Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp

(VOH) - Việt Nam hiện là đối tác thương mại của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, nằm trong số ít quốc gia Đông Nam Á có độ mở kinh tế cao.

Ngày 6/4, tại tọa đàm: “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp” do Báo hải quan tổ chức, bà Vũ Thị Ánh Hồng – Tổng biên tập báo Hải quan cho biết, Việt Nam hiện là đối tác thương mại của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, nằm trong số ít quốc gia Đông Nam Á có độ mở kinh tế cao.

Với 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đang đàm phán và đã triển khai, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA,…là cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các thị trường này. Tuy nhiên, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của cả nước, trong đó hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ. Cùng với đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine và giá dầu thế giới tăng, dẫn đến chi phí vận tải, logistics tăng cao càng làm cho chi phí xuất nhập khẩu  gia tăng. Theo thông tin từ các doanh nghiệp, chi phí bị đẩy lên cao, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận hòa vốn, thậm chí bị lỗ để xuất khẩu hàng hóa nhằm duy trì mối quan hệ làm ăn với khách hàng. Gần đây, phí chuyên chở container tiếp tục được nhiều hãng tàu thông báo điều chỉnh tăng đến 20%, dù mức giá đã khá cao, tăng vài lần so với trước khi có dịch… Chi phí xuất nhập khẩu tăng cao làm nhiều doanh nghiệp không đủ lực để cạnh tranh. Do đó, cần sớm tìm ra giải pháp nhằm kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp 1

Đại diện ngành chức năng và doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo

Về phía ngành hải quan, ông Đào Duy Tám, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin như: thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử; thanh toán điện tử (E-Payment); quản lý giám sát hải quan tự động; thay thế các thủ tục hành chính bằng việc chuyển đổi sang hình thức kết nối, trao đổi dữ liệu thông tin điện tử...

Đến hết năm 2021, Tổng cục Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện, trong đó có 209 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (tỷ lệ 88%). Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ 29/12/2021, Tổng cục Hải quan đã chính thức cung cấp miễn phí phần mềm khai hải quan cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Với khoảng 92 nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang hoạt động, ước tính việc cung cấp phần mềm miễn phí sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 432 tỷ đồng.

Tại TPHCM, với đề án “Tạo thuận lợi thương mại: thủ tục hải quan trong hoạt động Iogistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát lái” giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan. Cảng Cát Lái thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn có sản lượng hàng hóa khai thác chiếm 50% thị phần cả nước, hơn 80% sản lượng hàng hóa tại cảng biển TPHCM, tốc độ tăng trưởng hàng năm 10% nhưng kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp với tốc độ tăng trưởng của sản lượng hàng hóa thông qua cảng dẫn đến nguy cơ ùn tắc tại cảng Cát Lái và ảnh hưởng giao thông các khu vực lân cận cảng. Để thực hiện đề án, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đưa ra 3 giải pháp. Đó là xây dựng mô hình làm việc tập trung, khép kín, thực hiện thủ tục hải quan 24/7 trên cơ sở thiết lập kênh trao đổi thông tin riêng giữa cơ quan Hải quan- Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn – doanh nghiệp để thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục giao nhận hàng hoá cho các doanh nghiệp tham gia đề án. Bố trí khu vực xếp hàng hóa riêng, có phương án giao nhận hàng hóa tại cầu cảng và phân luồng di chuyển riêng cho xe chở container của các doanh nghiệp tham gia đề án. Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Hệ thống giám sát trực tuyến quá trình làm thủ tục hải quan - giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu và đánh giá mức độ hài lòng của người đi làm thủ tục hải quan đối vói công chức hải quan và cơ quan hải quan.

Về phía doanh nghiệp, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn IPPG cũng cho biết, trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, chi phí vận chuyển gia tăng. Do đó ông kỳ vọng về Hãng vận tải hàng không chuyên dụng IPP Air Cargo do IPPG sáng lập và đang được các cơ quan chức năng xem xét trình Chính phủ cấp phép, nếu đi vào vận hàng sẽ góp phần kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.

Còn ông Trần Việt Huy, Trưởng ban Hải quan và tạo thuận lợi thương mại - Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, cần áp dụng thủ tục hải quan minh bạch, hiệu quả để giảm chi phí và tăng tính dự đoán, nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, Hải quan và các cơ quan liên quan (trên nền tảng mạng một cửa quốc gia sẵn có và tiến tới trên nền tảng phần mềm Hải quan miễn phí). Ông Huy cũng đề nghị Tổng cục Hải quan cần tăng cường đại chúng hóa đào tạo đại lý khai thuê Hải quan; tăng cường tuyên truyền sử dụng dịch vụ của đại lý Hải quan vì đây là xu hướng đã được thế giới chứng minh.