Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là gì?

(VOH) - Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang là xu hướng phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, vấn đề này vẫn còn khá mới mẻ và chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức.

Hàng loạt vụ việc doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quyền lợi người lao động, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng đã và đang khiến cộng đồng bức xúc. Doanh nghiệp cần làm gì và làm như thế nào để tăng cường trách nhiệm xã hội? theo các chuyên gia, khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng thì những hành vi như thế sẽ làm suy yếu hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Mặ dù vậy số lượng các doanh nghiệp xã hội được thành lập chưa nhiều.

Mới đây nhất Câu lạc bộ Doanh nhân và Quản trị công bố đề án thành lập một doanh nghiệp xã hội mang tên Công ty Cổ phần Doanh nhân và quản trị. Hội đồng quản trị cho mô hình doanh nghiệp xã hội này là những vị lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp. Công ty được thành lập sẽ hỗ trợ và đồng hành tốt hơn cho các thành viên câu lạc bộ, chia sẻ những kinh nghiệm kiến thức, trải nghiệm về quản trị và kết nối để nâng cao năng lực cá nhân và năng suất của tổ chức, cũng là nơi kết nối và hỗ trợ cho việc kinh doanh của từng thành viên.

Doanh nghiệp cần làm gì và làm như thế nào để tăng cường trách nhiệm xã hội?

Tại Việt Nam, doanh nghiệp xã hội mới được định danh ở Ðiều 10 trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014. Ðây được coi là thành tựu, cho thấy sự ghi nhận của Nhà nước với vai trò của doanh nghiệp xã hội trong nền kinh tế. Tuy vậy những năm qua, số lượng doanh nghiệp Việt Nam gia tăng chưa nhiều, trong đó số lượng doanh nghiệp tạo tác động xã hội chiếm 3 - 5%.

CSR là viết tắt của cụm từ Corporate social responsibility được dịch là Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp  là cam kết của DN (doanh nghiệp) đối với đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung.