Kết nối ngân hàng, doanh nghiệp: Cứ 1 đồng vốn ngân sách huy động được 14 đồng vốn xã hội

(VOH) - Hội nghị kết nối ngân hàng, tổ chức tín dụng, tham gia các dự án thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố diễn ra sáng 24/8 do UBND TPHCM, Sở Kế hoạch - Đầu tư, công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam tổ chức.

Đến nay, toàn thành phố đã có 647 dự án tham gia chương trình kích cầu, đầu tư với số vốn huy động 41.000 tỷ đồng. Hiện có 153 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) triển khai với tổng mức đầu tư 451.000 tỷ đồng. Trong đó, 23 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư đạt hơn 71.000 tỷ đồng thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật, môi trường…

Các tổ chức tín dụng ký kết tham gia các dự án thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, bình quân, cứ 1 đồng vốn ngân sách huy động được 14 đồng vốn từ xã hội qua chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp. Chương trình này đã nối kết 36.000 doanh nghiệp với tổng số vốn vay là 680.000 tỷ đồng, nhờ đó, tối ưu hóa, khai thác hết tiềm năng nguồn lực trong xã hội để tham gia đồng hành cùng thành phố: “Thành phố sẽ tiếp tục cái thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin từ thành phố đến cơ sở, xây dựng chính quyền điện tử, tháo bỏ các điểm nghẽn về cải cách hành chính, đưa đấu giá, đấu thầu thành phương thức chủ yếu để phân bổ các nguồn lực nhằm minh bạch và tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các cơ hội đầu tư trên địa bàn thành phố”.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP, hiện tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TPHCM giai đoạn 2016 - 2020 ước khoảng 1.829.385 tỷ đồng. . Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập, cải tạo chỉnh trang, phát triển đô thị và các lĩnh vực khác thuộc 7 chương trình đột phá của thành phố là khoảng 850.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 46%. Tuy nhiên, khả năng cân đối ngân sách thành phố chỉ đáp ứng khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư nêu trên.

Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc tăng cường thu hút đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nước được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế thành phố. Ông Phạm Phú Quốc – Tổng Giám đốc công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM, cho biết: “Trong giai đoạn 2010 - 2016, bám sát các chương trình trọng điểm của chính quyền thành phố, HFIC đã tài trợ tín dụng cho 152 dự án hạ tầng trên địa bàn với tổng mức đầu tư là 25.039 tỷ đồng. HFIC cũng đã thu hút được nguồn tài trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế uy tín như Ngân hàng thế giới (WB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác và phát triển Ý... Với những kinh nghiệm và uy tín đạt được, HFIC đã được các đối tác quốc tế đề xuất cho vay trực tiếp không thông qua bảo lãnh của chính phủ, góp phần giảm nợ công cho ngân sách”.

Về hỗ trợ, cho vay tín dụng triển khai các dự án trọng điểm của thành phố, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM khẳng định, cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng cho sản xuất kinh doanh và đầu tư của xã hội.

Là ngân hàng luôn đồng hành với các dự án quan trọng của thành phố, thời gian qua, Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tham gia 61 dự án với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giáo dục, cầu đường, phát triển đô thị, bệnh viện... Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank phân tích: “Đối với vốn tín dụng thương mại nước ngoài, qua thực tiễn đàm phán triển khai các dự án PPP hạ tầng lớn, quan trọng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông trong thời gian qua cho thấy, các tổ chức tín dụng nước ngoài đều yêu cầu có các cơ chế bảo lãnh đặc thù cho các rủi ro về lưu lượng, doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ. Các dự án PPP có thời gian kéo dài 5 - 10 năm, thậm chí 20 - 30 năm, nên rủi ro rất lớn, nên trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng, cần đánh giá rõ những tác động rủi ro trong đầu tư cả phía Nhà nước và nhà đầu tư”.