Hợp tác đầu tư công trong hoạt động khuyến nông: Nhà nước, tư nhân, nông dân cùng có lợi

(VOH) - Trung tâm khuyến nông quốc gia tổ chức hội thảo tăng cường năng lực hợp tác đầu tư công trong hoạt động khuyến nông vào sáng 29/1.

Chính phủ đã ban hành nghị định 83 năm 2018 về xã hội hoá công tác khuyến nông, do đó, đòi hỏi ngành khuyến nông cần phải thay đổi để chủ động vượt qua khó khăn về tài chính để thực hiện các hoạt động khuyến nông của mình.Việc thực hiện hợp  tác công tư trong hoạt động khuyến nông, gọi tắt là hợp tác PPP trong khuyến nông đã nâng cao năng lực cho hệ thống khuyến nông, góp phần triển khai các hoạt động khuyến nông được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia nhận định: "Một số nước có nền nông nghiệp phát triển, một số nước có sự phát triển của hệ thống khuyến nông đã thực hiện thành công đối tác công tư trong phát triển khuyến nông. Và đặc biệt vấn đề xã hội hóa trong các hoạt động khuyến nông. Trong những năm qua, trung tâm khuyến nông quốc gia đã thúc đẩy xã hội hóa hoạt động khuyến nông và đặc biệt trong đó là vai trò của hợp tác công tư trong các hoạt động khuyến nông. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, không chỉ riêng những người đang làm công tác khuyến nông thực hiện các hoạt động khuyến nông mà hiện nay chúng ta có rất nhiều đơn vị, các tổ chức quốc tế đang thực hiện các hoạt động  khuyến nông".

hop-tac-dau-tu-cong-trong-hoat-dong-khuyen-nong-nha-nuoc-tu-nhan-nong-dan-cung-co-loi-voh.com.vn-anh1
Ảnh minh họa: SGGP

Việc xã hội hóa hoạt động khuyến nông làm đa dạng hóa dịch vụ khuyến nông để huy động nguồn lực từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động khuyến nông. Hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông đã thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà nước với các tổ chức, cá nhân cùng đầu tư, triển khai hoạt động khuyến nông nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Theo ông Đinh Phạm Hiền - Đại diện vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: "Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP đóng vai trò quan trọng, bởi vì đầu tư PPP sẽ tạo điều kiện để thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư cho ngành, đồng thời là có thể chuyển giao khoa học công nghệ và quan trọng nhất là xây dựng các chuỗi giá trị để kết nối các chuỗi giá trị sản phẩm trong nước với các chuỗi giá trị toàn cầu nhằm tăng giá trị sản phẩm cũng như đảm bảo tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam".

Hợp tác đầu tư PPP trong hoạt động khuyến không chỉ góp phần làm phát triển ngành khuyến nông quốc gia mà còn đem lại lợi ích cho các bên tham gia bao gồm: nhà nước, tư nhân và nông dân. Ông Phạm Anh Cường - Trưởng Phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền chia sẻ: "Bình Điền sẽ tham gia, tiếp cận trực tiếp với bà con nông dân của các tỉnh thông qua hệ thống khuyến nông quốc gia, sau đó  chúng tôi tiếp cận với từng nông dân, chia sẻ về cách làm, phân tích về cái lợi, cái hại cho bà con nông dân và từ đó người ta tìm hiểu, người ta hiểu được và người ta làm theo. Lượng giống của bà con nông dân trước kia sử dụng rất là cao từ 130 đến 150, thậm chí có những nơi gần 200 kg giống lúa/ha gieo sạ, thế nhưng sau khi áp dụng chương trình này, chúng tôi giảm xuống còn 80, thậm chí dưới 80 kg/ha, về phân bón cũng giảm rất nhiều, thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm, cuối cùng lợi nhuận của nông dân tăng lên từ 25 đến 35%".