Quốc hội Indonesia trì hoãn phê duyệt việc đánh thuế túi ni-lông

(VOH) - Quốc hội Indonesia đã quyết định tạm hoãn việc chấp thuận đánh thuế túi ni-lông. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cho biết khả năng điều luật này được ban hành là rất khả quan.

Quốc đảo Indonesia gồm 17.000 hòn đảo trung bình thải ra khoảng 9,85 tỉ túi ni-lông mỗi năm và là quốc gia đứng thứ hai về việc sản xuất chất thải nhựa gây ô nhiễm cho đại dương, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati phát biểu trước các thành viên Quốc hội.

Bà cũng đề xuất mức thuế từ 30,000 rupiah ($2.12)/ký nhựa hoặc 200 rupiah một túi ni-lông và hi vọng biện pháp này sẽ làm giảm lượng túi ni-lông Indonesia sử dụng và thải ra.

“Ơn trên đã sắp xếp cho chúng ta thực hiện việc này vào năm nay, chúng tôi rất lạc quan", bà Indrawati trả lời phóng viên vào thứ ba ngày 2/7. “Thuế là giải pháp tài chính đúng đắn để giảm thiểu việc tiêu thụ vật gì đó mang tính nguy hiểm", bà cho biết thêm.

Tuy nhiên, sau khi gặp phải sự phản đối từ cả Chính phủ lẫn phe đối lập, điều luật này của Ủy ban Tài chính Quốc hội đã bị dời thời gian phê duyệt để có thời gian bàn luận sâu hơn.

Rác thải nhựa tràn ngập dọc một bờ biển ở Jakarta, Indonesia ngày 21/6/2019 (Ảnh: Reuters)

Trước đó, điều luật đánh thuế việc sử dụng túi ni-lông đã được đề xuất vào năm 2016 nhưng bị hoãn nhiều lần vì sự phản đối từ các công ty sản xuất nhựa. Hiện tại, vẫn chưa biết rõ khi nào quyết định chính thức về điều luật này được đưa ra.

Theo lời một người đứng đầu trong các nhà sản xuất nhựa, kế hoạch đánh thuế sẽ làm hại đến ngành công nghiệp này và việc chính phủ nên đầu tư nhiều hơn vào việc tái chế rác thải sẽ là lựa chọn tốt hơn. “Tái chế sẽ hiệu quả hơn giảm lượng chất thải, bởi vì sẽ chẳng có chất thải nào cả,” Budi Susanto Sadiman – Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất nhựa Inaplas nói.

“Việc đánh thuế túi ni-lông là vô dụng,” Sadiman nói; và cho rằng việc này sẽ làm tăng giá thành sản xuất và không giảm được lượng nhựa thải ra.