Một góc thị trường bất động sản những tháng cuối năm
Những tháng cuối năm 2019, tình hình bất động sản sẽ sáng sủa hơn khi thủ tục đầu tư nhiều dự án tại TP. HCM đã được giải quyết. Tuy nhiên, cung không đủ cầu vẫn được cho là nguyên nhân khiến giá bán các dòng sản phẩm bất động sản không ngừng tăng...
Sáu tháng đầu năm 2019, toàn bộ thị trường sụt giảm 34% về quy mô, trong đó riêng sụt giảm về dự án bất động sản là 29%, sụt giảm căn hộ đưa ra thị trường 34%. Trong phần sụt giảm căn hộ đưa ra thị trường, phân khúc cao cấp giảm 44%, căn hộ vừa túi tiền giảm 34%, không có dự án bất động sản bình dân nào đưa ra thị trường trong quý II/2019.
Cũng trong khoảng thời gian này, Sở Xây dựng chỉ trình cho UBND TP. HCM có ba dự án mới về quyết định chủ trương đầu tư, giảm hơn 80%; 10 dự án công nhận chủ đầu tư dự án, giảm 82%; 24 dự án đủ điều kiện huy động vốn.
Theo đó, Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu dự báo, những tháng cuối năm 2019 tình hình sẽ sáng sủa hơn với sự vào cuộc của lãnh đạo thành phố. Bên cạnh đó, thị trường cũng có thêm nhân tố để đột phá từ các dự án quy mô lớn tại quận 9 và huyện Nhà Bè.
Tuy nhiên, đây chỉ là “một vài điểm sáng trong cả làng tối” trong khi thị trường bất động sản không thể phát triển đơn độc. Vì vậy cần thiết phải có cảnh báo về những khó khăn để các nhà hoạch định chính sách có những điều chỉnh phù hợp.
Về vấn đề giá bán, theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, dù tổng lượng giao dịch bất động sản sáu tháng tháng đầu năm giảm 34% nhưng giá không giảm.
Duyệt quy hoạch Khu dân cư phía Bắc đại lộ Võ Văn Kiệt, quận Bình Tân
UBND TP. HCM vừa công bố đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư phía Bắc đại lộ Võ Văn Kiệt, thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân với diện tích 273 ha và dân số dự kiến 5,4 vạn người...
Theo quy hoạch được duyệt, Khu dân cư phía Bắc đại lộ Võ Văn Kiệt có tổng diện tích khoảng 273 ha thuộc thuộc Khu IV - An Lạc gồm chức năng như: Khu dân cư hiện hữu cải tạo chỉnh trang và kết hợp xây dựng mới; Khu công trình dịch vụ công cộng; Khu công viên cây xanh.
Toàn khu vực quy hoạch được phân chia thành 6 khu ở và các chức năng cấp đô thị ngoài đơn vị ở (quy mô dân số 54.000 người) bao gồm:
- Đơn vị ở 1: Diện tích 44,259 ha, quy mô dân sổ 5.990 người;
- Đơn vị ở 2: Diện tích 40,682 ha, quy mô dân số 9.730 người;
- Đơn vị ở 3: Diện tích 73,513 ha, quy mô dân số 12.350 người;
- Đơn vị ở 4: Diện tích 37,7 ha, quy mô dân số 13.620 người;
- Đơn vị ở 5: Diện tích 51,256 ha, quy mô dân số 5.320 người;
- ơn vị ở 6: Diện tích 25,664 ha, quy mô dân số 6.990 người.
Đất giao thông đối ngoại - tính đến mạng lưới đường khu vục (từ đường khu vực trở lên): tổng diện tích 46,4806 ha, bao gồm toàn bộ tuyến đường Quốc lộ 1 lộ giới 120m; đường Kinh Dương Vương, đường Võ Văn Kiệt, đường Hồ Học Lãm, đường Vành đai Trong lộ giới 60m; đường An Dương Vương, đường Bùi Tư Toàn, đường Lê Cơ lộ giới 30m; đường Lý Chiêu Hoàng lộ giới 25m; đường D16 lộ giới 20m; đường Ven rạch 1, đường Ven rạch 2 lộ giới 18-22m.
Khu dân cư phía Bắc đại lộ Võ Văn Kiệt có phía Đông Bắc giáp đường An Dương Vương; Phía Đông Nam giáp đại lộ Võ Văn Kiệt; Phía Tây Bắc giáp Quốc lộ 1 và đường Kinh Dương Vương.
Được biết, Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư phía Bắc đại lộ Võ Văn Kiệt được UBND Thành phố duyệt vào tháng 6/2017 thế nhưng đến nay mới được duyệt quy hoạch 1/2000.
Làm rõ dấu hiệu sai phạm tại dự án Khu nhà ở cao cấp Phú Nhuận
Thanh tra TPHCM đang làm rõ dấu hiệu sai phạm tại dự án Khu nhà ở cao cấp Phú Nhuận, 243A Nguyễn Thượng Hiền, phường 6, quận Bình Thạnh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Phú Nhuận do Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư. Trước đó, người dân sinh sống bên cạnh dự án có đơn gửi UBND TPHCM phản ánh việc Sở Xây dựng thành phố cấp Giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư không phù hợp với quy hoạch 1/500 do cơ quan chức năng phê duyệt.
Dự án xây dựng không chừa khoảng lùi 2m theo quy hoạch chung đã khiến hệ thống thoát nước mưa và nước thải của khu dân cư nằm trong ranh quy hoạch của dự án chung cư.
Tại thời điểm chủ đầu tư xin phép xây dựng, một số hạng mục công trình gồm một khối chung cư cao tầng và 9 căn nhà liên kế đã xây dựng xong. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500 của các lô nhà ở và được UBND quận Bình Thạnh đồng ý./.
Bất động sản Hải Phòng tăng giá trị nhờ đòn bẩy hạ tầng
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2018 cho thấy, Hải Phòng thu hút 104 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới. Số vốn đầu tư đạt 644,664 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước, 45 dự án điều chỉnh tăng vốn với 1,859 tỷ USD. Khối FDI đóng góp hơn 50% thu ngân sách của thành phố trong nhóm doanh nghiệp.
Hải Phòng chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông tại khu vực phía Nam. Nhiều tuyến đường mới được đầu tư như trục giao thông đô thị Bắc Sơn-Nam Hải, Hồ Sen - Cầu Rào 2, cầu Bạch Đằng - Hạ Long, World Bank, Phạm Văn Đồng. Hệ thống giao thông này kết nối trục tam giác Hà Nội - Hải Phòng-Quảng Ninh, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, các khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn...
Hiện thành phố cảng là một trong số địa phương miền Bắc tập trung đông chuyên gia, kỹ sư nước ngoài đến làm việc. Nhu cầu căn hộ cao cấp cho thuê từ đó tăng nhanh. Chuyên gia đánh giá nhóm khách hàng này thúc đẩy sự phát triển phân khúc nhà ở tầm trung và cao cấp. Họ thường lựa chọn sống trong những khu đô thị tiêu chuẩn quốc tế, tiện ích đa dạng và gần trung tâm.
67 doanh nghiệp bất động sản tồn kho 170.319 tỉ đồng
Trong 6 tháng đầu năm 2019, hàng tồn kho của các doanh nghiệp BĐS niêm yết ghi nhận gần 170.319 tỉ đồng. Trong đó, 10 doanh nghiệp có hàng tồn kho cao nhất chiếm 73%.
Trong số 67 doanh nghiệp BĐS niêm yết, có đến 24 doanh nghiệp ghi nhận hàng tồn kho trên 1.000 tỉ đồng.
Tính riêng 10 doanh nghiệp có hàng tồn kho cao nhất đã chiếm gần 73% tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp, ứng với 124.164 tỉ đồng. Danh sách top 10 này không có sự thay đổi so với đầu kì mà chỉ thay đổi trật tự xếp hạng của các đơn vị.
Trước đó vào tháng 6/2019, trong văn bản văn bản phản ánh tình trạng hàng tồn kho của các doanh nghiệp BĐS, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã đề nghị các doanh nghiệp có giải pháp cơ cấu lại sản phẩm, tính toán giảm giá bán, thậm chí chấp nhận cả giải pháp bán lỗ để cắt lỗ, nhằm sớm xử lý hàng tồn kho của doanh nghiệp.
Đà Nẵng đầu tư cho hạ tầng, giới đầu tư nhiều nơi săn đất nền ven biển
Cuối tháng 8/2019, thành phố Đà Nẵng đã ký Hiệp định khởi động cho dự án “Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng” có tổng mức đầu tư 61.37 triệu USD. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022.
Từ nay đến năm 2022, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng. Cụ thể, dự án “Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng” nhằm xây dựng hoàn chỉnh khoảng 14.3km tuyến đường vành đai phía Tây 2, có bề rộng khoảng từ 44-48m, các cầu trên tuyến có bề rộng 38.5m và hạ tầng kỹ thuật khác gồm hệ thống thoát nước, cống kỹ thuật, cây xanh, điện chiếu sáng và di dời các công trình hạ tầng hiện trạng.
Đồng thời, xây dựng hoàn chỉnh khoảng 1.2km đường trải nhựa kết nối cầu Cổ Cò tới nút giao đường Trần Đại Nghĩa, đường Võ Chí Công và các hạ tầng kỹ thuật khác; thi công 100m cầu vắt ngang sông Cổ Cò và nối từ đường Võ Quý Huân tới đường Võ Chí Công.
Một trong những khu vực mà giới đầu tư rất chuộng là Tây Bắc Đà Nẵng – nơi có hạ tầng phát triển và đang trên đà hình thành những khu đô thị quy mô, định hướng một trung tâm mới sôi động của thành phố.
Theo mục tiêu năm 2030, tầm nhìn đến 2045, thành phố Đà Nẵng phát triển dựa trên 3 trụ cột kinh tế chính: Du lịch, Công nghiệp Công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, Tây Bắc quy hoạch tập trung cho công nghiệp, cảng biển, du lịch và Logistic. Tây Bắc cũng là nơi được đầu tư trở thành “thung lũng Silicon” – tựa như thung lũng công nghệ của Mỹ, với hàng loạt dự án công nghệ cao có sự đầu tư của các tập đoàn lớn đến từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan,…
Hiện, giá đất nền khu Tây Bắc khá mềm so với các khu vực khác của Đà Nẵng, nhưng sở hữu tiềm năng tăng giá cực lớn khi loạt công trình hạ tầng giao thông xây dựng và các bãi biển quy hoạch đi vào hoạt động. Trong tương lai, đây sẽ trở thành trung tâm kinh tế và du lịch mới của Đà Nẵng, thu hút khách du lịch tham quan và lưu trú.
44/73 dự án nhà ở chậm tiến độ ở Vĩnh Phúc
Theo Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, đến tháng 7/2019, toàn tỉnh có 73 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị, với diện tích trên 2.708 ha. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, toàn tỉnh có đến 44/73 dự án đô thị, nhà ở đang triển khai chậm tiến độ và chưa có dự án đầu tư hoàn chỉnh đạt 100% cả về quy mô, tiến độ theo chấp thuận đầu tư.
Trong 44 dự án chậm tiến độ, có 20 dự án đã hết hạn đầu tư, chủ đầu tư chưa làm hồ sơ xin gia hạn đầu tư gồm: Dự án khu đô thị mới chùa Hà Tiên, dự án khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai, dự án khu nhà ở đô thị Quảng Lợi, khu trung tâm văn hóa, thể thao và giải trí Vĩnh Phúc, khu nhà ở đô thị khu dân cư số 3, khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc, khu trung tâm thương mại Vĩnh Phúc, khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải, khu đô thị Hùng Vương – Tiền Châu...
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng nghiên cứu thực hiện thu hồi đối với 2 dự án gồm: Dự án khu đô thị mới Núi Bầu – khu vực 2, diện tích 29,3 ha, tại các phường Liên Bảo, Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên của Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Xuân Tiến Hòa Bình và dự án khu nhà ở Hoàng Vương, diện tích 14,42 ha, tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên do Công ty Cổ phần Đầu tư số 1 làm chủ đầu tư.
Phạt Alibaba 15 triệu đồng, buộc tháo dỡ bảng hiệu tại Biên Hòa
UBND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với công ty cho đặt bảng hiệu trái phép của Địa ốc Alibaba tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đồng thời yêu cầu tháo dỡ bảng hiệu trong vòng 10 ngày, nếu không sẽ bị cưỡng chế.
Theo đó, UBND TP. Biên Hòa ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 15 triệu đồng đối với Chi nhánh CTCP Địa ốc đầu tư và Phát triển 108 có địa chỉ tại số 96B Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa. Đây là địa chỉ mà CTCP Địa ốc Alibaba rầm rộ khai trương “văn phòng” trái phép ngày 8/9 vừa qua.
Đồng thời, chính quyền sở tại cũng yêu cầu công ty này tháo dỡ bảng hiệu trái phép của Alibaba, trong vòng 10 ngày nếu không tháo dỡ thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế.