Trong tuyên bố ngày 11/11, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh, sau cuộc điều tra sơ bộ, nhà chức trách phát hiện các nhà sản xuất rượu mạnh EU đã bán phá giá một số sản phẩm tại thị trường Trung Quốc, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp rượu trong nước.
Do đó, Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời dưới hình thức yêu cầu các nhà xuất khẩu rượu mạnh EU đặt cọc tiền mặt hoặc cung cấp thư bảo lãnh.
Các biện pháp áp thuế này dựa trên tính toán liên quan đến giá được hải quan phê duyệt, cũng như thuế nhập khẩu, tuân theo thông báo tương tự do Bộ đưa ra vào ngày 8/10.
Hiện vẫn chưa rõ liệu những biện pháp này là biện pháp mới hay là sự mở rộng của những biện pháp hiện có.
Đây là lần thứ hai trong hơn 1 tháng, Trung Quốc cho biết sẽ áp thuế rượu mạnh nhập khẩu từ EU.
Pháp - quốc gia sản xuất rượu mạnh hàng đầu châu Âu - mô tả các biện pháp thuế được Trung Quốc công bố vào tháng trước là mang tính chính trị, nhằm gây áp lực lên EU sau khi nước này áp đặt mức thuế quan cao đối với xe điện của Trung Quốc vì cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Daxue Consulting, Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều rượu mạnh hơn bất kỳ loại rượu mạnh nào khác vào năm 2022, phần lớn đến từ Pháp.
Quy định mới làm sâu sắc thêm căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Brussels.
Vào tháng 1, Trung Quốc mở cuộc điều tra về rượu mạnh nhập khẩu từ EU sau khi khối này tiến hành điều tra về trợ cấp xe điện của Trung Quốc.
Tháng trước, EU đã áp mức thuế cao lên tới 45% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi cuộc điều tra chống trợ cấp kết luận rằng trợ cấp của nhà nước Bắc Kinh đang gây bất công cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu.
Ngoài mức thuế tạm thời đối với rượu mạnh, Bắc Kinh cũng đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thịt heo và sữa nhập khẩu từ châu Âu. Trong khi đó, Brussels cũng đang điều tra các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho tấm pin mặt trời và tua bin gió.