Thủ tướng Đức kêu gọi EU bỏ cấm vận Nga

(VOH) - Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 11/7 cho biết, bà sẽ nỗ lực để thúc đẩy đạt được một thỏa thuận mới nhằm xóa bỏ cấm vận của EU đối với Nga. Trước đó, các quan chức EU đã nhất trí về mặt nguyên tắc nhằm gia cấm vận kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng, cho đến ngày 31/1/2016.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: AP)

Để đáp lại quyết định này của EU, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29/6 đã ký sắc lệnh gia hạn lệnh cấm nhập khẩu các loại lương thực - thực phẩm từ các nước phương Tây tới cuối năm 2017.

Phát biểu tại một hoạt động do Đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) tổ chức, bà Angela Merkel cho biết: “Tất cả chúng ta đều mong muốn có mối quan hệ tốt với Nga. Rất nhiều người, trong đó có tôi, đều hy vọng dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Nga”, dù trước đó, tại cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande, bà Merkel cho biết nhằm thực thi thỏa thuận Minsk về vấn đề Ukraine, EU cần thiết gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga.

Đề cập đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, bà Merkel nói: “Tôi có thể đảm bảo với các vị rằng, chúng tôi đang nỗ lực để thúc đẩy sự việc theo hướng tiến triển tốt, nhưng chúng tôi cũng hy vọng chính quyền Ukraine có thể giải quyết ổn thỏa vấn đề về biên giới. Vì vậy, tôi hy vọng các bên có thể cùng nhượng bộ”.

Hãng thông tấn Nga ITAR-TASS cho rằng, bà Merkel muốn bỏ cấm vận Nga là vì muốn Moscow bàn giao lãnh thổ biên giới giữa Nga với Ukraine. Đây là một phần trong gói thỏa thuận Minsk và là nội dung trong bản tuyên bố của chính quyền Ukraine liên quan đến vấn đề lãnh thổ.

Theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu kinh tế thế giới của Pháp, kể từ tháng 12/2013 đến tháng 6/2015, những nước ủng hộ các lệnh trừng phạt chống Nga mất đi nguồn thu từ xuất khẩu lên tới 60,2 tỷ USD.

Trong đó, Đức là nước thiệt hại nặng nhất (mỗi tháng khoảng 830 triệu USD), tiếp theo đó là Ukraine (450 triệu USD), các nước khác như Ba Lan, Hà Lan, Pháp và Nhật Bản mỗi tháng thiệt hại khoảng 2 triệu USD.

Phân tích trên cho biết, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chiếm 2/3 mức thiệt hại (khoảng 77%).

Quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đã xuống cấp nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine hồi tháng 3/2014.

EU đã áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với nhiều cá nhân và tổ chức mà khối này cho là “có vai trò liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.”

Bên cạnh đó, EU cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Nga. Đáp lại, Nga cũng đã cấm nhập khẩu lương thực - thực phẩm và nhiều mặt hàng khác từ các nước EU.