Đài PT-TH Đồng Nai khai thác góc nhìn mới về áp lực của cha mẹ trên hành trình đồng hành cùng con

(VOH) - Đài PT-TH Đồng Nai đã mang đến chương trình “Lăn bánh cùng 97.5” với nội dung xoay quanh mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày naytại Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2022.

Chuyên mục “Lăn bánh cùng 97.5” tham gia tranh tài tại nội dung Phát thanh trực tiếp thuộc Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2022 do biên tập viên Trà Mi và Hoàng Huấn dẫn dắt, được phát sóng trực tiếp vào lúc 10 giờ 15 phút trên tần số FM 97.5MHz của Đài PTTH Đồng Nai và livestream trên fanpage của chương trình.

Với chủ đề “Cha mẹ cũng cần được thấu hiểu”, chương trình có nội dung xoay quanh những vấn đề trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong thời đại ngày nay, cùng những giải pháp để cải thiện và vun đắp cho mối quan hệ ruột thịt ấy ngày càng bền chặt, thấu hiểu nhau hơn. Các khách mời tham dự chương trình gồm chuyên gia tâm lý Thái Văn Hưng và chị Nguyễn Thị Ti Na - giáo viên trường THPT Nam Hà, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Làm cha mẹ là một cuộc hành trình dài lâu. Và như bất kỳ cuộc hành trình nào khác, cần có thời gian để tìm ra hướng đi phù hợp. Trong hành trình đó, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Thực tế ngày nay, nhiều người trẻ cảm thấy bị áp lực tâm lý, không được lắng nghe và cô độc ngay trong chính gia đình của mình, từ đó dẫn đến những hành xử nông nổi, những sự việc đáng tiếc gây rúng động dư luận thời gian qua.

Tuy nhiên, áp lực không chỉ con cái mới có mà chính những bậc làm cha mẹ cũng phải đối mặt không ít. Yêu thương và thấu hiểu con trẻ mặc nhiên được xem là nhiệm vụ của cha mẹ, nhưng đâu đó họ cũng cần có sự an ủi, động viên để thêm vững vàng, mạnh mẽ để tiếp tục đồng hành cùng con.

Đài PT-TH Đồng Nai khai thác góc nhìn mới về áp lực của cha mẹ trên hành trình đồng hành cùng con
Chủ đề "Cha mẹ cũng cần được thấu hiểu" đã mang đến những góc nhìn mới về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Chị Nguyễn Thị Ti Na chia sẻ: “Tôi tin tất cả mọi người đều đồng ý rằng, sinh con ra là một điều vô cùng hạnh phúc, nhưng bên cạnh đó cũng phải đối mặt với hành trình đầy thách thức và vô vàn khó khăn. Những áp lực này có thể đến từ ngay chính gia đình - những người thân yêu nhất, đến rộng hơn là xã hội và có cả những áp lực do chính bản thân mình đặt ra.

Là mẹ của hai con trai ở độ tuổi thành niên, bản thân tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong suốt quá trình đồng hành cùng con cho đến khi trưởng thành. Và một trong những điều tôi cảm thấy áp lực nhất chính là làm thế nào để có thể sẻ chia, để con có thể hiểu được tất cả những điều mình mong muốn cho con. Vì đôi lúc những việc mình làm con không hiểu, dẫn đến phản ứng ngược, và người tổn thương nhất trong nhiều trường hợp chính là bản thân mình. Tuy nhiên, không giống như con trẻ, những lúc đó chúng ta không thể giải tỏa cảm xúc được ngay lập tức như gào thét hay làm những hành động thái quá được”.

Theo chuyên gia tâm lý Thái Văn Hưng, trong gia đình cả cha và mẹ đều có những áp lực khác nhau trong quá trình nuôi dạy con cái: “Trong cương vị là một người bố, tôi cũng có nhiều áp lực trong giáo dục con cái như nhiều người khác như áp lực về cơm áo gạo tiền để lo cho các con, áp lực về việc học hành,… nhưng còn một áp lực khác mà tôi nghĩ rất quan trọng đó là phải đảm bảo công bằng cho các con, nhất là trong các gia đình đông con. Đối với trẻ nhỏ, chỉ cần một chút bất công thôi thì cũng đã là một sự tổn thương nặng nề. Nếu cha mẹ vô tâm thì sự tổn thương sẽ bị dồn nén lâu ngày và dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc”.

Đài PT-TH Đồng Nai khai thác góc nhìn mới về áp lực của cha mẹ trên hành trình đồng hành cùng con
Chương trình cũng nhận được nhiều lượt tương tác từ thính giả là chính những người đang gặp khúc mắc trong gia đình của mình.

Chương trình cũng nhận được nhiều tương tác từ thính giả, từ những người là phụ huynh đến những em đang ở tuổi vị thành niên gặp nhiều khúc mắc với cha mẹ của mình. Có em cảm thấy không được cha mẹ lắng nghe; có em thì thấy mình ngột ngạt, bí bách khi cha mẹ quan tâm có phần thái quá và can thiệp nhiều đến cuộc sống dù mình đã lớn,…

Chuyên gia tâm lý Thái Văn Hưng cho rằng, trong bất kỳ trường hợp nào, dù cha mẹ có khi la mắng hay cãi cọ thì đó không phải sự ghét bỏ mà trên hết luôn chứa đựng những giá trị yêu thương trong đó. Ngoài ra, việc con cái chưa nói chuyện được cha mẹ có thể còn do nhiều yếu tố như phương pháp, thời điểm và cách thức giao tiếp chưa phù hợp. Anh nhấn mạnh thời đại ngày nay, có rất nhiều phương thức giao tiếp giữa con người với nhau, nếu không thể nói chuyện trực tiếp thì giữa cha mẹ và con cái vẫn có thể trao đổi với nhau qua email hay nhiều phương tiện truyền thông xã hội khác.

Cha mẹ lúc nào cũng mong ước nuôi dưỡng giáo dục, chăm lo cho con một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Song song đó họ cũng chịu nhiều áp lực từ xã hội đến gia đình. Khi mâu thuẫn xảy ra, họ cũng cần được cảm thông và chia sẻ thay vì chỉ trích và quay lưng. Hãy thấu hiểu những áp lực vô hình mà cha mẹ đang gánh, đó sẽ tạo nguồn động lực lớn lao tiếp sức cho cha mẹ trên con đường dài đồng hành cùng con.