Nhiều khoảng trống, chồng chéo trong quy định, luật gây ách tắc thị trường bất động sản

(VOH) - Hội nghị Bất động sản 2019 có chủ đề “Lấy ý kiến – tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” với sự tham dự của lãnh đạo VCCI, các bộ ngành và doanh nghiệp tổ chức sáng nay 25/9.

"Đã có đến 20 xung đột chính sách từ các luật liên quan đến nghị định, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực bất động sản đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi dẫn đến trong quá trình triển khai có nhiều dự án bị thanh tra, kiểm toán kéo dài, điều này không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà còn tạo mảnh đất cho tham nhũng” - Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra các bất cập tại hội nghị do Báo diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp Trung tâm Báo chí Thành phố tổ chức.

bất động sản

Diễn đàn Bất động sản 2019 với chủ đề: “Lấy ý kiến – tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Hiện TPHCM có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản nhưng phần lớn là doanh nghiệp có quy mô trung bình, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giới, dịch vụ bất động sản.

Những tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản TPHCM đã có sự chững lại trong tất cả các phân khúc. Theo thống kê từ Hiệp hội Bất động sản Thành phố, mới chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại được Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố công nhận với quy mô 924 căn hộ, giảm 16 dự án so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND thành phố chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án so với cùng kỳ. Số dự án đủ điều kiện bán hình thành trong tương lai là 24 với tổng số hơn 7.300 căn hộ, giảm 10 dự án.

Suốt từ đầu năm đến nay, chỉ có hơn 4.100 căn hộ được chính thức mở bán trên thị trường TPHCM - đây là mức thấp kỷ lục kể từ khi thị trường phục hồi năm 2014.

bất động sản

Chuyên gia chỉ ra những bất cập, tồn tại trong chính sách pháp luật gây ách tắc thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Bất động sản cho biết, tin vui là cách đây 1 tuần, Bộ Xây dựng đã ký ủy quyền cho Cục Công tác phía Nam thẩm định nhà dưới 100 m. Còn việc sửa Luật Xây dựng, kỳ họp Quốc hội tới sẽ đưa ra thảo luận. Thông tư 02 Bộ Xây dựng ban hành quy chế sử dụng nhà chung cư, tiếp thu nhiều quan điểm tích cực, sẽ giải quyết vướng mắc sử dụng nhà chung cư.

Theo ông Châu, thị trường bất động sản TPHCM đang khó khăn, không phải do doanh nghiệp, người tiêu dùng, mà khó khăn là do cơ chế, chính sách. Đã có những dự án bị dừng vì chồng chéo luật. Theo đó, có 170 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa thể triển khai do vướng mắc về quy định pháp luật, trong đó có 120 dự án vướng do liên quan đến đất hỗn hợp.

Trong khi đó, để làm một dự án, doanh nghiệp mất 5 năm giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư 3 năm, thi công 2 năm tổng cộng tất cả là 10 năm : Cả chục năm rồi, tới giai đoạn thi công dự án chúng tôi chưa có doanh thu, áp lực trả lãi, áp lực trả nợ gốc… rất lớn. Chúng ta chia sẻ khó khăn của các doanh nghiệp, cho nên tôi thấy Luật Đất đai đã có chính sách, đó là chủ đầu tư muốn được cấp sổ đỏ thì phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính”.

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, thể chế phát triển kinh tế đang có nhiều bất cập, hệ thống luật pháp về kinh doanh đang tồn tại nhiều bất hợp lý. Trong khi đó, thị trường bất động sản đang góp phần thúc đẩy cho phát triển kinh tế, nếu không giải quyết được những vướng mắc sẽ ảnh hưởng lớn : “Có hai việc, vướng mắc trong hệ thống pháp lý và vướng mắc trong điều hành, trong hệ thống pháp lý có sự chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật, có những khoảng trống không được quy định và làm rõ trong hệ thống pháp luật. Cả hai điểm này đều cần có biện pháp tháo gỡ, thúc đẩy”.

Về những vướng mắc trong hệ thống pháp lý, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho biết, các quy định cấp cao hơn sẽ giải quyết được những chồng chéo quy định cấp thấp, văn bản của bộ ngành cao hơn sẽ giải quyết được ở cấp thấp hơn hiện nay.

Về khoảng trống pháp luật, VCCI sẽ có kiến nghị cho phép Chính phủ văn bản có thể ban hành văn bản để lấp khoảng trống này.