Bản tin bất động sản hôm nay 21/11: Ngân hàng Nhà nước siết mạnh cho vay BĐS, áp dụng từ 2020

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 21/11 có những nội dung: TPHCM: “Sốt” đất về đến huyện Nhà Bè; Bất động sản Hà Nội tăng trưởng cao hơn TPHCM...

Ngân hàng Nhà nước siết mạnh cho vay bất động sản, áp dụng từ 2020

Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đáng chú ý, nhà điều hành tiếp tục siết mạnh với cho vay bất động sản khi chính thức đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn.

Cụ thể, từ 1/1/2020 - 30/9/2020 tỷ lệ này là 40%; 1/10/2020 - 30/9/2020 là 37%; 1/10/2021 - 30/9/2022 là 34% và kể từ 1/10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%.

Đặc biệt, bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

Các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện sau sẽ có hệ số rủi ro 50%.

Đối với các khoản phải đòi khác như đối với cá nhân phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120%, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1/1/2021.

Cũng theo thông tư trên, tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bệnh cạnh đó, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 phải gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước trước ngày 1/1/2020 nêu rõ lý do tiếp tục thực hiện tỷ lệ an toàn vốn và giải pháp, lộ trình để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41 chậm nhất kể từ ngày 1/1/2023.

Thông tư 22 này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020.

TPHCM: “Sốt” đất về đến huyện Nhà Bè

Tại TPHCM, phân khúc đất nền trở thành hàng hiếm của giới đầu tư bất động sản, thị trường ghi nhận rất ít dự án mới. Các nhà đầu tư hoặc chuyển qua phân khúc khác hoặc săn đất chênh lệch rẻ ở những khu vực tiềm năng.

Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành dự kiến thông xe vào năm 2020, trong đó nhiều khả năng đoạn Bến Lức – TP.HCM nơi nút giao xã Long Thới, Nhà Bè sẽ được thông xe trước. Còn tuyến đường Nguyễn Văn Tạo đã có quy hoạch lộ giới 60m, chiều rộng thực tế 16m, hiện UBND thành phố đã giao Ban Quản lý Khu Nam, UBND huyện Nhà Bè xây dựng kế hoạch mở rộng đã đổ dồn sự chú ý của giới đầu tư BĐS.

Ngoài ra, chuyển động mới nhất đến từ chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Phước Kiển - Nhơn Đức (còn có tên khác là Khu đô thị mới GS Nhà Bè Metrocity) tuyên bố sẽ khởi công xây dựng sau gần 10 năm “bất động”. Dự án này có tổng diện tích gần 350ha, do Công ty TNHH một thành viên phát triển GS Nhà Bè (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Đây là siêu dự án lớn thứ hai nằm trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (sau khu đô thị Phú Mỹ Hưng có diện tích 750ha) cũng đang rất thu hút nhà đầu tư quan tâm.

Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân dự báo với sự phát triển không ngừng của hạ tầng giao thông khu Nam Sài Gòn, vị trí đắc địa mà Nhà Bè đang có được biên độ tăng giá sẽ còn gia tăng trong tương lai. Sự xuất hiện của các nhà đầu tư săn đất, họ chấp nhận chênh lệch 1-2 triệu đồng/m2 để sở hữu một nền đất ở khu Nam làm của để dành, thậm chí sinh sống và làm việc là vì những tiềm năng họ nhìn thấy ở khu vực này đó là điều dễ hiểu”.

Theo số liệu khảo sát của Sàn giao dịch bất động sản Nguyên Long Real hiện toàn thị trường Nhà Bè có gần 20 dự án đất nền, nhà phố biệt thự, tuy vậy hầu hết đã bán. Hiện giá đất Nhà Bè cao nhất nằm trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển) đang giao dịch ở mức 60 -80 triệu đồng/m2. Một khu vực khác là trục đường Đào Tông Nguyên (xã Phú Xuân) giao dịch mức trên 51 triệu đồng/m2.

Hiện mức giao dịch tại xã Long Thới trên thị trường thứ cấp tại dự ghi nhận ở mức trên dưới 40 triệu đồng m2. Riêng đất lẻ mặt tiền đường Nguyễn Văn Tạo rơi vào tầm trên dưới 55 triệu đồng/m2. Trục đường Nguyễn Văn Tạo có dự án Long Savanna dự kiến công bố ra thị trường trong thời gian tới.

Theo báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý 3/2019 của DKRA Vietnam cũng đánh giá về nguồn cung đất nền, ghi nhận 3 dự án đất nền được ra mắt, cung cấp khoảng 473 nền, tăng 63% so với quý 2/2019.

Bất động sản Hà Nội tăng trưởng cao hơn TPHCM

Nguồn cung chào bán mới của thị trường căn hộ Hà Nội lần đầu tiên vượt TP.HCM trong nhiều năm trở lại đây, nhưng số căn bán được vẫn thấp hơn và giá sơ cấp cũng tăng thấp hơn.

Trong lịch sử phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, TP. HCM luôn được coi là thị trường dẫn dắt do là địa phương khởi phát cũng như dẫn đầu nguồn cung chào bán mới, khả năng hấp thụ, mức độ tăng giá và xu hướng thị trường.

Tuy nhiên, theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cao cấp của CBRE Việt Nam, trong 9 tháng năm 2019 lần đầu tiên thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận sự đảo chiều giữa hai thị trường bất động sản lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM.

Theo đó, nguồn cung chào bán mới ở thị trường Hà Nội là 26.800 căn hộ, tăng 37% so với cùng kỳ, trong khi TP. HCM là 21.619 căn và giảm 3% so với cùng kỳ.

Số lượng căn hộ bán được ở Hà Nội trong kỳ cũng tăng trưởng tới 21% và đạt 21.271 căn, trong khi TP. HCM chỉ tăng 2%. Tuy nhiên, tổng số lượng căn hộ bán được ở TP. HCM vẫn cao hơn, đạt 23.922 căn.

Bên cạnh đó, mức độ tăng giá căn hộ ở Hà Nội chậm hơn TPHCM. Trong khi TPHCM được ghi nhận mức giá sơ cấp tăng 15% so với cùng kỳ và đạt 1.851 USD/m2 thì Hà Nội chỉ tăng 3% và đạt 1.337 USD/m.

Bà Dung nhận định, những con số trên cho thấy các công ty bất động sản ở TP.HCM đang gặp khó khăn trong quá trình hoàn thành các thủ tục pháp lý cho dự án mới, dẫn đến nguồn cung giảm, giá tăng cao.

Lý giải sâu hơn về hiện tượng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đặt vấn đề: Vì sao cùng áp dụng một bộ luật mà thị trường ở hai địa phương lại có những biến số trái ngược nhau? Nguyên nhân nằm ở khâu nào?

Ông Châu dẫn chứng thêm, 9 tháng năm 2019, TPHCM ghi nhận không có dự án bất động sản nào được công nhận chủ đầu tư. Có 32 dự án được bán nhà ở hình thành trong tương lai với 19.000 căn nhưng có đến 31 dự án có quy mô vừa và nhỏ, duy nhất có một dự án lớn với 10.000 căn được bán ra ở khu Đông.

Những dự án căn hộ thuộc phân khúc trung cấp có giá từ 3 tỷ đồng trở xuống được bán hết 100%, và những dự án cao cấp có giá trên 3 tỷ đồng bán hết 70%.

Từ đó, ông Châu nhận định thị trường bất động sản TP. HCM gặp khó không phải do bản thân thị trường mà là do luật pháp và người thực thi luật pháp.

Chật vật bán chung cư ngoại ô

Chung cư thương mại hoặc nhà ở xã hội nằm ở vùng ven Hà Nội vài năm nay không bán hết hàng do hạ tầng và giá bán chưa hợp lý.

Mở bán lần đầu từ năm 2016, nhưng 448 căn hộ 2-3 phòng ngủ tại một dự án thuộc thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ đến nay vẫn chưa giao dịch hết dù được quảng cáo "giá bán hợp lý". Với giá bán từ 600 triệu đến 1,2 tỷ đồng, hỗ trợ trả góp 15 năm, chủ đầu tư còn tung chương trình chiết khấu xấp xỉ cả trăm triệu đồng, miễn lãi suất 1,5 năm... Tuy nhiên, dự án dù đã bàn giao xong vẫn còn tồn hàng trăm căn hộ.

Một môi giới đang bán hàng tại dự án này cho biết, khách hàng đa số chê xa, không thuận tiện giao thông. "Nhiều khách sau khi đi thăm dự án, cuối cùng lại quyết định mua đất thổ cư bởi với số tiền đó họ có nhiều lựa chọn", môi giới này nói.

Ở Hoài Đức, toà chung cư hơn 500 căn hộ thuộc tổ hợp một dự án mở bán hơn 2 năm cũng vẫn còn gần 200 căn.

Không chỉ các căn hộ thương mại, nhiều dự án nhà ở xã hội khu vực vùng ven cũng đối mặt với tình trạng ế ẩm tương tự.

Tương tự, dự án nhà xã hội tại Phú Lãm, Hà Đông bắt đầu mở bán cách đây 5 năm. Với giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2, mỗi căn hộ tại đây khoảng 670 triệu đồng, song đến nay vẫn còn hàng trăm căn hộ chưa bán hết.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ cho rằng, thị trường bất động sản Hà Nội đang có một nghịch lý là nhu cầu với căn hộ giá rẻ vẫn rất lớn, song một số dự án vẫn ế sau nhiều lần mở bán. Theo ông, tình trạng này xuất phát từ việc một số chủ đầu tư chưa tính toán kỹ về  phân khúc sản phẩm và giá bán. Ông cho rằng hiện quỹ đất thổ cư lớn nên mức giá bán như trên khó hấp dẫn được người mua.

TP Tân An - Tâm điểm thị trường bất động sản dịp cuối năm

Thị trường bất động sản TP Tân An được nhận định sẽ sôi động và là cơ hội vàng cho nhà đầu tư dịp cuối năm, nhất là khi đơn vị này vừa được công nhận là đô thị loại II từ tháng 9 năm nay. Ngoài những thế mạnh về phát triển kinh tế, hạ tầng đồng bộ, TP Tân An còn có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Trái ngược với TP HCM có thị trường BĐS trầm lắng, các tỉnh giáp ranh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai,… lại có thị trường khá sôi động, rất thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Đặc biệt, TP Tân An đang rất được chú ý, kể từ khi đơn vị này được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đô thị loại II vào tháng 9 vừa rồi.

Theo khảo sát thị trường cho thấy, hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP Tân An gần đây diễn ra rất sôi động. Các chuyên gia BĐS nhận định, giá đất ở (đất thổ cư) đang có đà tăng mạnh do TP Tân An đang thực hiện nhiều công trình trọng điểm như đường Vành đai, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, bờ kè công viên kênh phường 3… cùng với đó là các tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp phục vụ phát triển đô thị loại 2. Hiện giá đất nền ở các địa bàn các phường 3, 4, 5, 6, hay các xã ven đều tăng theo thời gian. Vị trí nền càng gần trung tâm và đường càng lớn thì giá càng cao.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, TP Tân An được đầu tư hạ tầng bài bản, là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ của tỉnh Long An nhưng hiện giá đất tại TP này vẫn còn khá mềm so với mặt bằng chung các TP đang phát triển trong cả nước. Tiềm năng phát triển của TP Tân An còn rất nhiều, nhất là trong thời gian tới khi các tập đoàn lớn triển khai thêm nhiều dự án công nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ, dự án BĐS có quy mô lớn. Do đó, thời điểm hiện tại chính là cơ hội vàng cho nhà đầu tư sở hữu BĐS tại TP Tân An.

Có thể thấy rằng, thị trường BĐS TP Tân An hiện nay đang được các nhà đầu tư thứ cấp, người dân rất quan tâm tới phân khúc nhà phố, biệt thự xây sẵn tại các khu đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh, nhất là tại các dự án thân thiện với môi trường.

Theo dự báo của các chuyên gia BĐS, năm 2020 sẽ là năm bùng nổ của thị trường BĐS TP Tân An, do đó để đón đầu sự phát triển mạnh mẽ này, các nhà đầu tư nên lựa chọn thời điểm phù hợp đầu tư để có thể thu được lợi nhuận như mong muốn. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng nên lựa chọn các dự án có pháp lý rõ ràng, hạ tầng hoàn thiện và nhất là có đầy đủ các tiện ích công cộng…

Phát Đạt chi 639 tỷ đồng thâu tóm quỹ đất 3,73 ha tại Bình Dương

Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR) đã chi 639 tỷ đồng, để sở hữu quỹ đất 3,73 ha nằm trên mặt tiền Quốc lộ 13, Bình Dương.

Khu đất nằm ngay trên con đường huyết mạch Quốc lộ 13 từ T.P HCM đi Bình Dương với khoảng 30 phút chạy xe, cách khu công nghiệp VSIP 1km, khu công nghiệp Việt Hương 3 km, trung tâm thương mại Aeon Mall 1,8 km và bệnh viện Quốc tế Bình Dương 1,5km.

Theo thông tin mới nhất, Phát Đạt sẽ phát triển dự án chung cư 25 tầng với dòng sản phẩm trung cấp tại đây. Dự án có mật độ xây dựng 65% và tổng mức đầu tư dự kiến là 5.800 tỷ đồng. Thời gian Phát Đạt dự kiến triển khai bán hàng vào cuối quý II/2020. Đặc biệt, thời gian dự kiến bàn giao căn hộ chỉ trong vòng hơn hai năm tức vào cuối quý II/2022.

Bắt tạm giam nữ giám đốc Công ty Hoàng Kim Land

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã bắt tạm giam giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sáng nay 21-11, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online xác nhận Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã bắt tạm giam bà Trần Thị Hồng Hạnh (49 tuổi, giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra ban đầu, bà Hạnh đã ký kết các hợp đồng nhằm thỏa thuận chuyển nhượng đất nền dự án không có thật và Công ty Hoàng Kim Land không được cấp phép là chủ đầu tư.

Ngoài ra, bà Hạnh còn thỏa thuận chuyển nhượng liên quan 4 căn nhà tại phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TPHCM). Cơ quan điều tra xác định những căn nhà này xây dựng sai phép.

Hiện vụ án đang được điều tra mở rộng. Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đề nghị các nạn nhân của Công ty Hoàng Kim Land đến trình báo tại Phòng CSĐT Công an TP.HCM về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP.HCM tại địa chỉ số 674 Ba Tháng Hai (P.14, Q.10) để được bảo vệ quyền lợi.

“Bộ sưu tập” Bất động sản tại Novaland Expo 2019 - Cơ hội lớn cho nhà đầu tư - Triển lãm Bất động sản Novaland Expo tháng 12 (từ ngày 4-8/12/2019) không chỉ mang đến bức tranh tổng thể thị trường trong nhiều lĩnh vực mà còn là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
Điểm nổi bật tại triển lãm BĐS Novaland Expo tháng 12 sắp tới?- Triển lãm Bất động sản Novaland Expo từ 4-8/12/2019 hứa hẹn giá trị lâu dài, bền vững từ chuỗi DA BĐS và hệ sinh thái dịch vụ, nâng tầm uy tín với sự tham gia của hơn 40 đối tác chiến ...
Bình luận