Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 9»1»Những dấu ấn độc đáo trong tác phâ...

Những dấu ấn độc đáo trong tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh

Với lối phân tích gần gũi và chân thực, thông qua tác phẩm “Phong cách Hồ Chí Minh”, tác giả Lê Anh Trà sẽ giúp các em học sinh hiểu thêm về vẻ đẹp trong phong cách của Bác.

Xem thêm

Trong chương trình Ngữ Văn khối trung học cơ sở, các em học sinh được tìm hiểu các tác phẩm thơ ca như Cảnh khuya hay Rằm tháng giêng do Bác chắp bút. Ở chương trình Ngữ Văn lớp 9, tác phẩm "Phong cách Hồ Chí Minh" của tác giả Lê Anh Trà sẽ đem đến những phân tích đầy khách quan và sâu sắc về vị lãnh tụ đặc biệt này của chúng ta. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những dấu ấn độc đáo trong tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh qua bài viết sau: 


Dấu ấn độc đáo trong tác phẩm "Phong cách Hồ Chí Minh"

Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa. Đó là một thực tế không ai chối cãi. Hồ Chí Minh là một người Việt Nam yêu nước. Đó là một điều chắc chắn. Từ tinh thần yêu nước, Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và phong trào cộng sản quốc tế.

Suốt cuộc đời, Người phấn đấu không mệt mỏi vì hạnh phúc của nhân dân, vì loài người tiến bộ. Tư tưởng, đạo đức, lối sống của Hồ chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc với tính nhân loại, giữa tính truyền thống với tính hiện đại. Người đã để lại cho toàn dân tộc và loài người tiến bộ một dấu ấn độc đáo, riêng biệt. Dấu ấn riêng này đã được tác giả Lê Anh Trà thể hiện trong văn bản “Phong cách Hồ Chí Minh”.

Bằng ngòi bút giản dị, chân thực của mình, tác giả Lê Anh Trà đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp trong phong cách của Bác đó chính là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, giữa thanh cao và giản dị.

voh.com.vn-phong-cach-ho-chi-minh-0
Bác Hồ với các em thiếu nhi (Nguồn: Internet)

Trong bài viết của mình, tác giả đã chỉ ra quá trình hình thành phong cách ở Bác. Trước hết, tác giả nói đến sự tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại của Người. Chúng ta đều biết năm 1911, Bác ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu viễn dương của Pháp.

"Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể,

Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mĩ, châu Phi

Những đất tự do, những trời nô lệ

Những con đường cách mạng đang tìm đi”

(Người đi tìm hình của nước, Chế Lan Viên)

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy truân chuyên, Bác tiếp xúc với nhiều nền văn hoá nên Bác có hiểu biết sâu rộng về nền văn hóa châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Để có vốn tri thức sâu rộng đó, Bác đã học để nói thông, viết thạo nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Hoa, Nga... Bác học hỏi qua công việc, qua lao động. Bác làm nhiều nghề và đến đâu Bác cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa đến một mức khá uyên thâm.

Khi tiếp xúc văn hóa của dân tộc trên thế giới, Bác tiếp thu có chọn lọc. Người chỉ tiếp thu những cái hay, cái đẹp, đồng thời phê phán những cái còn hạn chế, tiêu cực. Và từ cơ sở nền tảng văn hóa dân tộc mà Bác tiếp thu những ảnh hưởng của quốc tế để làm nên phong cách riêng của mình, một phong cách chỉ có ở Hồ Chí Minh. Với cách lập luận chặt chẽ, cách nêu luận cứ xác đáng, lối diễn đạt tinh tế của Lê Anh Trà đã tạo nên sức thuyết phục lớn.

Nét đẹp trong phong cách của Hồ Chí Minh được thể hiện qua lối sống vô cùng giản dị nhưng đầy thanh cao. Lối sống đó được tác giả đề cập qua các phương diện. Trước hết là nơi ở và làm việc của Bác “chiếc nhà sàn bằng gỗ bên cạnh chiếc ao làm cung điện của mình”, "Chiếc nhà sàn cũng chỉ vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ chính trị, làm việc và ngủ, với những đồ đạc rất mộc mạc đơn sơ".

Xem thêm: 20 mẩu chuyện hay kể về Bác Hồ ý nghĩa nhất, giúp con người hoàn thiện hơn

voh.com.vn-phong-cach-ho-chi-minh-1
Bác tham gia Tết trồng cây cùng đồng bào (Nguồn: Internet)

Còn "Trang phục hết sức giản dị, với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ...". Việc ăn uống “cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kì, như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa”. Người sống một mình với "tư trang ít ỏi, một chiếc vali con với vài bộ quần áo, vài vật kỉ niệm của cuộc đời”. Mọi thứ Bác có, mọi sinh hoạt của Bác không có gì khác với cuộc sống của người dân bình thường, của những người chiến sĩ ngoài mặt trận đâu. 

Lối sống của Bác không phải là lối sống khắc khổ của những người tự vui trong cảnh nghèo khổ, cũng không phải là cách tự thần thánh hóa, tự làm cho mình khác đời, hơn đời. Đây là cách sống có văn hoá thể hiện một quan niệm thẩm mỹ: cái đẹp là sự giản dị tự nhiên. Lối sống này là lối sống đem lại hạnh phúc thanh cao cho tâm hồn và thể xác, lối sống di dưỡng tinh thần của các bậc hiền triết thuở xưa.

Trong tác phẩm “Phong cách Hồ Chí Minh”, tác giả Lê Anh Trà đã kết hợp giữa kể và bình luận (đan xen nhau): “Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh” hay “Quả thật như câu chuyện thần thoại, như câu chuyện về một vị tiên, một con người siêu phàm nào đó trong cổ tích”.

Tác giả còn sử dụng nghệ thuật đối lập: vĩ nhân mà hết sức giản dị, gần gũi; am hiểu mọi nền văn hóa nhân loại mà hết sức dân tộc, hết sức Việt Nam cùng với những chi tiết tiêu biểu chọn lọc, đan xen thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cách dùng từ Hán Việt gợi cho người đọc thấy sự gần gũi giữa Hồ Chí Minh với các bậc hiền triết của dân tộc.

Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, ở Người ta thấy được “một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất Phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”. Phong cách Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng các thế hệ con người Việt Nam nhất là trong giai đoạn hiện nay khi  mà sự giao thoa, tác động, ảnh hưởng giữa các nền văn hóa đang diễn ra trên đất nước ta thì việc giữ gìn bản sắc văn hóa là yếu tố sống còn của mỗi dân tộc.

Và Hồ Chí Minh chính là tấm gương tiêu biểu, sinh động về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu hội nhập văn hóa nhân loại. Quả thật, Bác của chúng ta xứng đáng với lời khẳng định của Bí thư thứ nhất  Lê Duẩn: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta."

Hy vọng bài viết đã giúp các em hiểu rõ thêm về mạch phân tích và góc nhìn của tác giả về những dấu ấn độc đáo trong tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh, từ đó cảm nhận rõ hơn nét đẹp thanh cao trong phong cách Hồ Chủ Minh.

Tác giả: VOH

Bài 2: Soạn Bài Các Phương Châm Hội Thoại