Chủ tịch TP HCM: Không nhân nhượng với 110 biệt thự vi phạm ở quận 7
Lãnh đạo chính quyền TP HCM cho biết 110 căn biệt thự trái phép tại quận 7 còn rất nhiều vấn đề và TP sẽ không nhân nhượng đối với các trường hợp vi phạm xây dựng.
Ngày 22/10, tại phiên họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội thành phố 3 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt 1 số dự án thời gian qua truyền thông và báo chí quan tâm.
Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định quan điểm của UBND TP là sẽ xử lý triệt để các vi phạm xây dựng khi phát hiện. Lấy ví dụ về dự án 110 căn biệt thự tại quận 7, Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh: "Dự án 110 căn biệt thự này còn rất nhiều vấn đề".
Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục thành lập đoàn thanh tra do Thanh tra Sở Xây dựng làm tổ trưởng, tiếp tục kiểm tra và báo cáo lại kết quả. Sau khi có báo cáo kết quả thanh tra, ông Phong cho biết sẽ chỉ đạo các sở, ngành xem xét, xử lý nghiêm túc.
Ngoài dự án trên, người đứng đầu chính quyền TPHCM phân tích những bất cập trong xử lý trách nhiệm đối với cơ quan công quyền liên quan đến hàng loạt sai phạm đất đai tại huyện Bình Chánh.
Ông phân tích vụ việc trên mới dừng lại ở mức độ xử lý cán bộ cấp dưới, còn trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện, Thường vụ Huyện ủy còn chưa được làm rõ.
Sau những lần thanh tra, kiểm tra của UBND TP, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Thường vụ Thành ủy, sắp tới, một cuộc thanh tra, kiểm tra toàn diện khác sẽ được thực hiện.
Dự án 110 biệt thự ở phường Phú Mỹ, quận 7 đã thi công gần xong phần thô khi chưa được UBND TP HCM giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất là một trong 2 dự án đang triển khai của CTCP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát.
Doanh nghiệp này hiện có 3 dự án đã hoàn thành và đều nằm ở khu vực Nam Sài Gòn và còn 8 dự án chuẩn bị triển khai.
Sau khi rà soát lại các văn bản pháp lý, UBND quận 7 phát hiện 110 căn biệt thuộc của dự án Green Star Sky Garden của chủ đầu tư Hưng Lộc Phát chưa được UBND TP HCM ra quyết định giao đất, chưa hoàn tất việc chuyển mục đích sử dụng.
Ngày 18/6, UBND quận 7 (TP HCM) đã lập biên bản đình chỉ thi công dự án Green Star Sky Garden của chủ đầu tư Hưng Lộc Phát. UBND quận 7 đã yêu cầu công ty Hưng Lộc Phát nhanh chóng hoàn thiện đầy đủ các giấy tờ, văn bản pháp lý trong thời hạn 60 ngày.
TPHCM: Nhiều dự án nhà ở xã hội trên đất thương mại đang chậm tiến độ
Báo cáo với Bộ Xây dựng về tình hình cũng như hiệu quả sử dụng quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện một số chủ đầu tư chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chậm xây dựng hạ tầng kỹ thuật dẫn đến việc chưa triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng dưới 10 ha, hầu hết chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền (20% tiền sử dụng đất). Về nguồn vốn dài hạn hỗ trợ các chủ đầu tư vay để thực hiện dự án nhà ở xã hội, các đối tượng được hưởng chính sách vay mua nhà chưa ổn định; nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng chưa được bố trí.
Để việc phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân, Sở Xây dựng TP. HCM kiến nghị ưu tiên sử dụng các quỹ đất Nhà nước trực tiếp quản lý (do doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng sản xuất tại các quận huyện, thuộc diện phải di dời vào khu công nghiệp), quỹ đất do các cơ quan Nhà nước hiện đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại, để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước, đảm bảo đúng quy định của Nghị định 167/2017 về sắp xếp, xử lý tài sản công.
Về nguồn vốn, TPHCM đề xuất phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền (20% tiền sử dụng đất) để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, xem xét cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ triển khai việc cấp bù lãi suất nhằm thực hiện sớm chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở, cũng như chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện cho vay ưu đãi.
Ngoài ra, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất công; cải cách hành chính các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
NHNN kiến nghị bổ sung vốn cho các dự án nhà ở xã hội
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội...
Thời gian qua, NHNN đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn về cho vay, chỉ định 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tham gia chương trình, quyết định về lãi suất cho vay.
Cùng với đó, NHNN cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ - ngành hữu quan xây dựng, trình Chính phủ về việc cấp nguồn vốn ngân sách thực hiện cho vay nhà ở xã hội, văn bản hướng dẫn về cấp bù chênh lệch lãi suất.
Các tổ chức tín dụng đã tự huy động vốn, được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng theo chỉ định chưa được bố trí nguồn ngân sách cấp bù chênh lệch lãi suất giai đoạn 2016 - 2020.
Về phía ngân hàng chính sách xã hội, theo quy định, ngân sách Nhà nước cấp 50% vốn và 50% còn lại là vốn tự huy động. Đến nay, ngân sách đã cấp đủ 1.163 tỷ đồng cho ngân hàng chính sách xã hội (giai đoạn 2016 - 2020).
Đến thời điểm 31/8/2019, dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 tại ngân hàng chính sách xã hội đạt 1.774 tỷ đồng với 5.452 khách hàng còn dư nợ trên 61 tỉnh, thành.
Dù vậy, theo NHNN, hiện ngân sách Nhà nước mới bố trí nguồn vốn cho vay đối với ngân hàng chính sách xã hội đến hết năm 2019, sau giai đoạn này vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để tiếp tục cho vay.
Do đó, để bảo đảm hoạt động cho vay nhà ở xã hội được triển khai có hiệu quả, NHNN đề nghị Quốc hội chấp thuận bố trí nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất cho các tổ chức tín dụng và bổ sung nguồn vốn cho ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện cho vay theo Nghị định 100.
Xử lý xây dựng trái phép, “trên nóng dưới lạnh”
Mặc dù đã có nhiều hội nghị nhằm lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn TP. HCM, nhưng tại một số quận, huyện vùng ven, công trình sai phép vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp trên địa bàn TP. HCM, nhất là tại các quận, huyện vùng ven như quận 12, quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh…
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, vi phạm trật tự xây dựng phần lớn là lỗi xây dựng không phép, chiếm 51,2% trên tổng số công trình vi phạm trên địa bàn Thành phố. Trong đó, đủ điều kiện cấp phép chiếm tỷ lệ 26,5% trên tổng số công trình xây dựng không phép; không đủ điều kiện cấp phép chiếm tỷ lệ 73,5% trên tổng số công trình xây dựng không phép...
Thống kê của UBND quận Thủ Đức cho thấy, số trường hợp vi phạm về xây dựng không phép từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019 lần lượt là 167 - 80 - 62 - 132, xây dựng sai phép lần lượt là 147 - 75 - 88 - 64 trường hợp.
Giá chung cư tại TPHCM cao hơn Hà Nội gần 28%
Quý III/2019, mức giá rao bán trung bình tại Hà Nội vào khoảng 29 triệu đồng/m2, trong khi tại TP.HCM ghi nhận đạt mức 37 triệu đồng/m2.
Theo báo cáo, lượng tin đăng trên Batdongsan.com.vn trong quý III tăng nhẹ 5% so với quý II, do nguồn cung mới ở các thị trường chính như Hà Nội và TP.HCM khan hiếm. So với cùng kỳ 2018, 9 tháng đầu năm 2019 chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ lượng tin đăng ở phân khúc đất nền, nhà riêng bên cạnh lượng tin đăng chung cư.
Mặc dù xu hướng nguồn cung sơ cấp cũng như lượng tin đăng tăng lên ít trong quý III nhưng mức độ quan tâm tăng đáng kể (17%) và chủ yếu là phân khúc chung cư (tăng 36%), và bất động sản nghỉ dưỡng ven biển. Điều này thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư, người mua nhà là rất lớn đối với 2 phân khúc này.
Riêng tại TPHCM đã chứng kiến sự tăng nhẹ về lượng tin đăng tại hầu hết các loại hình bất động sản và các quận chính. Đối với đất nền dự án, lượng tin đăng giảm khoảng 10%, chủ yếu tại khu vực quận 2, quận 9, huyện Bình Chánh. Lượng tin đăng phân khúc chung cư có sự tăng nhẹ, trong đó phân khúc cao cấp có lượng tin đăng tăng nhiều nhất từ quý II đến quý III/2019. Điều này được giải thích do mức độ quan tâm tăng đáng kể đến từ cả các dự án mới ra bình ở mắt và các dự án đã bàn giao ở quận 7, quận 8, quận Bình Thạnh.
Chỉ số giá tại Hà Nội và TPHCM không có quá nhiều biến động trong quý III, Hà Nội tăng 3%, TP.HCM tăng 1%, mức tăng này tương đương với tăng trưởng của năm ngoái ở cả 2 phân khúc chung cư và nhà riêng.
So với thị trường BĐS Hà Nội, nhìn chung thị trường chung cư TP.HCM có giá rao bán và tốc độ tăng giá cao hơn đáng kể. Tại thời điểm quý III/2019, mức giá rao bán trung bình tại Hà Nội vào khoảng 29 triệu đồng/m2 với tốc độ tăng giá đạt 3,9% so với cùng kỳ 2018. Trong khi tại TP.HCM, mức giá rao bán trung bình ghi nhận đạt mức 37 triệu đồng/m2, có tốc độ tăng giá lên đến 11,8% so với quý III/2018.
Nhà đầu tư tìm phân khúc địa ốc tiềm năng dịp cuối năm
Trải qua quý 3 trầm lắng, giới đầu tư đang trông đợi vào phân khúc hứa hẹn sôi động mùa cuối năm như bất động sản du lịch đa năng với đầu tư - tích lũy - khai thác.
Kết thúc quý 3, báo cáo của các đơn vị nghiên cứu cho thấy bức tranh chung về sự sụt giảm nguồn cung ở hầu hết phân khúc tại nhiều thị trường trên cả nước. Đáng chú ý, nguồn cung, lượng giao dịch căn hộ chung cư tại Hà Nội đều giảm mạnh.
Còn theo báo cáo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý 3, các thị trường đáng chú ý khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam… tiếp tục có dấu hiệu suy giảm bởi các vấn đề về chính sách và vốn tín dụng, lãi suất ngân hàng. Một số thị trường mới như Hòa Bình, Yên Bái, Lâm Đồng giành được nhiều sự quan tâm nhưng lại chưa có sản phẩm ra hàng chính thức.
Để lại “nốt trầm” quý 3, giai đoạn 3 tháng cuối năm nhận nhiều kỳ vọng tích cực. Theo đó, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, giao dịch tại các tỉnh Đông Bắc Bộ như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên… khởi sắc hơn quý III với nhu cầu đầu tư mạnh dịp cuối năm của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Riêng thị trường Quảng Ninh, trong quý 3 có gần 300 sản phẩm mới đến từ 2 dự án được chào bán ra thị trường, tỷ lệ hấp thụ gần 50%. Lượng giao dịch trong quý đến từ các dự án chào bán trong các quý trước đạt 1.246 sản phẩm. Thị trường Quảng Ninh quý 4 được dự báo có diễn biến sôi động với dòng tiền đầu tư tiếp tục dồn về bất động sản du lịch.
Đi sâu vào BĐS du lịch - nghỉ dưỡng, sau thời gian thăng trầm của condotel và câu chuyện sở hữu, phân khúc này đang mở ra những xu hướng mới. Trong đó, nhóm BĐS đa năng có thể đầu tư - tích lũy - khai thác với dòng sản phẩm điển hình là shophouse tại các đô thị du lịch, đang được quan tâm lớn bởi nhà đầu tư phía Bắc.
Tham chiếu với câu chuyện dòng sản phẩm để đầu tư - tích lũy - khai thác với triển vọng hấp dẫn của du lịch Việt Nam, sản phẩm shophouse tại các tâm điểm du lịch như Đà Nẵng, Hạ Long, Phú Quốc… đang có nhiều lợi thế.
Quảng Ninh chậm công bố kế hoạch chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất
Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) vừa công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư Dự án Hạng mục dịch vụ và sân thể thao ngoài trời thuộc Trung tâm Văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Đây là dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng chi phí thực hiện dự kiến là 32,651 tỷ đồng; thời gian thi công công trình là 12 tháng, thời gian kinh doanh hoàn vốn là 26 năm.
Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án nêu trên đã được UBND huyện Tiên Yên ký ban hành ngày 12/8/2019. Theo đó, trong quý III/2019, UBND huyện Tiên Yên đã giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tiên Yên làm bên mời thầu tiến hành chỉ định thầu nhà đầu tư thực hiện Dự án theo phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ. Đến nay (quý IV/2019), sau hơn 2 tháng kể từ ngày phê duyệt, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tiên Yên mới công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án.
Đồng Nai ban hành qui định mới về tách thửa: TP Biên Hòa, Long Khánh dự kiến tối thiểu 60 m2
Đối với đất ở tại TP Biên Hòa, các phường TP Long Khánh, thị trấn, diện tích tối thiểu để tách thửa là 60 m2. Những xã của TP Long Khánh và các xã của các huyện, diện tích tách thửa tối thiểu là 80 m2…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh vừa chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương lấy ý kiến dự thảo qui định về diện tích đất tối thiểu để tách thửa đối với từng loại đất.
Theo dự thảo, thửa đất được phép tách thửa phải đảm bảo các điều kiện như: Thửa đất được cấp chứng nhận quyền sở hữu đất, không có tranh chấp, không thuộc khu vực bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hóa.
Bên cạnh đó, thửa đất được phép tách thửa phải chưa có thông báo thu hồi đất, đảm bảo diện tích, không cho phép tách đất nông nghiệp thành nhiều thửa để chuyển quyền sử dụng đất cho cùng một cá nhân, hộ gia đình...
Đối với đất ở tại TP Biên Hòa, các phường TP Long Khánh, thị trấn, diện tích tối thiểu để tách thửa là 60 m2. Còn những xã của TP Long Khánh và các xã của các huyện, diện tích tách thửa tối thiểu là 80 m2.
Kích thước các thửa đất hình thành sau khi tách thửa phải đảm bảo chiều rộng từ 4 m trở lên đối với khu vực TP Biên Hòa, các phường Long Khánh và thị trấn. Các khu vực còn lại chiều rộng thửa đất sau khi tách nhỏ nhất là 5 m.
Trường hợp đất nông nghiệp muốn tách thửa phải đảm bảo diện tích nhỏ nhất là 500 m đối với TP Biên Hòa, các phường TP Long Khánh và các thị trấn. Những nơi còn lại diện tích tối thiểu tách thửa là 1.000 m2.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường tổng hợp các ý kiến hoàn thiện dự thảo để trình UBND tỉnh phê duyệt và ban hành.
Hạ tầng dẫn vốn địa ốc về Nam Sài Gòn
Với hàng loạt cơ sở hạ tầng đột phá, thị trường bất động sản phía Nam Sài Gòn đang thu hút mạnh nhà đầu tư trong giai đoạn 2019 - 2020...
Ghi nhận, mức giá đất nền, nhà phố tại khu vực này hiện đã tăng khoảng 18 - 22%, trong khi giá căn hộ tăng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, giá đất nền khu Nam được dự báo sẽ còn tăng mạnh khi các dự án kết nối hạ tầng giao thông được triển khai. Với hạt nhân là khu đô thị quốc tế Phú Mỹ Hưng, các khu đô thị vệ tinh xuất hiện ngày càng nhiều từ phía Nam đổ xuống các địa phận giáp ranh TP. HCM như Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa…của Long An.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, theo đề án Quy hoạch vùng TP. HCM thì 3 huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa của Long An sẽ là đô thị vệ tinh của TP. HCM.
Hưởng lợi từ quy hoạch đó, bất động sản 3 huyện này luôn được săn đón trong thời gian qua và tăng giá liên tục. Đơn cử, trong năm 2016, giá đất Cần Giuộc trung bình từ 8 - 9 triệu đồng/m2. Năm 2017, giá đất đã tăng lên mức 10 - 12 triệu đồng/m2.
Đến năm 2018, giá đất tiếp tục tăng vọt lên 16 - 18 triệu đồng/m2. Ở thời điểm hiện tại, giá đất tại Cần Giuộc đang dao động ở mức 18 - 25 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 năm.
Thực tế so với các vùng khác, khu vực phía Nam Sài Gòn tuy đi sau nhưng đang trở thành tâm điểm đầu tư nhờ vào chính sách phát triển hạ tầng đồng bộ. Trong những năm trở lại đây, khu vực này đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư vào giao thông, siết chặt kết nối các tuyến theo trục dọc.
Trong khi thị trường bất động sản TP. HCM đang “cầu vượt quá cung” thì tại các khu vực giáp ranh, nguồn cung vẫn dồi dào và hứa hẹn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Nếu so với các khu đô thị vùng ven khác, mặt bằng giá nhà đất tại khu vực phía Nam Sài Gòn vẫn còn khá mềm, phù hợp với cả nhu cầu ở thực lẫn an cư. Cùng với các cú hích về hạ tầng giao thông, biên độ tăng giá và tỷ suất sinh lợi đầu tư vào bất động sản đang tiếp tục nâng cao.
Cụ thể, trong năm 2018, khu vực phía Nam TP. HCM tiếp nhận kinh phí đầu tư lên đến hơn 5 tỷ USD để phát triển loạt dự án như: Hệ thống hầm chui - cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát lên 30m; mở rộng đường trục Bắc - Nam đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh; mở rộng quốc lộ 50 thành 6 làn xe và dự án đường song hành quốc lộ 50; Cầu Thủ Thiêm 4 nối Q7 - Q2 vừa được chính thức khởi động; dự án tuyến Metro số 4 (Thạnh Xuân - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước) có kinh phí đầu tư hơn 97.000 tỷ đồng…
Đến nay, khu vực phía Nam Sài Gòn đã hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030 như quy hoạch tổng thể phát triển giao thông, quy hoạch điểm đấu nối các tuyến quốc lộ N1, N2. Đồng thời, các tuyến quốc lộ 50 và quốc lộ 62 đã được nâng cấp và đi vào hoạt động hiệu quả.
Hà Nội siết chặt quản lý các cụm công nghiệp đang hoạt động
UBND TP. Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý các cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương nghiên cứu, hoàn thiện, báo cáo UBND Thành phố ban hành “Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn thành phố”, làm cơ sở cho việc triển khai công tác quản lý các CCN. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các sở, ngành liên quan xây dựng chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo nhằm giải quyết, khắc phục những tồn tại, vướng mắc, đảm bảo hoạt động tại các CCN tuân thủ theo đúng quy định của Nhà nước và Thành phố.
Công an thành phố tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH); tuyên truyền phổ biến kiến thức, quy định pháp luật tại các CCN, xử lý nghiêm những vi phạm (nếu có) theo quy định. Đặc biệt, rà soát, yêu cầu chủ đầu tư các CCN trên địa bàn Thành phố tổ chức thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo đúng quy định; kiên quyết xử lý vi phạm hành chính, tạm đình chỉ theo quy định đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện về PCCC&CNCH, hoạt động sai phép, không phép, có người lưu trú qua đêm….
Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, xử lý các vi phạm theo quy định về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, quản lý và sử dụng đất tại các CCN. Phối hợp với UBND cấp huyện, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan hướng dẫn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, các đơn vị sản xuất trong CCN thực hiện các quy định của pháp luật và của Thành phố về xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại...
Vi phạm xây dựng ở Bình Tân vẫn tiếp diễn
Hàng chục công trình xây dựng không phép, sai quy hoạch vẫn đua nhau mọc lên trên địa bàn quận Bình Tân. Hầu hết các công trình vi phạm này được chính quyền địa phương, ngành chức năng lập biên bản, nhưng việc xử lý thì không rõ ràng.
Trong khi TP. HCM đang yêu cầu cấp ủy, chính quyền các quận huyện, phường xã thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU của Thành ủy TP. HCM để lập lại trật tự xây dựng thì tại quận Bình Tân, hàng chục công trình xây dựng không phép, sai quy hoạch vẫn đua nhau mọc lên. Đáng chú ý, hầu hết các công trình vi phạm này được chính quyền địa phương, ngành chức năng lập biên bản, nhưng việc xử lý thì không rõ ràng.