Cần tập trung 5 lĩnh vực ưu tiên để phát triển kinh tế xanh

(VOH) - Trong quá trình phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là việc biến rác thải thành năng lượng.

Chiều 29/7, tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM, Thời báo Tài chính Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư – Hỗ trợ phục hồi và phát triển”.

Cần tập trung 5 lĩnh vực ưu tiên để phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam 1

Ông Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư – Hỗ trợ phục hồi và phát triển”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam nhấn mạnh, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, với nhiều hành động thiết thực và cụ thể. Theo ông Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước. Việc thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam góp phần quan trọng vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập thực chất, hiệu quả của đất nước ta. “Có thể thấy rằng, dưới sự tác động của đại dịch COVID-19 cũng như nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, kế hoạch định hướng khôi phục kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường trong bối cảnh hậu COVID-19, với quan điểm tăng trưởng xanh là một nội dung hàng đầu để phát triển bền vững. Cùng với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đã ngày càng gia tăng áp lực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Do đó, phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Phong cho biết thêm.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong quá trình phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là việc biến rác thải thành năng lượng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn, Đại học quốc gia TPHCM thì kinh tế tuần hoàn có thể coi là một công cụ giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và vấn đề môi trường nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững: “Chúng ta hay thấy vấn đề đi chung việc phát triển kinh tế là đi đôi với việc ô nhiễm môi trường sinh thái. Nhưng kinh tế tuần hoàn giúp chúng ta vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo môi trường. Từ việc chúng ta có thể lồng ghép việc giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường mà chúng ta hay đề cập nhưng chúng ta vẫn nhìn rất nhiều về kinh tế. Nói tóm lại, kinh tế tuần hoàn ở một cách tiếp cận đa mục tiêu, khi đa mục tiêu thì chúng ta có thể huy động được đa nguồn lực, nhiều nguồn lực để cùng tham gia vào để hướng tới giải quyết các bài toán từ nhỏ tới lớn”, ông Quân phân tích.

Vùng Đông Nam bộ được đề xuất định hướng trở thành vùng dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước… Do vậy, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thì có 5 lĩnh vực cần được ưu tiên để thực hiện tốt việc phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam: “Bây giờ chúng ta muốn chuyển đổi xanh, hay là chúng ta muốn tăng trưởng xanh thì dứt khoát không thể dàn trải. Bởi vì nguồn lực chúng ta có hạn cho nên phải chọn ra 5 lĩnh vực ưu tiên để chuyển đổi xanh trước và làm tốt. Một là lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta có lợi thế về nông nghiệp. Nông nghiệp chiếm khoảng 14% GDP hiện nay. Lĩnh vực thứ 2 là phát triển đô thị và vận tải. Lĩnh vực thứ 3 là chuyển đổi năng lượng, cái này là vô cùng quan trọng. Lĩnh vực thứ tư là áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn và lĩnh vực thứ 5 là liên quan đến kinh tế biển. Đây là nội dung quan trọng của Việt Nam, khi mà chúng ta có tới 28 tỉnh, thành phố, nhất là khu vực Nam Trung Bộ là có lợi thế về kinh tế biển.”

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà kinh doanh cũng đã cùng thảo luận về: Xu hướng kinh tế xanh trong thời điểm hiện tại; Bài toán đặt ra cho sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ; Giải pháp để phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ; Xây dựng cầu nối đầu tư giữa “cung” và “cầu” gắn với phục hồi xanh; Các chính sách hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp và phát triển theo hướng “xanh hóa” hoạt động sản xuất kinh doanh…

Diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư – Hỗ trợ phục hồi và phát triển” ghi nhận sự tham gia hưởng ứng và đánh giá cao từ phía các đại biểu tham dự, đặc biệt là các doanh nghiệp, các hội và hiệp hội doanh nghiệp. Chương trình góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác tuyên truyền về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy hoạch phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững… đưa kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.