Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý một số dự luật

(VOH) - Sáng 7/10, tại hội thảo góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự do Ðoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức, nhiều ý kiến từ đại diện các cơ quan thi hành án dân sự, tòa án, viện kiểm sát, luật sư cho thấy trình tự, thủ tục thi hành án dân sự hiện nay còn rườm rà, phức tạp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án.

Các ý kiến đề nghị tôn trọng quyền tự thỏa thuận của các bên khi thi hành án, nên có chế định về vai trò của Thừa phát lại để giảm bớt áp lực cho các cơ quan nhà nước.

Các ý kiến cũng đề nghị bổ sung quyền của cơ quan thi hành án là yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp thông tin về tài sản, yêu cầu công an tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án. Bên cạnh đó, cơ quan thi hành án có trách nhiệm xác minh tài sản của người bị thi hành án. Người được thi hành án có quyền cung cấp các dữ liệu, chứng cứ về tài sản của người phải thi hành án.

 

Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cũng tổ chức lấy ý kiến góp ý dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Luật này được Quốc hội thông qua năm 1996. Sau nhiều lần sửa đổi bổ sung, được ban hành thay thế vào năm 2008. Trước đó, vào năm 2004, Quốc hội đã thông qua Luật ban hành văn bản pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các luật trên đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này dựa trên cơ sở hợp nhất hai luật hiện hành thành một luật áp dụng thống nhất từ Trung ương đến địa phương, nhằm đảm bảo sự gắn kết giữa công tác xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần đưa văn bản pháp luật đi vào cuộc sống.

Nếu được Quốc hội thông qua, dự kiến luật sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2016.