Số người tị nạn đạt mức kỷ lục

(VOH) - Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc ước tính có 65,3 triệu người tị nạn từ cuối năm 2015, 54% trong số đó đến từ Syria, Afghanistan và Somalia. Như vậy, cứ 113 người sống trên trái đất thì có 1 người đi tị nạn, mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong báo cáo hàng năm Ngày Tị nạn Thế giới 20/6, Liên Hiệp Quốc cho biết, đây là lần đầu tiên số người tị nạn trên toàn thế giới vượt qua mốc 60 triệu, một tính toán cho thấy cứ mỗi phút sẽ có 24 người buộc phải chạy trốn khỏi nhà cửa của mình vì chiến tranh.

12,4 triệu người di cư chạy trốn khỏi các cuộc xung đột và khủng bố vào năm 2015. (Ảnh: Time)

Mặc dù châu Âu dành sự tập trung lớn giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, tuy nhiên Liên Hiệp Quốc cho biết, 86% số người tị nạn trên thế giới đang được che chở bởi các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia chủ nhà lớn nhất với 2,5 triệu người, tiếp theo là Pakistan và Li-băng.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hơn 1.011.700 người di cư đến Châu Âu bằng đường biển và 35.000 di cư bằng đường bộ vào năm ngoái, trong khi các cơ quan khác đưa ra con số cao hơn rất nhiều.

Điểm đến của họ hầu hết là các nước Bắc Âu như Đức và Thụy Điển. Điều này được phản ánh trong số liệu đơn xin tị nạn của Liên Hiệp quốc trong năm 2015, trong đó Đức nhận nhiều đơn xin tị nạn nhất, tiếp theo là Hoa Kỳ và Thụy Điển.

Cuộc khủng hoảng di cư châu Âu đã gây ra những rạn nứt chính trị trong EU, một số quốc gia trong khu vực Schengen (gồm 26 quốc gia được tự do đi lại không cần visa) đã tái áp đặt kiểm soát biên giới trước tình trạng di cư ồ ạt.

Các thỏa thuận giữa một số châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực hạn chế dòng người di cư và chính sách chống nhập cư của các nhóm cực hữu đang vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nhóm nhân quyền.

Trong bài phát biểu riêng, Giám đốc tị nạn Liên Hiệp Quốc - Filippo Grandi cho biết những người khuấy động dư luận chống lại người tị nạn và di dân đang tạo nên bầu không khí bài ngoại (có định kiến với người nước ngoài) rất đáng lo ngại ở châu Âu, các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải hành động nhiều hơn để chống lại định kiến ​​tiêu cực về người tị nạn.