Bắt đối tượng cung cấp tài khoản, tiếp tay băng nhóm lừa đảo

(VOH) - Chiều 9/8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM cho biết đã bắt khẩn cấp Lục Minh Hải (ngụ quận Bình Tân) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo lời khai nhận ban đầu, Hải quen một đối tượng người Trung Quốc tên Li Mingjun (31 tuổi, đã xuất cảnh rời Việt Nam về Trung Quốc vào cuối tháng 6/2016).

Khi nghe Hải than thở cuộc sống khó khăn, Li Mingjun đề nghị Hải cung cấp các tài khoản thẻ có đăng ký Internet Banking, SMS Banking... với giá 1,5 triệu đồng/tài khoản. Đã xem trên tivi, báo chí, mạng Internet và nhận tin nhắn thông báo từ tổng đài điện thoại nên Hải biết những thẻ này sẽ được các nhóm đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc dùng để nhận, chuyển tiền từ các hoạt động lừa đảo.

Dù vậy, vì đang cần tiền nên Hải vẫn đồng ý. Tổng cộng Hải đã cung cấp 4 tài khoản thẻ cho Li Mingjun, nhận 6 triệu đồng. Ngoài ra, Hải còn nhờ Nguyễn Thị Kim Dung (không rõ lai lịch) mở 2 tài khoản thẻ tại Ngân hàng ACB và Ngân hàng Sacombank - chi nhánh Cần Thơ giao lại cho Hải để bán cho Li Mingjun.

Tang vật thu giữ

Tháng 7/2016, các đối tượng trong băng nhóm lừa đảo đã gọi điện thoại cho bà H.T.P.H. (ngụ quận 4) và bà N.T.N. (ngụ quận Tân Bình) giả danh Công an TP Hà Nội, đe dọa hai người bị hại có liên quan đến vụ án đang được cơ quan công an điều tra, yêu cầu phải chuyển tiền vào hai tài khoản đứng tên Lục Minh Hải mở tại Ngân hàng Sacombank - Phòng giao dịch Bà Hom TPHCM và Ngân hàng ACB - chi nhánh Phú Lâm để giám định nguồn gốc tiền. Tin lời, bà H., bà N. đã chuyển 890 triệu đồng vào hai tài khoản này và bị băng nhóm lừa đảo rút ra chiếm đoạt.

Ngoài ra, theo yêu cầu, bà N. còn chuyển gần 2,3 tỷ đồng vào hai tài khoản đứng tên người khác mở tại Ngân hàng Vietcombank - Phòng giao dịch chi nhánh Hà Nội và Ngân hàng Sacombank - chi nhánh Lạng Sơn.

Lục Minh Hải tại cơ quan điều tra.

Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM, hình thức lừa đảo bằng cách giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát gọi điện thoại cho người bị hại, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra sau một thời gian tạm lắng đang có dấu hiệu quay trở lại với cách thức đe dọa táo tợn hơn, đồng thời các đối tượng lừa đảo nghiên cứu kỹ thông tin từ nhiều nguồn để có thể thuyết phục người bị hại. Chẳng hạn trong vụ lừa đảo bà H., các đối tượng lừa đảo hù dọa rằng tài khoản của bà mở tại Ngân hàng ACB đã bị phong tỏa do liên quan đến "Đại án bầu Kiên", yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản theo sự chỉ định để xác minh.Căng thẳng vì bị đe dọa, lại biết về sự phức tạp của "Đại án bầu Kiên" qua báo chí nên bà H. đã chuyển tiền.

Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua bán, cho mượn Giấy CMND, thẻ ATM để các cá nhân, tổ chức sử dụng thực hiện những hành vi phi pháp, nếu bị phát hiện sẽ bị xử l‎‎ý theo quy định của pháp luật.