Chờ...

Tăng trưởng kinh tế 6,5% là thách thức lớn trong năm 2024

VOH - Năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này.

Năm 2024 tiếp tục đối diện với những thách thức đáng kể trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và không lường trước. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra cho Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn lớn, khi bên ngoài tiếp tục có những yếu tố không chắc chắn và không tích cực.

Đại diện Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định về thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Năm 2024, rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Năm 2023 đã chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ trong nền kinh tế Việt Nam, với nhiều ngành công nghiệp gặp khó khăn và sụt giảm nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ đặc thù cho Việt Nam mà còn là vấn đề chung của nhiều quốc gia trên thế giới do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine.

Dù nỗ lực của Chính phủ trong việc mở rộng tài khóa và tiền tệ đã giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhưng vẫn chưa đảm bảo một sự hồi phục mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia nhìn nhận rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% vẫn là một thách thức lớn. Sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cùng với những khó khăn trong nội địa, đặt ra những yêu cầu cao cho Chính phủ và các nhà quản lý kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế 6,5% là thách thức lớn trong năm 2024 1
Xuất khẩu thủy sản là lĩnh vực triển vọng lớn

Thế nhưng năm 2024 dự báo cũng có những triển vọng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Sự hồi phục của thị trường thế giới và tăng trưởng xuất khẩu có thể tạo đà cho việc tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc xử lý các vấn đề tài chính và thực hiện các chính sách kích cầu có thể giúp nền kinh tế đạt được sự ổn định và phát triển.

Lĩnh vực đầu tư công dự báo sẽ được đẩy mạnh trong năm 2024, góp phần tích cực vào tăng trưởng GDP. Cùng với đó, khu vực dịch vụ vẫn là điểm sáng, một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như: Ngành vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ tài chính, du lịch.

Theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, “Tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch đến nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam, ít nhất trong nửa đầu năm 2024 trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn”.

Trong lĩnh vực đầu tư, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, bên cạnh đầu tư công còn có đầu tư của khu vực tư nhân trong nước, để thúc đẩy đầu tư tư nhân, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi. Bởi việc thị trường bất động sản suy thoái đang làm ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân, ngoài ra còn ảnh hưởng đến lĩnh vực xây dựng và các lĩnh vực khác liên quan đến quyền bất động sản.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong năm 2023 do hiệu quả của chiến lược phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dự báo hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trong năm 2024 vẫn tiếp tục ổn định.

Đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, ngành nông, lâm nghiệp luôn là động lực tăng trưởng kinh tế ổn định. Bởi đây là một ngành tuy nhỏ nhưng lại tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cao cho người dân ở nông thôn.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Đây có thể là động lực, mang đến những thuận lợi mang tính chủ quan, thúc đẩy tăng trưởng GDP trong năm 2024.

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM: Áp lực lên lạm phát, lãi suất tỷ giá giảm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt Nam xử lý các vấn đề tài chính tiền tệ cũng như có chính sách hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế, linh hoạt hơn, tốt hơn. Trong nước, vẫn là những câu chuyện mà chúng ta đã nỗ lực làm, cần xử lý bằng được các vấn đề tài chính tiền tệ gắn với bất động sản.

Ngoài những yếu tố tích, nền kinh tế Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức. PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, trong nước môi trường lạm phát, nếu không kiểm soát tốt lãi suất, tín dụng để tăng trưởng nóng sẽ xảy ra những rủi ro bong bóng tại thị trường này. Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian vừa qua nếu không tốt có thể trở thành những rào cản đối với môi trường kinh doanh trong nước và cản trở đầu tư của khu vực tư nhân.

Những rủi ro địa chính trị, xung đột giữa các nước và thời tiết, thiên tai có thể đẩy chi phí các nguyên vật liệu cơ bản trên thế giới tăng cao. Điều này sẽ gây khó khăn cho sản xuất ở trong nước. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,5% tiếp tục là một thách thức với Chính phủ trong năm 2024.

Năm 2024 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng cũng mang lại những triển vọng tích cực nếu có sự quản lý thông minh và sự hỗ trợ hợp lý từ Chính phủ và các bên liên quan. Việc xây dựng niềm tin cho thị trường và tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch sẽ là chìa khóa quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay.