33 năm tưởng nhớ 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

(VOH) - Sự kiện Gạc Ma vào rạng sáng ngày 14/3/1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt.

Ngày 14/3, 33 năm về trước, 64 người con đất Việt đã nằm lại giữa lòng biển sâu khi quân Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm đảo Gạc Ma ở Trường Sa, thuộc chủ quyền của VN.

Trước đối phương vừa đông lại được trang bị đầy đủ vũ khí, các chiến sĩ của ta chỉ có cuốc, xẻng, súng bộ binh thông thường, nhưng vẫn kiên cường lấy thân mình tạo nên vòng tròn bất tử, bảo vệ ngọn cờ tổ quốc đang tung bay trên đảo. Vậy nhưng, dưới làn đạn của kẻ thù, 64 người con can trường đã ngã xuống, máu xương của các anh hòa vào với biển đảo quê hương. 2 tàu vận tải của ta là HQ604 và HQ605 cũng biến thành ngọn đuốc và chìm xuống đáy đại dương.

Sự hy sinh anh dũng của các anh trong trận quyết chiến không cân sức ngày ấy, đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng dân tộc và chúng ta, những người dân đất Việt đang sống trong hòa bình hôm nay, chưa bao giờ thôi khắc khoải nhớ về các anh, nhớ về sự kiện ngày 14/3/1988.

33-nam-tuong-nho-64-anh-hung-liet-si-gac-ma-voh.com.vn-anh1
64 bông hoa biển quanh lá cờ Tổ quốc biểu tượng cho 64 chiến sĩ đã hi sinh trên đảo Gạc Ma. Ảnh: TTO

Tròn 33 năm sau cuộc chiến trên đảo Gạc Ma (14/3/1988), nhiều đoàn thể cùng nhiều thân nhân liệt sĩ đã đến khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để dâng hương, tưởng nhớ sự hi sinh anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ, những con người đã không tiếc máu xương xây nên một "vòng tròn bất tử".

Những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới từ bậc tam cấp hướng lên tượng đài trên đỉnh đồi, các bức tượng chiến sĩ hải quân tay cầm chắc súng, giữ vững ngọn cờ, dáng đứng hiên ngang trước sóng gió càng làm bao người viếng thăm xúc động.

Theo Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, từ ngày 16/7/2017 đến cuối tháng 2/2021, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã đón 2.350 đoàn với hơn 220.000 lượt khách đến viếng.

Tại đây có rất nhiều kỷ vật của các chiến sĩ được gia đình gửi gắm như bức thư thấm đẫm tình thương gia đình của liệt sĩ Võ Đình Tuấn (Khánh Hòa), tấm bằng tốt nghiệp nhòe hình của liệt sĩ Vũ Văn Thắng (Thái Bình) hay tấm hình đen trắng trong chứng minh nhân dân của liệt sĩ Tống Sĩ Bái…

Nơi đây còn lưu giữ cả những kỷ vật của các con tàu đã chìm tại Gạc Ma năm xưa như bánh lái, giày dép, những mảnh súng trường, cuốc xẻng mà các anh hùng, liệt sĩ sử dụng khi bảo vệ Gạc Ma.

33 năm trôi qua, sóng biển có thể đã xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những con người quả cảm, không tiếc máu xương để giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Sự hy sinh của các anh được thế hệ hôm nay luôn nhắc nhớ với lòng thành kính, những người lính tiếp bước cha anh luôn phấn đấu, luyện rèn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ vững chắc từng “tấc đảo, sải biển” của Tổ quốc.

Nhắc nhớ về sự kiện Gạc Ma năm 1988, chúng ta không quên những chiến sĩ hải quân hôm nay vẫn đang chắc tay súng nơi khơi xa gìn giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Chúng ta cũng không quên biết bao thế hệ cư dân trên các hòn đảo của Hoàng Sa, Trường Sa và những ngư dân đang ngày đêm bám biển, những người bằng cả cuộc đời đã làm nên cột mốc chủ quyền sống, đầy tự hào của cả dân tộc.

Nhớ về sự kiện Gạc Ma, để rồi mỗi chúng ta tự nhủ với lòng mình, phải sống sao cho xứng đáng với xương máu của cha anh đã đổ và sự hy sinh thầm lặng của chiến sĩ, đồng bào nơi đầu sóng ngọn gió, vì độc lập và tự do cho tổ quốc hôm nay.