Tăng trưởng tín dụng từ 20-21%: Việt Nam sẽ có vấn đề về tín dụng

(VOH) - Các chuyên gia cho rằng, nếu tăng trưởng tín dụng từ 20-21% về rất dài hạn Việt Nam sẽ có vấn đề về tín dụng.

Bên cạnh việc thảo luận các nội dung về dự thảo Luật, nhân sự cao cấp của Chính phủ, tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra ở Hà Nội, các đại biểu Quốc hội cũng bàn sâu đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 và việc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018. 

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của quý IV mà Chính phủ phải phấn đấu thực hiện là đạt tốc độ tăng trưởng trên 7,5%, có như thế mới đảm bảo tốc độ tăng trưởng chung của cả năm là 6,7% như Quốc hội giao. Các đại biểu cũng băn khoăn về mục tiêu này, bởi dư địa tăng trưởng của các nhóm ngành được kỳ vọng đã không còn nhiều. 

Nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế xã hội mà Chính phủ đã thực hiện được trong 9 tháng qua. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng trước những chỉ tiêu của phát triển kinh tế thời gian qua, liệu có thực sự đảm bảo chất lượng tăng trưởng?

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TPHCM tăng trưởng đã tăng lên trong ngắn hạn nhưng ít dựa vào cơ cấu và mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững. Thực tế này cũng cho thấy căn bệnh thâm niên của kinh tế chưa được khắc phục. 

Tình hình tham nhũng và 12 dự án thua lỗ cùng góp phần kéo theo thâm hụt cân đối thu chi, để lại gánh nặng cho nền kinh tế, đồng thời đề nghị Chính phủ có các giải pháp mạnh mẽ hơn để xử lý các vấn đề này. 

Đặt vấn đề về tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cho rằng: “Làm sao tăng trưởng bền vững mới là điều quan trọng. Dù chỉ 6,5% thôi nhưng nó lại tạo tiền đề để nằm tới và các năm tiếp theo, đến hết nhiệm kỳ này và nhiều năm sau vẫn tăng trưởng bền vững; còn hơn tăng trưởng lên 6,7 hoặc 7% nhưng lại có dấu hiệu làm cho các năm sau bị trở ngại, lúc đó chúng ta lại rất đáng lo. Các nhà kinh tế nước ngoài cũng quan sát chúng ta rất nhanh và có đặt nhiều dấu hỏi cho tăng trưởng tín dụng từ 20-21%. Về rất dài hạn người ta bày tỏ lo ngại rằng: Việt Nam sẽ có vấn đề về tín dụng”.

Tăng trưởng tín dụng nhanh không bền vững

Tăng trưởng tín dụng nhanh không bền vững (Ảnh: Vietnamnet)

Các đại biểu cũng yêu cầu Chính phủ cần tập trung chấn chỉnh những bất cập sai phạm trong các dự án, nhất là các dự án được cấp theo hình thức đối tác công tư PPP, các dự án BT, BOT và cần làm rõ việc giải ngân vốn đầu tư công liên quan đến các dự án về rừng. 

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, đoàn Bình Thuận cho rằng vốn đầu tư công của các công trình liên quan đến rừng, vấn đề thủy lợi, giao thông và các dự án khác… liên quan đến rừng, đều dừng lại hết không làm được. Thật sự, đây là vấn đề còn nhiều vướng mắc. 

“Riêng ở Bình Thuận, vướng ở khoản này rất nhiều. Những dự án liên quan đến rừng, dù đã được phân bổ vốn đầu tư công nhưng không thể làm được. Hiện, chúng tôi đang tập hợp, kiểm kê để báo cáo với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định” – ông Cảnh cho hay.

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Hoàng Quang Hàm, đoàn Phú Thọ cho rằng: vấn đề này đã được xem xét, thảo luận từ kỳ họp thứ 3, nhưng hiện nay, quá trình cổ phần hóa diễn ra còn chậm, chưa đạt được yêu cầu đề ra. 

Cùng với đó, việc cổ phần hóa cũng cần phải tính toán kỹ, đảm bảo định giá đúng để làm sao mang lại lợi ích cho cả nhà nước và doanh nghiệp, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.

Theo ông Hàm, đẩy mạnh thoái vốn và cổ phần hóa - là việc nên làm. Hiện nay, trong báo cáo của Chính phủ thì 2 khoản thu này đang rất thấp nhưng cũng phải lưu ý chúng ta vấn đề về giá. Không nên vì mục tiêu thu và mục tiêu tăng trưởng để chúng ta đẩy mạnh cái này trong khi bán không được giá. 

Ví dụ như, cùng một lĩnh vực nhưng chúng ta cổ phần hóa một cách ồ ạt thì giá cả sẽ xuống. Đây là vấn đề mà chúng tôi rất băn khoăn”.

Nêu vấn đề việc chi thường xuyên liên quan đến lương và phụ cấp 9 tháng của năm 2017 cao hơn bình quân 5 năm qua, một số đại biểu cho rằng: việc thực hiện tinh giản biên chế của Chính phủ hiệu quả chưa cao, làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, gây ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế. 

Đại biểu Trần Lưu Quang, đoàn Tây Ninh, phân tích: “Chi thường xuyên thì liên quan đến lương và phụ cấp, liên quan đến việc tinh giản biên chế và những kết luận của Hội nghị Trung ương 6 vừa rồi. Do vậy, phải tính toán cách nào đó phù hợp, chứ với tình thế như hiện nay: lương, biên chế cứ phình ra và lương cứ tăng như hiện này thì ngân sách nhà nước khó có dư tiền để Chính phủ có thể tính toán cho các vấn đề khác”.

Nhiều đại biểu lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào khai khoáng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: kinh tế của nước ta hiện không phụ thuộc vào tài nguyên dầu thô và than đá. Công nghiệp khai khoáng đã giảm sâu. Năm 2017, sản lượng khai thác dầu thô nước ta đặt ra là hơn 13.000 ngàn tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2016.

Phó Thủ tướng cho biết, công nghiệp của chúng ta đang tiếp tục tăng và quan trọng nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rất mạnh. Điều đó không chỉ bù đắp cho sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng mà đây thực sự là động lực tăng trưởng của 9 tháng qua, nhất là trong quý III. 

Chẳng hạn như Bắc Ninh, công nghiệp 9 tháng tăng góp 25,1% Hải Phòng tăng 20,1%, Thái Nguyên 18,1%, Hải Dương 11,2%. Vĩnh Phúc 10,6%, Bình Dương là 9,5% và Đồng Nai 8,3%. Có thể thấy, những vùng kinh tế động lực và có thế mạnh về công nghiệp chế biến, chế tạo đều tăng rất mạnh.

Cơ bản đồng tình với các giải pháp của Chính phủ, tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tập trung xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phong trào chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, có cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm, công khai các vi phạm. 

Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018, các đại biểu cho rằng: trên cơ sở dự báo tình hình trong nước và thế giới, Chính phủ đặt ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, góp phần phát triển doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. 

Theo dự kiến, các vấn đề vừa nêu sẽ được thảo luận vào đầu tuần tới để các thành viên Chính phủ giải trình và làm rõ những vấn đề mà đại biểu quan tâm.