Năm 2021, Việt Nam vững bước trên thương trường, phát triển nhanh và bền vững

(VOH) - Trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ đô la Mỹ giá trị GDP.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra sáng nay 28/12. Từ điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị được kết nối tới 63 tỉnh, thành phố.

Trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ đô la Mỹ giá trị GDP. Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi COVID-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ Đại suy thoái 1929-1932, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%.

Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ đô la Mỹ, đứng trong tóp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số "con hổ của Đông Á".

Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Tại điểm cầu TPHCM

Tại điểm cầu TPHCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự phấn khởi với kết quả của cả nước đã đạt được, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạ, phát, là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trên thế giới và khu vực, thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế, xã hội.

Báo cáo về tình hình dịch bệnh, ông Phong cho biết, hiện TPHCM 27 ngày qua không có ca nhiễm bệnh trong cộng đồng. Đây là thành quả vô cùng quan trọng thể hiện sự ứng phó nhanh, kịp thời của thành phố và sự tham gia cộng đồng trách nhiệm rất có hiệu quả của hệ thống chính trị và nhân dân TPHCM.

Thành phố đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ngăn đà phá sản, duy trì sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội dưới tác động của dịch bệnh; kịp thời hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn, đảm bảo 100% kế hoạch đã đề ra với số tiền hơn 600 tỷ đồng; Xử lý gia hạn hơn 800 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp. Hơn 200 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các hộ kinh doanh.

Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong phát biểu

Về phục hồi kinh tế, TPHCM đã đạt kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng 1,39% so với cùng kỳ, không để tăng trưởng âm, trong đó, khu vực dịch vụ công nghiệp đều tăng trưởng dương. Xuất khẩu đạt hơn 44 tỷ đô la Mỹ, thu hút đầu tư từ nước ngoài đạt hơn 4 tỷ đô la Mỹ. Có 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1 triệu tỷ đồng.

Ngoài ra, TPHCM có hơn 8.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21% so với cùng kỳ. TPHCM đã chủ động triển khai xây dựng chuỗi liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM với các tỉnh thành trong cả nước để kích cầu thị trường du lịch nội địa phát triển trong bối cảnh các chuyến bay thương mại bị hạn chế và thị trường du lịch quốc tế bị đóng băng bởi đại dịch. Kết quả khá tích cực khi lượng du khách đến TPHCM đã tăng trưởng trở lại, doanh thu du lịch đạt hơn 84.000 tỷ đồng.

Về thu ngân sách, ước thu năm 2020 là 352.000 tỷ đồng, đạt hơn 87% so với dự toán. Tính chung giai đoạn 2016-2020, thì tỉ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ hơn 62% lên hơn 67%. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế vẫn tiếp tục có hiệu quả. Sức mạnh nội tại của kinh tế thành phố ngày càng tăng…

Năm 2021, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho hay, Thành phố sẽ triển khai có hiệu quả chủ đề năm 2021 là năm “xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư”: “Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế trên các ngành, các lĩnh vực. Đảm bảo tiến độ thực hiện 51 nội dung, chương trình Đề án thuộc 3 chương trình đột phá của thành phố về đổi mới phát triển, hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa và một chương trình trọng điểm về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của Thành phố”.

Chứng kiến những con số tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi bên cạnh các địa phương truyền thống, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chính sự tăng trưởng bứt phá của các địa phương mới nổi là nhân tố truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác tự tin vượt lên chính mình.

Ở góc nhìn khác, tăng trưởng kinh tế nay đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào, dù là doanh nghiệp nhà nước hay FDI, mà vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước như tinh thần Nghị quyết 10 của Trung ương Khóa 12. Chúng ta cũng không tập trung vào một vài ngành kinh tế nào mà nay công nghiệp, dịch vụ, và đặc biệt là nông nghiệp đều cùng giữ vai trò và đóng góp quan trọng. Trong ngoại thương, nhờ nhiều hiệp định FTA, Việt Nam đã không quá tập trung vào một vài thị trường truyền thống; đồng thời chú trọng hơn nữa thị trường trong nước. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả ấn tượng, cơ bản đạt mục tiêu đề ra; chi thu ngân sách nhà nước chặt chẽ hơn, tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Trong 5 năm qua, nền kinh tế nước ta đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, trong đó bao gồm những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Nhờ có việc làm tốt hơn, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, kinh tế phát triển, đời sống xã hội tốt đẹp hơn. Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 đô-la một năm. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân chúng ta đã tăng gần 145%. Đánh giá theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 đô la Mỹ. Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: “Tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, các đối sách trong các lĩnh vực để vượt qua khó khăn, thách thức từ bên trong và bên ngoài của đất nước. Chúng ta vững bước trên thương trường, phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ, các địa phương, các cấp các ngành cần có phương án chủ động để phấn đấu quyết liệt hoàn thành tốt kế hoạch 2021 và 2021-2025 với các nội dung quan trọng, có ý nghĩa chiến lược”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 28/12 tại TPHCM

Chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới hàng loạt kết quả nổi bật như tăng trưởng GDP, xuất khẩu, nợ công, giải ngân vốn đầu tư công… Cùng với đó là những kết quả toàn diện về bảo đảm an sinh xã hội, đối ngoại, quốc phòng – an ninh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá, trong bối cảnh gồng mình chống thiên tai dịch bệnh, chúng ta vẫn tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và đang chuẩn bị tổ chức Đại hội XIII theo đúng kế hoạch đề ra, chặt chẽ, kỹ lưỡng, bài bản, đúng quy định, nhiều đổi mới.

Chỉ đạo các giải pháp, nhiệm vụ lớn trong năm 2021 và thời gian tới, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn vì mục tiêu đặt ra trong năm 2021 là rất cao trong bối cảnh chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, tình hình thế giới thời gian tới sẽ diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng về nhiều mặt dưới tác động của đại dịch COVID-19.

“Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế tị trường đầy đủ hiện đại, hội nhập, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển đồng bộ và tạo sự liên kết giữa các vùng và các khu vực. Phát triển bền vững kinh tế biển, các thành phần kinh tế, các loại hìn sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị.