Giải pháp nâng cao chỉ số cạnh tranh thương mại qua biên giới

(VOH) - Chỉ số cạnh tranh thương mại qua biên giới là một chỉ số cực kỳ quan trọng đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, không chỉ là ở thứ bậc xếp hạng mà nó còn tác động đến việc giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp và mức chi phí giảm được có thể tính đến con số hàng tỷ USD mỗi năm.

Để phân tích rõ hơn những giải pháp nâng cao chỉ số cạnh tranh cũng như hiệu quả đạt được khi áp dụng biện pháp kiểm tra chuyên ngành theo phương thức rủi ro, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

* VOH: Thưa ông, việc cải thiện chỉ số cạnh tranh thương mại qua biên giới có ý nghĩa như thế nào đến cải thiện môi trường cạnh tranh của Việt Nam?

- Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam thì những năm vừa rồi Chính phủ tập trung rất mạnh cho việc cải cách chỉ số thương mại qua biên giới. Đây là một chỉ số mà Việt Nam đứng tương đối thấp trong khu vực. Trong khi đó, chỉ số này lại tác động rất lớn đến phát triển kinh tế và kinh doanh của Việt Nam.

Bởi vì độ mở của nền kinh tế mình rất rộng; tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam bây giờ lên trên 300 tỷ USD. Nghĩa là cải cách chỉ số này sẽ tác động trực tiếp đến một khối lượng, một giá trị rất lớn và tác động đến chục ngàn doanh nghiệp trực tiếp hoạt động xuất nhập khẩu hằng năm. Và tính toán nếu cải cách được chúng ta có thể giảm chi phí lên đến hàng tỷ USD. Đó cũng là lý do mà Chính phủ tập trung vào cải thiện chỉ số thông quan qua biên giới.

* VOH: Tuy nhiên, chỉ số này giảm liên tục trong những năm gần đây, theo ông, nguyên nhân này là do đâu?

- Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Trong 3 năm vừa rồi chúng ta đã nỗ lực nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn, chỉ số này của chúng ta cứ giảm, mỗi năm một bậc; và khảo sát ý kiến của doanh nghiệp thì mức độ khó khăn vẫn duy trì, thậm chí có những chỗ còn tăng thêm. Đi sâu hơn nữa thì thấy tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành ở các cửa khẩu không giảm. Từ đó, mới đi xem xét nguyên nhân thì thấy nguyên nhân nằm ở rất nhiều chỗ mà đặc biệt là ở trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ đã chỉ đạo là rà soát hết. Nhưng mà có những thứ nếu chỉ rà soát ở nghị định và thông tư thì chưa đủ, cho nên cần phải sửa đổi từ các luật. Hiện nay, Bộ Kế hoạch Đầu tư đang trình một luật sửa hơn 10 luật, trong đó có 4 luật về quản lý chuyên ngành. Tóm lại có thể nói là vẫn còn kiểm tra, kiểm tra trùng lắp nhiều, năng lực và công cụ còn lạc hậu.

Chúng ta kiểm tra phần lớn là thực hiện thủ công. Chính vì vậy mà chi phí doanh nghiệp phải gánh chịu là rất lớn. Đồng lúc đó thì việc của cơ quan nhà nước cũng rất nhiều. Như vậy chúng ta đang làm một việc vừa chưa đạt hiệu lực quản lý nhà nước và vừa chưa tạo thuận lợi, giảm chí phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp.

* VOH: Thay đổi một phương thức kiểm tra nhà nước đã tồn tại từ rất lâu, lại chịu chi phối của rất nhiều bộ ngành là một quá trình không đơn giản, như vậy cần có những bước đi như thế nào để mang lại hiệu quả tích cực nhất?

- Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Có lẽ việc sửa đổi này phải làm đồng thời trên rất nhiều việc, mà việc thứ nhất phải là văn bản quy phạm pháp luật, 70% – 80% là nằm ở nghị định và thông tư của các Bộ.

Hiện nay thông tư của các Bộ đang được các Bộ rà soát để sửa đổi, còn lại thì phải thay đổi, đặc biệt là thay đổi phương thức, cách thức quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ việc mình phải kiểm tra tất cả sang việc chỉ kiểm tra, kiểm soát trên cơ sở rủi ro. Rủi ro này được đánh giá trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, độ nguy hại của sản phẩm hàng hóa; những doanh nghiệp nào có nguy cơ vi phạm càng lớn thì sẽ bị kiểm tra càng nhiều.

Như vậy, cách thức kiểm tra này cũng rất nhân văn, khuyến khích người ta tuân thủ luật pháp, vì tuân thủ luật pháp thì có lợi, và đồng thời cũng giảm thiểu quản lý nhà nước, giảm thiểu chi phí quản lý nhà nước. Mình tạo ra một văn hóa, một cách thức mới là tất cả điều mong muốn tuân thủ luật pháp, vì làm đúng luật pháp thì sẽ có lợi.