Thách thức của phát thanh truyền hình trong giai đoạn chuyển đổi số

(VOH) - Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới trong mọi ngành, mọi lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực phát thanh truyền hình cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, việc bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, thực hiện như thế nào cho thống nhất, hiệu quả nhất vẫn còn là câu chuyện nhiều thách thức của ngành phát thanh truyền hình trong giai đoạn hiện nay.

Thách thức của phát thanh truyền hình trong giai đoạn chuyển đổi số
Thách thức của phát thanh truyền hình trong giai đoạn chuyển đổi số

Hiện nay, có 6 cơ quan báo chí chủ lực của Trung ương đã và đang thực hiện việc chuyển đổi số là: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân và Phát thanh truyền hình Quân đội, phát thanh truyền hình Công an nhân dân… cùng với các đài phát thanh và truyền hình của 63 tỉnh thành trong cả nước cũng đang bắt tay vào việc chuyển đổi số. Nhưng thực chất, việc chuyển đổi số bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào, hiện nay, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời, và mỗi đơn vị báo chí, phát thanh truyền hình lại đang đi theo một hướng riêng với hạ tầng riêng. Ông Hồng Quang Năm, Phó giám đốc Đài Phát thanh truyền hình thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị hiện đang thành lập bộ phận nội dung số, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn chưa biết bắt đầu từ đâu.

“Đài Đà Nẵng cũng đã tham gia trong ban chỉ đạo chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng, nhưng thực sự để bắt đầu từ đâu, như thế nào thì thật ra Đài vẫn còn khá lúng túng. Đài xin được xung phong đầu tiên để được hướng dẫn, kết nối tham gia vào sân chơi lớn như thế này. Ý nữa là hiện nay, định mức, sản xuất số nhưng hiện chưa có định mức về nội dung số, nên cũng mong Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm đặt hàng sản xuất nội dung số trong nền tảng số”, ông Hồng Quang Năm nói.

Trong lĩnh vực báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 362 về "Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025". Trên cơ sở đó, các cơ quan báo chí sẽ phải tự chủ, nhà nước chỉ đầu tư cho các cơ quan báo chí chủ lực và đặt hàng các kênh, chương trình thiết yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị. Chuyển đổi số không có nghĩa là chỉ đầu tư một hệ thống máy tính, với các phần mềm chuyên dụng phục vụ một hoặc nhiều công việc cụ thể của cơ quan, đơn vị. Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi các cơ quan truyền thông phải xây dựng được tòa soạn hội tụ làm trung tâm, có sự thống nhất giữa các bộ phận: báo in, phát thanh, truyền hinh, báo điện tử. Định hướng thời gian tới, Việt Nam sẽ xây dựng 2 hệ thống: nền tảng phát thanh số Quốc gia và truyền hình số Quốc gia. Ông Vũ Xuân Trường, Giám đốc Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Tây Ninh bày tỏ quan điểm rất ủng hộ việc chuyển đổi số, và cho rằng, cần có sự thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước khi thực hiện việc này. Nếu không, việc chuyển đổi số trong ngành phát thanh – truyền hình sẽ trở nên rất manh múng, không mang lại hiệu quả cao. “Tôi rất tán thành và ủng hộ đề án này, đồng thời, tôi cũng mong muốn việc triển khai đề án đi vào thực tế sớm hơn. Lý do, nếu chúng ta không làm sớm thì tự các Đài chúng ta phải thực hiện nội dung này, như thế, tôi thấy rất manh múng, thứ hai là tốn kém, thứ ba là mai mốt thực hiện việc gắn kết thành một hệ thống chung rất khó khi chúng ta không đưa ra cái chuẩn ban đầu”, ông Vũ Xuân Trường cho biết.

Thách thức của phát thanh truyền hình trong giai đoạn chuyển đổi số 2
VOV là một đơn vị chủ trương đứng ra xây dựng hạ tầng số quốc gia, một hệ thống lưu trữ, hệ thống bảo mật. Sau đó là để sẵn cổng để các đài phát thanh – truyền hình trong cả nước có thể đẩy thông tin vào đó...

Như vậy, câu chuyện chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình trong cả nước đang còn rất manh mún, không tập trung, tốn kém nguồn lực, gây nhiều khó khăn cho công chúng trong quá trình tìm kiếm nguồn thông tin, muốn nghe các chương trình yêu thích. Chính thực tế này, đòi hỏi việc xây dựng một hạ tầng phát thanh số quốc gia để thống nhất trên phạm vi toàn quốc, phục vụ cho công chúng trong nước cũng như kiều bào nước ngoài và bạn bè quốc tế tìm kiếm nghe xem những chương trình muốn nghe một cách thuận lợi nhất, dễ dàng nhất. Do đó, việc xây dựng một hạ tầng phát thanh số quốc gia là giải pháp tối ưu nhất. Ông Vũ Hải Quang, phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nêu quan điểm, khi cuộc cách mạng chuyển đổi số xuất hiện, đã làm thay đổi mọi tập quán, thói quen của công chúng trong việc nghe và xem, tiếp thu các thông tin trong lĩnh vực thông tin và báo chí. Thứ hai, chúng ta là các cơ quan báo chí của nhà nước, báo chí cách mạng, do vậy, chúng ta cần có một tiếng nói chính thống. “Công nghệ về internet rất phát triển, do vậy, hiện nay VOV chỉ là một đơn vị chủ trương đứng ra xây dựng một hạ tầng số quốc gia, từ việc phân phối nội dung trên hạ tầng internet dưới dạng website, app… tất cả các hình thức như vậy. Thứ nữa là một hệ thống lưu trữ, hệ thống bảo mật. Sau đó là để sẵn cổng để các đài phát thanh – truyền hình trong cả nước có thể đẩy thông tin vào đó, cũng là để công chúng nghe, xem những chương trình của bất cứ tỉnh, thành phố nào một cách rất thuận lợi và dễ dàng, có thể lưu trữ một cách vĩnh viễn, phòng chống an ninh mạng cũng như đảm bảo các vấn đề về bản quyền”, ông Vũ Hải Quang cho biết thêm.

Nhấn mạnh thêm vai trò của Bộ Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin truyền thông cho biết thêm: “Khi các đài địa phương tham gia vào việc cung cấp thông tin vào nền tảng số, thì tất nhiên sẽ phát sinh một số chi phí về việc lưu trữ, các vấn đề liên quan đến quản lý, để đưa được nội dung đến công chúng trong và ngoài nước. Nhiệm vụ của Bộ Thông tin và truyền thông sẽ có phần việc là xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, để từ đó tính ra dự toán chi phí cho hoạt động, duy trì việc cung cấp nội dung của các đài địa phương trên nền tảng số quốc gia do Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam quản lý".

Theo các chuyên gia, để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình cần đổi mới trong cơ cấu tổ chức, có chiến lược để thực hiện chuyển đổi số ở tầm vĩ mô, có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời với yêu cầu mới.