Bao giờ Thầy Cô được gỡ bỏ “Vòng kim cô”? 05:22

Bao giờ Thầy Cô được gỡ bỏ “Vòng kim cô”?

Vào nằm viện, nhà có tang, nghỉ dạy vẫn bị trừ điểm thi đua…Lên tiết mẫu được cộng 1 điểm thi đua, hiến máu được cộng 3 điểm… Người Thầy bị áp lực “vòng kim cô” vô hình.

Nội dung chính
Mỗi dịp kỷ niệm ngày nhà giáo VN 20/11, tôi lại nghĩ nhiều về nỗi niềm nghề dạy học. Vừa đọc tin thấy cô giáo Vũ Thị Minh ấm ức khóc khi bày tỏ với các đại biểu Quốc hội: Giáo viên đang đeo trên đầu “vòng kim cô” càng ngày càng siết chặt thêm. 19 năm công tác, nản lắm. Nản không hẳn chỉ vì lương thấp mà còn chịu áp lực quá cao".Như lời cô Minh, vào nằm viện, nhà có tang, nghỉ dạy vẫn bị trừ điểm thi đua. Xét thi đua, chuyên môn không còn được coi trọng. Lên tiết dạy để trao đổi kinh nghiệm cho giáo viên thực tập chỉ được cộng 1 điểm nhưng hiến máu lại được cộng 3 điểm. Thế là giáo viên rủ nhau đi hiến máu.Ngày xưa chỉ nghe nói học trò bị áp lực thi cử, nay lại nghe đến Thầy Cô cũng bị stress bởi “vòng kim cô” vô hình do chính cơ chế và con người tạo ra.“Vòng kim cô” mà Thầy Cô đang bị áp lực đâu chỉ mỗi chuyện thi đua như nỗi ấm ức cô Minh nói đến.Người Thầy sẽ ứng xử sao khi gặp phải phụ huynh có tiền, có thế lực chi phối cả hiệu trưởng. Người Thầy sẽ cân nhắc như thế nào đối với kết quả học tập của học sinh khi bị áp lực thành tích của nhà trường và cả cá nhân mình. Đó là chưa nói đến những áp lực khác từ đời sống.Vị thế Người Thầy trong nhà trường được xác lập thế nào, điều này quan trọng, bởi vị thế nào thì hành xử theo tư thế đó. Thầy có quyền tự chủ sẽ khác với Thầy bị lệ thuộc.Lệ thuộc giáo án, lệ thuộc đồng tiền, lệ thuộc thi đua, lệ thuộc phụ huynh là đại gia, quan chức.Giờ hỏi “vòng kim cô” đó từ đâu ra, thật khó có câu trả lời tường tận được. Chỉ biết rằng, nếp nghĩ đó nhiều năm đã thấm sâu trong đánh giá, lối hành xử của các cấp lãnh đạo xã hội, quản lý giáo dục khi đưa ra các quy định, chính sách đối với Thầy Cô, xem Thầy Cô như một viên chức hành chính bình thường khác.Làm tôi nhớ giai thoại đối đáp giữa Thầy Khổng tử và Tử Cống.Khổng Tử có học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Mỗ học vào loại trung bình, song luôn tự cho mình là giỏi nhất.Học được vài năm, Mỗ xin về nước vì tưởng rằng đã học hết đạo của thầy.Sau khi đối thoại với Tử Cống, Thầy Khổng Tử biết Mỗ về nước Đằng để xin dạy học.Thầy Khổng Tử hốt hoảng đòi chạy vội sang nước Đằng chỉ để ngăn không cho Mỗ làm Thầy.Tử Cống hỏi, Thầy Khổng nói: “Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm Thầy thì sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên luỵ…"Nếu xem trọng vị thế Thầy Cô trong môi trường sư phạm có lẽ sẽ không tồn tại “vòng kim cô” kiểu như cô Minh nhắc đến, bởi ai cũng hiểu nghề dạy học là một công việc đặc biệt, không được phép có phế phẩm, bởi sẽ làm hại muôn đời.Thầy Cô là người góp phần quan trọng định hình “tâm hồn” người học. Bị stress bởi cái “vòng kim cô” đó thì sao có thể xây dựng được bầu không khí tâm lý Thầy - Trò lành lạnh thật sự trong môi trường học đường.Kể ra những áp lực mà Người Thầy thời nay đối mặt để chúng ta chia sẻ, đồng cảm, biết ứng xử phù hợp với sự tôn kính thật sự nghề dạy học, bởi ai thành danh mà không 12 năm đèn sách với biết bao lời răn dạy, chỉ bảo từ Thầy Cô.Ngày xưa đời sống khá chật vật khó khăn sao Thầy Cô vẫn đến trường được. Thời bao cấp lương tem phiếu bằng gạo, thịt, nước mắm...Thầy Cô vẫn đến trường.Hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc mà Bộ GD - ĐT công bố, chiếm số lượng lớn nhất trong số công chức, viên chức nghỉ việc trên cả nước. Chắc đâu hẳn chỉ vì lương thấp?Xã hội phải có trách nhiệm trả lời nghiêm túc câu hỏi này mới có thể gỡ bỏ “vòng kim cô” vô hình, trả lại vị thế Người Thầy trong nhà trường sư phạm. Tăng lương Thầy Cô là việc phải làm ngay, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp thật sự chưa căn cơ đối với câu chuyện Nghề dạy học.Hôm 16/11, trong buổi gặp mặt 68 Thầy Cô tiêu biểu nhân kỷ niệm 20/11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn có nói: “Tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với Thầy Cô, nhất là Thầy Cô công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chắc chắn đợt tới sẽ tăng lương giáo viên, đặc biệt khối mầm non, tiểu học, đây là nỗ lực lớn của ngành”."Đổi mới thì rất khó khăn, đổi mới ngành giáo dục càng khó khăn hơn nữa, đổi mới ngành giáo dục trong lúc các nguồn lực hạn hẹp như vậy càng đặc biệt khó khăn" - Thứ trưởng Sơn chia sẻ thêm.Đúng là khó, quá khó… khi mà lãnh đạo Bộ còn bày tỏ những nỗi khó của mình, làm người ta dễ liên tưởng ngành giáo dục cũng đang bị áp lực nhiều bề, tựa như cái “vòng kim cô” mà Thầy Cô đang mong muốn được gỡ bỏ.
Hiện thêmẨn bớt