Đặc xá năm 2011: Ngày mới

(VOH) - Thực hiện quyết định của Chủ tịch nước về Đặc xá cho những người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp Quốc khánh 2-9, các trại giam ở các tỉnh thành phía Nam đều tổ chức lễ Đặc xá cho các phạm nhân được trở về trước lễ Quốc khánh 2-9.

Trao quyết định đặc xá tha tù cho các phạm nhân. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp này, Công an thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Đặc xá cho gần 300 phạm nhân đủ điều kiện, đồng thời tiếp nhận gần 400 phạm nhân được đặc xá từ các trại giam khác trong cả nước. Đặc xá là một chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự khoan hồng đối với những người từng lầm lỗi biết ăn năn hối cải và quyết tâm làm lại cuộc đời mới.

Ngay từ sớm ngày 30 tháng 8 Tại trại giam Z30D ở Bình Thuận đã có rất nhiều thân nhân của các phạm nhân đến để đón người thân trở về. Con đường vào trại được trang hoàng cờ Tổ quốc, băng rôn như một ngày hội lớn. Đợt đặc xá này, trại Z30D có 412 phạm nhân, trong đó có 92 phạm nhân nữ có quá trình cải tạo tốt, đủ tiêu chuẩn được về trước thời hạn. Ngày về hôm nay, đối với những phạm nhân được đặc xá là một bước ngoặt quan trọng. Xen lẫn những niềm vui là những ước vọng, khát khao làm lại cuộc đời. Chị Nguyễn thị Nho ở phường 11 quận 6 vốn là công nhân về hưu, do thiếu hiểu biết chị đã mở Karaoke cho tổ chức sử dụng ma túy. Lãnh án 11 năm tù, sau những năm cải tạo tốt chị được Đặc xá về trước thời hạn hơn 5 năm. Tâm sự trong niềm vui được trở về với cộng đồng, chị Nho cho biết:





Tại trại tạm giam Bố Lá của Công an Tp.HCM, chúng tôi gặp nữ phạm nhân trẻ tuổi Vũ Thị Thanh trước ngày chị được đặc xá ít hôm. Bên giàn máy may, đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt của người phụ nữ trẻ từng lầm lỗi với tội danh môi giới mại dâm, chúng tôi thấy chị làm việc không khác một thợ may chuyên nghiệp. Đối với chị, bản án 3 năm tù là một bài học đắt giá cho hành vi của mình. Cùng với 70 phạm nhân khác của trại đủ điều kiện đặc xá trong dịp lễ 2-9 năm nay, Thủy được tha về trước 6 tháng là kết quả của sự nỗ lực trong quá trình cải tạo. Khi chúng tôi hỏi về định hướng tương lai, Thủy cười bẽn lẽn và cho biết khi ra tù sẽ xin làm việc ở một xưởng may nào đó, mà trong lòng rất băn khoăn là liệu người ta có nhận mình làm việc không. Vui, buồn lẫn lộn là cảm xúc thật của những phạm nhân tại đây, bởi không phải ai cũng có sẵn một cuộc sống thuận lợi đang chờ đợi nơi bên ngoài song sắt trại giam.


Buổi lễ công bố quyết định Đặc xá tại trại tạm giam Chí Hòa, Công an thành phố tổ chức vào sáng 30/8 có 171 phạm nhân được trao quyết định đặc xá. Anh Nguyễn Việt Sáng, phạm nhân từng bị kết án 4 năm tù về tội danh buôn lậu, làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, lúc này đây anh đã thật tâm hối cải về lỗi lầm của mình. Tiếp xúc với anh, chúng tôi nhận thấy, sau song sắt trại giam, những người lầm lỗi không phải chỉ trả giá cho hành vi sai trái của mình, mà nơi đây còn ươm những mầm thiện xanh tươi nơi mỗi con người. Được về trước thời hạn 1,5 năm, giây phút cầm trên tay tờ quyết định đặc xá khiến anh Nguyễn Việt Sáng rưng rưng:



Buổi lễ sáng hôm ấy nhiều người quan tâm đến một phạm nhân lớn tuổi. Ông là Phạm Văn Phai, 65 tuổi, từng bị kết án 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi đang công tác tại văn phòng tư vấn pháp luật của quận Phú Nhuận. Trước giờ được đoàn tụ với gia đình, điều mà ông rút ra được sau quá trình cải tạo tại trại giam là hãy sống và làm việc theo pháp luật để không phải mất đi những năm tháng quý giá của cuộc đời. Ông Phạm Văn Phai bày tỏ:





Tại buổi lễ công bố quyết định đặc xá tại trại giam Z30D sáng 30/8, phát biểu với các phạm nhân trước khi trở về gia đình, thiếu tướng Nguyễn Hoàng Hà, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp đã nêu rõ ý nghĩa của Đặc xá là thể hiện sự khoan hồng, tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, qua đó cũng nói lên sự thưởng phạt công minh của pháp luật. Về những định hướng cho con đường hướng thiện của những phạm nhân khi trở về với xã hội, với gia đình, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án Hình sự và hỗ trợ tư pháp đã nêu rõ :




Nắng mới trải vàng trên lối đi. Từ đây, trang đời mới sẽ được mở ra với các phạm nhân được nhận sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Lối đi ấy có được ươm mầm thiện hay không là tùy thuộc vào bản lĩnh và sự phấn đấu của mỗi người.. Song, để biến mong ước hoàn lương của họ thành hiện thực, chắc chắn họ rất cần sự bao dung, giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như mọi người trong xã hội. Khi vào trại giam họ là người có tội, nhưng khi đã chấp hành xong bản án, họ cũng là một công dân bình thường như bao con người khác. Nếu được xã hội mở rộng vòng tay bao dung, nhân ái đón nhận, họ sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời, để rồi cuộc đời họ khi trở về với cộng đồng cũng vì thế mà nhẹ nhàng, thanh thản và giầu niềm tin, phấn đấu cho tương lai phía trước./.