Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính như thế nào?

(VOH) - Sáng 29/9, Viện Chiến lược ngân hàng phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính”.

Dữ liệu có thể trở thành tài nguyên mới cho phát triển kinh tế toàn cầu. Theo đánh giá của tổ chức Gartner, dự kiến năm 2021, các tổ chức lớn sẽ đưa dữ liệu vào danh mục Bảng cân đối kế toán và quản lý dữ liệu như những tài sản của tổ chức.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã luôn chủ động trong việc tiếp cận các nghiên cứu, xây dựng chính sách, tạo điều kiện để ứng dụng sức mạnh của dữ liệu trong công tác quản lý và phát triển các sản phẩm dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Theo khảo sát tháng 9/2020 của Ngân hàng Nhà nước, 50% các ngân hàng đã xây dựng Kho dữ liệu tập trung, 27% đã xây dựng các Hồ dữ liệu để thu thập dữ liệu thô đến từ các điểm tiếp xúc số, khoảng 50% các ngân hàng đã ứng dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro,...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Kim Anh phát biểu khai mạc

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, mô hình doanh nghiệp số, chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số đã trở thành đích đến của nhiều quốc gia, tổ chức. Chuyển đổi số vì thế đang lan tỏa trên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, thu hút sự quan tâm của tất cả các chủ thể trong nền kinh tế, ngày càng khẳng định là một xu thế lớn không thể đảo ngược. Trong đó, dữ liệu được coi là “dầu mỏ mới”, là nguồn cung cấp năng lượng cho chuyển đổi số. Cùng với sự gia tăng của khối lượng và độ phức tạp dữ liệu là sự phát triển của các nền tảng số hóa, các ứng dụng thu thập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu thông qua tương tác liên tục, trực tuyến các thiết bị kết nối và người dùng. Điều này đòi hỏi phải đầu tư lớn về hạ tầng công nghệ-kỹ thuật, ứng dụng mạnh mẽ kỹ thuật số để thu thập, lưu trữ, xử lý phân tích và chia sẻ. Quan trọng hơn, cần phải quản trị thông minh khối lượng dữ liệu khồng lồ này để bảo vệ quyền lợi và đem lại lợi ích cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị dữ liệu.

Toàn cảnh hội thảo khoa học “Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính”.

Trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng trên thế giới đã nhận ra được tiềm năng, sức mạnh to lớn của dữ liệu và chủ động nắm bắt cơ hội tận dụng được nguồn năng lượng này. Nhiều ngân hàng đã thực hiện tốt việc thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu một cách thông minh trên cơ sở các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dữ liệu được tận dụng triệt để nhằm tối ưu hóa hành trình và trải nghiệm khách hàng trên các điểm tiếp xúc số cũng như tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, quản trị nội bộ của ngân hàng.