông,... tức là vốn mồi để phụ vào cùng với tư nhân, các hình thức công tư đối tác. Khi sử dụng như vậy thì rất hiệu quả. Tôi có đề nghị rằng, toàn bộ kế hoạch thoái vốn này không được nhập vào ngân sách để chi tiêu mà phải có kế hoạch để sử dụng, trình ra Quốc hội thông qua kế hoạch này, minh bạch, không để tình trạng xin cho và làm lãng phí nguồn vốn.

Hiện nay, cả nước cũng như thành phố Hồ Chí Minh với mười mấy Tổng công ty, doanh nghiệp, nguồn lực rất lớn này nếu như chúng ta không tận dụng như một cơ hội để phát triển thì dần dần sẽ bị mất đi.

VOH: Có quan điểm lo ngại khi thoái vốn thì sẽ mất thương hiệu, ông nghĩ sao về quan điểm này?

TS. Trần Du Lịch: Tôi đặt một câu hỏi, khi có thương hiệu thì ta đánh giá đúng thương hiệu để bán, thế thì người mua thương hiệu, họ bỏ tiền mua nhưng lại xóa thương hiệu đi, tại sao họ xóa? Chúng ta xem lại, nếu thương hiệu đó đúng là thương hiệu quốc tế. Tôi ví dụ, bây giờ ai mua Vinamilk- một thương hiệu giá trị như vậy, người ta không dại gì đi bỏ Vinamilk để làm một thương hiệu khác. Chúng ta đừng sợ điều này, vấn đề là thương hiệu đó có thật sự hay không.

Thực tế cũng có một số thương hiệu không có uy tín lớn, làm rắc rối trong vấn đề cạnh tranh thì người ta bớt đi để dồn vào thương hiệu của họ. Ví dụ, kem đánh răng, Uniliver hay P&G mua và họ xóa và thực sự đó không phải là thương hiệu mà họ cần phải giữ so với những thương hiệu mà họ đang có.

Chúng ta nên xem lại quan điểm mất thương hiệu. Hiện nay, một vấn đề mà nhà nước đang thiếu chính sách, chúng ta thu hút FDI nhưng phải xây dựng được tiềm lực của doanh nghiệp Việt Nam đúng nghĩa, có nghĩa là, nhà đầu tư Việt Nam, con người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, thì cái này phải có chính sách. Tôi không có quan điểm rằng cứ miễn ai kinh doanh tốt ở đất nước này thì nguồn vốn ở đâu cũng được, tôi không quan điểm như vậy. FDI bản chất vẫn là nợ quốc gia và không một nước nào phát triển dựa vào FDI cả, phải dựa vào nguồn lực của họ, FDI chỉ phụ. Nếu chúng ta phát triển dựa vào FDI thì đó là phát triển phần ngọn, không bền vững cho quốc gia.

Hiện nay, vấn đề thoái vốn Doanh nghiệp Nhà nước, tôi cho rằng phải có chính sách để doanh nghiệp trong nước và chúng ta cũng loại đi doanh nghiệp trong nước họ móc nối để trục lợi, bán cho nước ngoài. Tôi nói không tránh khỏi điều này, kiểm soát tốt và có điều kiện.

Một số nước, khi thoái vốn nhà nước, ngoài việc bán ra thị trường họ sẽ đưa ra một số điều kiện, chúng ta có quyền đưa ra điều kiện như vậy.

Thật sự hiện nay có nhiều đơn vị, những người đầu tư chiến lược nhưng thực chất chỉ là đầu cơ để bán lại. Đây là vấn đề chúng ta phải nghiên cứu từng dự án, không thể chung chung được, từng doanh nghiệp phải có phương án rõ ràng, đặt điều kiện cụ thể.

Ví dụ, Sài Gòn Tourist cổ phần hóa, một trong những điều kiện bán là giữ nguyên thương hiệu và nói rõ luôn nếu anh đổi thương hiệu tôi không cho đăng ký lại. Nhưng thật sự, tôi nói, đó là mang tính hành chính, nếu thực chất anh đã đạt thương hiệu tốt thì không ai dại gì đi xóa thương hiệu. Ví dụ, riêng Vinamilk, giá trị thương hiệu là cực lớn, không ai bỏ hàng tỷ đô la ra mua thương hiệu đó rồi ném đi.

VOH: Xin cám ơn ông!