Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Bình minh đang đến với đất nước ta"

(VOH) -Tại hội nghị trực tuyến “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra trên 63 tỉnh thành trong cả nước do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hôm qua 17/5, Thủ tướng tin tưởng bình minh đang đến đất nước Việt Nam. Niềm tin ấy xuất phát từ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam với quyết tâm minh bạch hóa thị trường, cạnh tranh công bằng, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Thuế, phí còn cao 

Thủ tướng nhìn nhận hiện nay vẫn còn tồn tại về thuế, phí còn cao. Không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., đặc biệt chi phí không chính thức, phí "bôi trơn". Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản đã thỏa thuận rất nhiều nhưng chưa xử lý triệt để được.

Đến thời điểm hiện tại, các thành viên Chính phủ đã lắng nghe hơn 1.000 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và đã có 850 kiến nghị được xử lý giải quyết. Những kiến nghị này tập trung vào cải cách hành chính thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam kiến nghị các giải pháp cấu trúc lại thị trường bán lẻ, đề nghị bổ sung ngành bán lẻ gồm tất cả các loại hình vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư; phát triển tập đoàn đa sở hữu về bán lẻ Việt Nam; cho phép nghiên cứu xây dựng chương trình khuyến thương.

“Nghị định 118, phụ lục 1 của ngành đầu tư hiện tại đã cho phép ưu đãi đầu tư là trung tâm thương mại, ưu đãi đầu tư đặc biệt là chợ ở các khu vực nông thôn, tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị trước mắt có thể bổ sung một số loại hình bán lẻ có triển vọng phát triển mạnh mẽ cần sự hỗ trợ như cửa hàng tiện lợi, tạp hóa...vào ưu đãi đầu tư trong Luật đầu tư”, bà Loan kiến nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Có đồng chí đề nghị tôi năm nay đặt tên là “Năm giảm phí cho doanh nghiệp”.

TPHCM ưu tiên 4 ngành công nghiệp trọng yếu

Tại TPHCM, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, thực hiện nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 phát triển ít nhất 500.000 doanh nghiệp, trong đó, TP sẽ ưu tiên đối với các doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất, chóa dược – cao su nhựa, chế biến tinh lương thực thực phẩm. Trong đó, mục tiêu hỗ trợ cho 2.000 dự án khởi nghiệp, sáng tạo, 1.000 dự án đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, bố trí đầu tư 2.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cho chương trình kích cầu đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết TP sẽ ưu tiên đối với các doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

Giảm phí cho doanh nghiệp

Hiện Chính phủ theo đuổi mục tiêu phát triển theo hướng cởi mở, thân thiện, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách bình đẳng, công bằng từ những thành quả tăng trưởng thương mại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư, xóa bỏ sự ưu ái, thu hồi nguồn lực và các tài nguyên đang được sử dụng kém hiệu quả, lãng phí để tái phân bổ lại cho mọi đối tượng dựa trên hiệu quả cạnh tranh, và khả năng cải thiện năng suất.

“Tôi nghĩ rằng bình minh đang đến đất nước ta. Tôi tin tưởng các bạn, những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam. Đó chính là tinh thần đồng hành mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay. Nhân đây, Chính phủ cũng rất mong doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính, và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. Như cha ông ta đã nói, dân cường thì nước thịnh, muốn đất nước giàu mạnh thì dân phải giàu. Đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém. Trên tinh thần ấy, các cơ quan chức năng ở các địa phương trên cần cả nước cần có chương trình phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Hiện Chính phủ đang tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước.