Những chàng trai Bahnar và giấc mơ khởi nghiệp

(VOH) - Những sản phẩm đan lát bởi các chàng trai dân tộc Bahnar từ đại ngàn Tây Nguyên lần đầu tiên xuất hiện tại TPHCM tham dự sự kiện thành lập Làng công nghệ sinh thái (Techfest 2022)

Chuyện kể giữa rừng Kon Ka Kinh

Từ sân bay Pleiku (Gia Lai) di chuyển đến làng Dek Kjieng, xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai khoảng 70 km. Đây là vùng sinh sống bao đời của đồng bào Bahnar. 

Làng Dek Kjieng nằm ven bìa rừng quốc gia Kon Ka Kinh. Có khoảng 229 hộ đang sinh sống. Bên cạnh làm nương, rẫy, người Bahnar trước đây còn vào rừng chặt gỗ, lấy mật ong, săn tìm sản vật rừng đem bán. Nhưng hiện nay, sinh kế này hoàn toàn không còn phù hợp do quy định bảo vệ Rừng quốc gia. 

Theo anh Đỗ Mạnh Cương - tình nguyện viên hỗ trợ dự án phát triển ngành nghề tại địa phương - đàn ông Bahnar đan lát thành thạo, tạo nên những sản phẩm đẹp và bền như các loại gùi, chiếu.. “Nên dựa vào nét văn hóa truyền thống của người Bahnar. Đàn ông Bahnar ai cũng biết đan lát rất khéo, phụ nữ thì biết dệt vải. Vùng nguyên liệu như tre, giang đều có sẵn. Mục tiêu của nhóm là phát triển làng nghề không chỉ ở làng Ayun, mà lan tỏa ra cả huyện Mang Yang, với hơn 42.000 đồng bào Bahnar để có cuộc sống ổn định hơn” - anh Cương cho biết. 

Anh Cương hiện đang thực hiện dự án kết hợp cùng thanh niên địa phương tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phục vụ cho đời sống người thành thị.           

Những sản phẩm khởi nghiệp đầu tiên

Theo truyền thống, thanh niên người Bahnar cứ đến 14 tuổi là sẽ đến nhà rông trong làng cùng chơi và học cách đan lát từ những người lớn tuổi hơn. Dù ngày nay cũng ít người theo học nghế đan lát, nhưng để khởi động lại nghề đan lát cũng không mấy khó khăn. “Việc này không khó đâu ! chỉ cần có máy chẻ lạt và mình làm theo mẫu có sẵn thì làm được hết thôi” - già làng Djưng tự tin cho biết. Và cứ thế, kớp học nghề là kho thóc trong làng, “giáo viên” là già làng Djưng, “học sinh” là thanh niên, trai tráng của làng.

Nhưng chàng trai Bahnar và giấc mơ khởi nghiệp 1
Già làng Djưng và một số thành viên của lớp đan lát

Cây giang - người Bahnar gọi là cây Asur - thu hoạch về, chuốt bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, lấy lớp kế cạnh và bỏ phần ruột bên trong. Nhờ đó, cọng lát dẻo, bền, ít bị mối mọt và cho màu sắc mượt mà. Để cho sản phẩm thêm bền, màu đẹp hơn, người Bahnar dùng sáp ong quết lên.

Người Bahnar chỉ có kinh nghiệm đan gùi, chiếu theo truyền thống, còn với hàng thủ công mỹ nghệ theo mẫu mã hiện đại phải vừa làm, vừa mò mẫm học “lóm” trên internet. Cụ thể, để đan được 1 cái bàn trà phong cách Nhật Bản, 3 người đàn ông phải chật vật cả ngày cũng chưa xong.

Tháng 10/2022, những chàng trai Bahnar mạnh dạn “vượt núi” xuống TPHCM, mang những sản phẩm đầu tay tham dự sự kiện thành lập Làng công nghệ sinh thái - Ngày hội khởi nghiệp quốc gia (Techfest 2022). 

Nhưng chàng trai Bahnar và giấc mơ khởi nghiệp 2
Một sản phẩm đan lát được kết hợp giữa mẫu mã hiện đại và truyền thống đan lát của người Bahnar

Mặc dù các sản phẩm túi xách, va ly, đồ trang sức của họ còn thô sơ, chưa tinh tế nhưng giữa muôn vàn sản phẩm sáng loáng, chất núi rừng Tây Nguyên lại nổi bật, thu hút nhiều người  đến tìm hiểu. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ là một trong các khách hàng đầu tiên mua sản phẩm của các anh ngay tại sự kiện. Theo ông, dù còn nhiều khó khăn nhưng những chàng trai vùng núi đã biết lập thân-lập nghiệp để tạo thu nhập ổn định, giảm bớt tình trạng tha hương kiếm sống, bảo tồn được văn hóa bản địa. 

Sau sự kiện, những chàng trai Bahnar trở về làng, lại tiếp tục mày mò và cho ra đời các sản phẩm mới. Thế nhưng, nhìn cách họ mất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu mẫu mã mới thấy rằng chặng đường chinh phục người tiêu dùng phía trước cần phải có sự hỗ trợ từ các nghệ nhân lành nghề, từ chính quyền địa phương.

Về việc này, bà Phạm Thị Bảy - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mang Yang cho biết, đang nỗ lực hỗ trợ nhóm Bahnar thành lập Hợp tác xã làm đan lát và dệt thủ công. Bên cạnh đó, bà cũng sẽ vận động nhiều đồng bào tham gia vào HTX, vận động trung tâm dạy nghề huyện mời nghệ nhân về dạy thêm kỹ thuật đan lát và cấp chứng chỉ nghề, kinh phí Huyện sẽ hỗ trợ. “Khi có sản phẩm và thị trường tiêu thụ sẽ nhân rộng mô hình. Cần làm như vậy để cải thiện đời sống cho đồng bào. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn làng Bahnar trở thành làng du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống ở huyện”.

Nhưng chàng trai Bahnar và giấc mơ khởi nghiệp 3
Những chàng trai Bahnar sẽ cần rất nhiều hỗ trợ để xây dựng giấc mơ khởi nghiệp của mình

Mặc dù để hoàn thiện sản phẩm còn chặng đường dài phía trước nhưng ý tưởng khởi nghiệp của các chàng trai Bahnar (huyện Mang Yang) mang hi vọng sẽ giúp cuộc sống của đồng bào ổn định hơn, tránh tình trạng bỏ xứ đi tha hương kiếm sống, nhờ đó bảo tồn được văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, để sản phẩm ra thị trường thành công thì họ cần nâng cao chất lượng, mẫu mã tinh tế hơn, trao dồi thêm kỹ thuật đan lát từ các chuyên gia, nghệ nhân. Hơn nữa, nhóm cũng cần tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp để có sự hỗ trợ từ các chuyên gia và doanh nghiệp.