Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ

(VOH) - Tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp, người tiêu dùng “Thực phẩm sạch dành cho ai?” do Báo Điện tử Trí thức trẻ Soha.vn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng nay 28/12 với sự tham dự của 400 chuyên gia hàng đầu, người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm sạch cùng với nhiều người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Vũ Văn Tám nhấn mạnh, trong năm 2018, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành luật thủy sản chăn nuôi, trồng trọt, Bộ NN&PTNT chỉ đạo tăng cường thanh kiểm tra xử lý vi phạm, xử lý chất cấm, vật tư đầu vào, thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Bộ NN&PTNT đã xây dựng và phát triển các chuỗi nông sản sạch từ chế biến, tiêu dùng trong 1 năm qua. Đến nay, đã có 444 chuỗi sản phẩm sạch theo quy định được công khai. Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục Trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết Bộ tiếp tục hoàn thiện thể chế; rà soát, loại bỏ các văn bản pháp luật chưa thúc đẩy sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit chia sẻ góc nhìn từ một người quản lý doanh nghiệp. Ở Việt Nam, đa số người sản xuất đi trên nền tảng nông nghiệp hóa học. Trong khi hiện nay, nhu cầu thế giới, tiêu dùng đang đi theo hướng hữu cơ. Vì vậy, làm thế nào để phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đây là bài toán cần nhiều lời giải.

Giáo sư Võ Tòng Xuân (giữa) nêu ví dụ về trồng lúa tránh sâu bệnh tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp, người tiêu dùng “Thực phẩm sạch dành cho ai?” sáng 28/12 tại TPHCM.

Là chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp, GS Võ Tòng Xuân cho rằng việc dùng nhà lưới hay không vẫn chưa chắc loại trừ được các mầm bệnh, ông cũng giải thích tại sao hiện nay cây trồng ở Việt Nam lại có nhiều sâu. Ông dẫn chứng trồng lúa ở Campuchia, Thái Lan, họ sử dụng lúa mùa, đất đai được bồi dưỡng lại nên sử dụng rất ít thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, ở VN, dùng lúa cao sản, muốn năng suất cao người nông dân cấy sạ rất dày, vụ mùa 3 vụ/năm.

Trước lo lắng của người tiêu dùng hiện nay đối với các nguồn thực phẩm không an toàn gây bệnh ung thư, Bác sĩ Chuyên khoa II - Trần Thị Anh Tường – Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nhìn nhận, hiện có 90% nguyên nhân gây ung thư ảnh hưởng từ yếu tố môi trường, tuy nhiên có thể thay đổi được nếu thay đổi hành vi, thói quen hàng ngày.