Giải ngân gần 43 tỷ đồng cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc

(VOH) - Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản thông suốt cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ...

Tại cuộc họp thông tin về hoạt động ngân hàng quý 1/2021 vào ngày 22/4 do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – Đào Minh Tú chủ trì, Ngân hàng Nhà nước cho hay, quý 1/2021, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản thông suốt cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho tổ chức tín dụng, qua đó giảm áp lực lên lãi suất huy động và cho vay.

Tính đến ngày 16/4 năm nay, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,9% so với cuối năm 2020 và tăng gần 16% so với cùng kỳ 2020.

Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt. Về điều hành lãi suất, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận ngồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 2/2021 giảm khoảng 0,1%/năm so với tháng 12/2020.

Đối với chương trình cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, đến ngày 31/1/2021 - thời điểm dừng giải ngân theo quy định, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng số tiền khoảng gần 43 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách Xã hội đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ gần 42 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; dư nợ của chương trình tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đến nay là gần 40 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước giải ngân gần 43 tỷ đồng cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc 1
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp

Cũng theo Ngân hàng nhà nước, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong những tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá.

Đến cuối tháng 3 năm 2021 có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động.

So với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh internet tăng tương ứng gần 56% về số lượng và hơn 28% về giá trị; Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 78% về số lượng và  103% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị.

Công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt. Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng được củng cố. Chất lượng quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016 của Ngân hàng Nhà nước Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát nợ xấu, kế hoạch xử lý nợ xấu để bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch Covid-19; tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro.