Khánh thành tổ hợp dự án năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam

(VOH) - Tổ hợp Dự án năng lượng tái tạo Điện mặt trời và Điện gió Trung Nam giai đoạn 1, thuộc xã Bắc Phong và xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận đưa vào vận hành ngày 27/4.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng một số Bộ, ngành, lãnh đạo Trung ương và địa phương tham dự sự kiện.

Khánh thành tổ hợp dự án năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lanh đạo các Bộ, ngành xem mô hình toàn bộ dự án điện năng lượng tái tạo Điện gió - điện mặt trời Trung Nam Group.

Tổ hợp năng lượng tái tạo Trung Nam gồm trang trại điện gió và trang trại điện mặt trời được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm Biến áp 220 kV Tháp Chàm. Tổng sản lượng khai thác hàng năm của tổ hợp năng lượng Điện gió - Điện mặt trời Trung Nam đạt 950 triệu kWh - 1 tỷ kWh điện mỗi năm.

Đây cũng là tổ hợp năng lượng tái tạo đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam hòa vào lưới điện quốc gia trong năm 2019. Trong đó, Nhà máy điện mặt trời có công suất 204MW, sản lượng đạt 557 triệu kWh/năm, Nhà máy điện gió đạt 152MW với 45 tuabin, sản lượng đạt 423 triệu kWh/năm. Tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng và được triển khai thi công trong vòng 10 tháng trên diện tích gần 270ha, sử dụng hơn 700.000 tấm pin thế hệ mới.

Khánh thành tổ hợp dự án năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam

Một phần tổ hợp điện tái tạo của Trung Nam Group.

Được ưu đãi những yếu tố tự nhiên đặc biệt, phù hợp để khai thác phát triển các dự án năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời, Ninh Thuận là địa phương được nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo chú ý trước nay. Theo thống kê, tỷ lệ bức xạ mặt trời trực tiếp của Ninh Thuận luôn cao hơn 4,5 KWh/1 mét vuông, kết hợp với lượng giờ nắng trung bình một ngày không thấp hơn 7,5 tiếng, đã giúp cho Ninh Thuận trở thành khu vực tiềm năng khai thác điện mặt trời.

Theo quy hoạch năng lượng tái tạo đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ, Ninh Thuận sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam. Vì không chỉ riêng điện mặt trời, điện gió cũng là một lợi thế mà tỉnh này tập trung xúc tiến đầu tư trên nhiều phương diện. Ngoài ra, với 8000ha đất đai đầy nắng và gió, được bao bọc trong nhiều dãy núi và cao nguyên cũng là một trong những yếu tố tự nhiên góp phần ổn định khả năng khai thác năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận.

Tại lễ khánh thành Tổ hợp Dự án năng lượng điện gió - điện mặt trời Trung Nam, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói thêm: "UBND tỉnh đã cấp chủ trương cho các dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.800MW, tổng vốn đầu tư gần 50 ngàn tỷ đồng; 800MW điện gió với tổng vốn đăng ký gần 28.000 tỷ đồng. Việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần thực hiện cam kết giảm lượng phát thải nhà kính của Việt Nam, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, biến những vùng khó khăn, khô cằn thành vùng đất phát triển hơn, từng bước xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước".

Khánh thành tổ hợp dự án năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam

Một phần tổ hợp điện tái tạo của Trung Nam Group.

Đến thời điểm này, Ninh Thuận là địa phương dẫn đầu cả nước với 8 dự án điện gió, điện mặt trời đã khánh thành và đưa vào sử dụng. Điện gió có 3 dự án vơi tổng công suất 116MW. Điện mặt trời có 5 dự án với tổng công suất 631MW. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 13 dự án điện khác với tổng công suất gần 700MW đưa vào vận hành thương mại. Nâng tổng công suất trong năm nay dự kiến phát điện trên 1.300MW, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời thực hiện hiệu quả Nghị quyết 115 của Chính phủ.

Tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Đây là một ngày đặc biệt khi tôi được tham dự sự kiện khánh thành tổ hợp dự án điện năng lượng tái tạo lớn nhất ở Ninh Thuận với tốc độ thi công nhanh nhất. Tôi chúc mừng tỉnh nhà, đặc biệt là đội ngũ anh em công nhân, kỹ sư đã ngày đêm khắc phục khó khăn, vất vả trong cái nắng gió của Ninh Thuận để hoàn thành các dự án này. Đây là những dự án rất cụ thể thể hiện cam kết của Việt Nam trong phát triển năng lượng sạch, bền vững, sự cam kết trong việc thực hiện chiến lược phát triển năng lượng sạch, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Chính phủ. Cho ý chí sáng tạo, tiếp cận công nghệ hiện đại nhất và tinh thần làm chủ công nghệ tiên tiến mà đất nước, địa phương rất cần, thể hiện sự phối hợp đồng hành giữa chính quyền với doanh nghiệp, đưa dự án có ý nghĩa vào phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước".