Kiều hối - nguồn lực vàng phục vụ sản xuất kinh doanh

(VOH) - Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia hút kiều hối lớn trên thế giới. Nguồn lực kiều hối đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

 Với khoảng gần 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống làm việc ở nước ngoài thường xuyên gửi số lượng lớn kiều hối về Việt Nam. Trong suốt 22 năm qua, dòng tiền này tăng khoảng gần 100 lần từ 0,14 tỷ USD năm 1993 lên khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2015 và có xu hướng gia tăng do hiệu quả của chính sách xuất khẩu lao động cũng như các chính sách thu hút kiều hối của Chính phủ.

Trong những năm qua, dòng kiều hối trở thành nguồn vốn quan trọng để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại đồng thời hỗ trợ dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2015 có khoảng 3.600 doanh nghiệp của kiều bào đang hoạt động mang về nguồn lợi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản…

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (Việt kiều Mỹ) - chuyên gia tài chính ngân hàng, nhìn nhận: “Sự đóng góp của kiều bào vào kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rất đáng kể. Số lượng kiều hối đổ vào thành phố chiếm khoảng 1/2 tổng số kiều hối gửi về Việt Nam. Kiều hối là một đóng góp rất lớn của kiều bào. Thế nhưng, ngoài kiều hối thì kiều bào còn có thể đóng góp vào nền kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh qua công nghệ, tri thức, tất cả những lĩnh vực đầu tư khác. Thế nhưng, số kiều bào đầu tư vào thành phố và các chuyên gia về Việt Nam còn ít lắm, tôi là một trong số vài người về Việt Nam làm việc ăn ở và đóng góp”.

Ảnh minh họa - Nguồn: NLĐO

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, từ năm 1993 đến nay, lượng kiều hối về thành phố khoảng 55 tỷ USD. Trong đó, năm 2015 nhiều nhất đạt 5,5 tỷ USD. Trong năm 2016, do tác động của nhiều yếu tố bên ngoài nên tổng số kiều hối chuyển về Việt Nam qua hệ thống các ngân hàng trên địa bàn đạt khoảng 5 tỷ USD. Trong cơ cấu lượng kiều hối, có 72% phục vụ cho sản xuất kinh doanh, hơn 21% được đưa vào bất động sản, còn lại là phục vụ cho tiêu dùng trong gia đình. Tuy nhiên, năm nay tỷ lệ kiều hối được người nhận chuyển đổi ngay qua tiền đồng, sau khi nhận ngoại tệ có xu hướng tăng, từ mức hơn 31% của năm 2015 lên mức 33% trong năm 2016.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Kiều hối tại thành phố Hồ Chí Minh có thể xem như một nguồn lực vàng. Thứ nhất, đây là nguồn khá ổn định, dồi dào để phát triển kinh tế xã hội của thành phố, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Thứ hai, đây là nguồn chúng ta sử dụng mà không phải trả nợ, không chịu sức ép hay gánh nặng trả nợ nước ngoài nào cả. Cùng với du lịch, xuất khẩu, FDI,... thì kiều hối cũng tạo ra một nguồn cung ngoại tệ rất lớn để có thể ổn định thị trường ngoại hối, giảm sức ép tăng tỷ giá”.

 

Theo các chuyên gia, môi trường đầu tư trong nước ngày càng được cải thiện. Nhà nước ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho kiều bào đầu tư về nước, trong đó, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã đưa ra nhiều ưu tiên cho pháp triển các doanh nghiệp tư nhân. Điều này đã thúc đẩy Việt kiều gửi tiền về nước để tiến hành hoạt động đầu tư sản xuất - kinh doanh nhiều hơn.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, phân tích: “Thứ nhất, năm nay về lĩnh vực sản xuất kinh doanh đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến chế biến chế tạo tăng trưởng khá là tốt vì thế nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nghiên cứu và đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này. Thứ hai, lĩnh vực bất động sản trong 2 năm vừa qua phục hồi khá là tốt, tuy nhiên Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có kiểm soát về dòng vốn đặc biệt là dòng vốn tín dụng đầu tư cho các bất động sản, BT, BOT, chính vì vậy cũng tạo ra sự quan ngại nhất định đối với dòng tiền từ nước ngoài về khi triển khai đầu tư vào bất động sản”.

Các chuyên gia kinh tế, cho rằng Việt Nam cần có chính sách toàn diện hơn để hướng dòng kiều hối chảy vào sản xuất- kinh doanh bởi đây là nguồn lực quan trọng cho đất nước trong bối cảnh vốn FDI bước vào thời kỳ ổn định và vốn ODA giảm dần ưu đãi nên Việt Nam buộc phải giảm vay để bảo đảm nợ công. Bên cạnh chính sách quản lý ngoại hối, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng quan trọng không kém trong thu hút dòng kiều hối về Việt Nam.