Thực tập quốc tế, cánh cửa  vươn ra biển lớn của sinh viênArticle thumbnail

Thực tập quốc tế, cánh cửa vươn ra biển lớn của sinh viên

28/05/2023
00:19
Phóng sự: Thực tập quốc tế, cánh cửa vươn ra biển lớn của sinh viên Trường Đại học Văn Lang: Ngày 25/5, Bộ môn Nhật Bản học, Khoa xã hội và Nhân văn, Đại học Văn Lang đã có buổi lễ tiễn 30 sinh viên tham gia chương trình thực tập quốc tế (internship) tại Nhật Bản. Tại buổi lễ tiễn 30 sinh viên tham gia chương trình thực tập quốc tế tại Nhật Bản, ông Dương Ngọc Phúc, Phó Trưởng Bộ môn Phụ trách, Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Xã hội & Nhân văn, Trường Đại học Văn Lang cho biết: đây là chương trình thực tập tại doanh nghiệp Nhật Bản trên đất nước Nhật Bản, do Chính phủ Nhật Bản cấp visa dạng internship (chỉ dành cho sinh viên đại học), kéo dài từ 6 tháng 12 tháng. Trong quá trình thực tập, sinh viên có hưởng lương cùng các chế độ ưu đãi khác. Chương trình thực tập quốc tế này cũng được mở rộng cho sinh viên toàn Trường Đại học Văn Lang đều có thể tham gia. Theo ông Phúc, chương trình đã được triển khai gần 3 năm qua với mục đích là giúp sinh viên kiến tạo tri thức và kỹ năng, trải nghiệm môi trường đa văn hóa thông qua mô hình “Learning by Doing”. Bên cạnh đó, chương trình còn tạo ra sự kết nối giữa Nhà Trường, Gia đình và Doanh nghiệp, góp phần đổi mới mô hình giáo dục và đào tạo ở bậc đại học. "Chương trình Intership này là chương trình đặc biệt do Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản bảo trợ để cấp visa cho sinh viên đang theo học bậc Đại học có cơ hội sang Nhật thực tập tại các doanh nghiệp của nước này trong khoảng thời gian 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm. Các bạn có điều kiện học hỏi và trải nghiệm văn hóa của Nhật Bản. Đây là lần thứ 3 trường đưa sinh viên đi Nhật Bản thực tập với tổng cộng 70 sinh viên. Đến nay, với 26 resort, khách sạn, lữ quán truyền thống mà chúng tôi kết nối được với các đối tác ở Nhật Bản, số lượng sinh viên thực tập dạng intership này không hạn chế và chúng tôi tuyển chọn những sinh viên ưu tú nhất, tùy theo nhu cầu của đối tác mà chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các bạn sinh viên có cơ hội ra nước ngoài thực tập", ông Dương Ngọc Phúc nói thêm. Tham gia học phần thực tập quốc tế Nhật Bản, các bạn sinh viên không chỉ có dịp học tập - trải nghiệm, học tập - khám phá những khác biệt giữa môi trường làm việc trong nước và Nhật Bản, bên cạnh đó, các bạn còn được tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời mở ra một tư duy mới của công dân toàn cầu. Em Lê Thị Thảo Duyên, sinh viên Khoa Xã hội và Nhân văn, chuyên ngành Đông Phương tiếng Nhật - một trong những sinh viên đã hoàn thành chương trình thực tập quốc tế tại Nhật Bản từ tháng 12/2022 - tháng 5/2023 chia sẻ: bản thân cũng trưởng thành hơn, lớn lên nhiều hơn sau sau học phần thực tập ý nghĩa này. "Công việc của tụi em là ở khu trượt tuyết, đôi lúc làm việc ở nhà hàng, khách sạn nữa. Các việc cứ thế luân phiên nhau trong 6 tháng. Lần đầu qua Nhật, chúng em cũng thấy bỡ ngỡ vì thời tiết khá lạnh, -11 độ hoặc -12 độ C. Còn những rào cản về ngôn ngữ, đồ ăn thức uống thì ai cũng gặp phải nhưng phải từng bước thay đổi bản thân để thích nghi thôi. Quá trình thực tập em rút được một điều rằng người Nhật có một châm ngôn rất hay “đừng bao giờ chậm trễ, lấy mất thời gian của người khác”. Người Nhật Bản họ rất quý trọng thời gian nên khi làm việc với họ, mình phải có tác phong nhanh nhẹn, đừng bao giờ sử dụng tác phong làm việc ở Việt Nam. Đôi khi mình đến muộn, có thể họ sẽ không nói đâu nhưng đằng sau đó họ sẽ có cái nhìn không tốt về người Việt Nam mình",Thảo Duyên chia sẻ. Theo thống kê, đến nay, Trường Đại học Văn Lang có 358 sinh viên theo học ngành Nhật Bản học, trong đó có 95 sinh viên đăng ký tham gia chương trình intership - kỳ thực tập quốc tế, hiện có 33 sinh viên đang thực tập tại Nhật Bản với nhiều ngành nghề khác nhau. 13 sinh viên vừa hoàn thành kỳ thực tập quốc tế và trong tháng 5 và tháng 6 tới, gần 30 sinh viên tiếp tục bước vào học phần nhiều kỳ vọng, đánh dấu bước phát triển mới của năng lực bản thân và chân trời tri thức. Em Nguyễn Ngọc Trúc Ly, sinh viên sắp bước vào đợt thực tập quốc tế chia sẻ: "Em nghĩ tất cả các bạn sinh viên khoa Nhật Bản học ai cũng mong muốn được trải nghiệm đời sống và văn hóa của đất nước mình chọn để theo học. Đây cũng là cơ hội quý giá để tụi em có thể tích lũy kinh nghiệm cho tương lai và trau dồi cho bản thân nhiều hơn mà ai trong chúng em cũng muốn nắm bắt cơ hội này". Rõ ràng, sinh viên tham gia học phần intership Nhật Bản sẽ học được những kiến thức và kỹ năng trong thực tế tại doanh nghiệp ở đất nước mặt trời mọc, bên cạnh đó, nó còn giúp sinh viên hình dung được mối liên hệ giữa việc học tại trường và công việc thực tế trong tương lai. Chưa hết, đây còn là thời gian giúp sinh viên trang bị khả năng định hướng lựa chọn công việc, có suy nghĩ đúng đắn về lao động, nâng cao khả năng giao tiếp với người Nhật, rèn luyện kỹ năng, tác phong doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia lao động cũng cho rằng, các sinh viên tham gia kỳ thực tập quốc tế intership còn có khả năng được chính doanh nghiệp đó tuyển dụng trở lại qua quá trình thực tập cần mẫn, kiên trì với những năng lực và cống hiến đã được khẳng định. Đây cũng là cách giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí đào tạo - tuyển dụng và ổn định nhân lực. Thông qua đánh giá quá trình thực tập, nhà tuyển dụng có thể nhận ra năng lực của ứng viên rõ ràng hơn. Về điều kiện để được tham gia chương trình thực tập quốc tế internship, ông Dương Ngọc Phúc, Phó Trưởng Bộ môn Phụ trách, Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Xã hội & Nhân văn, Trường Đại học Văn Lang nói thêm: "Chỉ cần các bạn có trình độ tiếng Nhật nhất định, tối thiểu N4 - trình độ sơ trung cấp. Tuy nhiên, người Nhật mong muốn chọn những sinh viên có khả năng có những yếu tố, phẩm cách phù hợp, thích nghi với công việc mà họ muốn tiếp nhận chứ không chỉ là vốn ngoại ngữ. Ngoại ngữ thì họ có thể đào tạo và các bạn nhờ thực tế đều có thể phát triển được. Ở góc độ đào tạo, học phần intership này phục vụ trực tiếp cho một học phần bắt buộc của chương trình đào tạo bậc Đại học, đó là học phần thực tập tốt nghiệp. Kết quả của kỳ thực tập này còn phục vụ cho nhiều học phần khác trong quá trình đào tạo của sinh viên…". Có thể thấy, kỳ thực tập quốc tế với những trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp tại chính các doanh nghiệp ở Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng công việc tương lai sau này của sinh viên. Do đó, việc lựa chọn môi trường thực tập là rất quan trọng bởi đó là nơi kiểm chứng sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tiễn, xác định lại đam mê và sự phù hợp về khả năng của sinh viên ở lĩnh vực, công việc đang theo đuổi. Đây cũng là bước đệm, trang bị cho các bạn sinh viên những cần năng cần thiết cũng như một tác phong công nghiệp, một tâm thế sẵn sàng để bước ra môi trường tuyển dụng và trở thành một công dân toàn cầu.
09:29
Phỏng vấn Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn xung quanh cơ hội nghề nghiệp, thách thức trong công tác tuyển dụng nhân lực của . ngành du lịch hiện nay. Chỉ riêng tại TPHCM, trong giai đoạn 2022-2023, TP đã thiếu hụt khoảng 40.000 lao động có trình độ. Tuy vậy, các trường đào tạo trên địa bản chỉ mới đáp ứng được khoảng 15.000 lao động nên nhân lực du lịch tại TPHCM vẫn cần 2/3 nhu cầu nữa so với thực tế để bù đắp số lao động đã nghỉ việc, chuyển việc sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện nay, học sinh lớp 12 THPT cả nước cũng sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi tuyển sinh vào Đại học - Cao đẳng năm 2023. Ngành du lịch cũng là ngành rất ‘hot’ hiện nay trong các nhóm ngành được sinh viên lựa chọn. Để giúp cho quý thính giả, quý bậc phụ huynh, đặc biệt là các em học sinh sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh có thêm những thông tin mà mình cần hiểu biết trước khi nộp đơn ứng tuyển vào ngành du lịch rằng, liệu mình có phù hợp với ngành nghề này hay không? Cơ hội việc làm sau khi ra trường ra sao? Mức thu nhập như thế nào…? Phỏng vấn giữa Đồng Hữu Nghị với Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn sẽ làm rõ những câu hỏi vừa nêu.
22:32
Điểm tin du lịch
26:23
Ghi nhận: Tưng bừng Lễ khai mạc Liên hoan ẩm thực Hương sắc Phương Nam 2023. Liên hoan ẩm thực Hương sắc Phương Nam 2023 vừa khai mạc tối 25/5 tại Công viên Văn Hóa Đầm Sen, quận 11. Sự kiện lần này có 30 gian hàng với 60 đặc sản các vùng miền và được phân thành các khu vực như: Khu ẩm thực miền Trung - Đông Nam Bộ, ẩm thực miền Tây, Ẩm thực dân gian Nam bộ… Tại Lễ khai mạc, ông Hoàng Văn Bá, Giám đốc Công viên Văn hóa Đầm Sen cho biết: Liên hoan là điểm nhấn mở đầu cho mùa cao điểm du lịch Hè, thu hút du khách tới Đầm Sen nhiều hơn. "Liên hoan năm nay để tôn vinh và giới thiệu đến du khách giá trị văn hóa, nét đặc sắc, đa dạng, độc đáo của vùng ẩm thực đất Phương Nam, từ đó thu hút du khách, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Văn hóa ẩm thực được chúng tôi khai thác hiệu quả trong hoạt động kinh doanh du lịch, đặc biệt là trong các chương trình trải nghiệm văn hóa du lịch bản địa, kết nối các dịch vụ du lịch để hình thành những sản phẩm hấp dẫn, thu hút du khách, ông Bá chia sẻ. Liên hoan ẩm thực Hương sắc Phương Nam kéo dài đến ngày 28/5, giá vé là 250.000 đồng/1 khách (bao gồm vé vào cổng và dùng ẩm thực trị giá 250 ngàn đồng). Theo ông Nguyễn Đông Hòa, Phó TGĐ Tổng Công ty du lịch Saigontourist, từ năm 2022, đơn vị này xem ẩm thực như là một trong những mũi nhọn quảng bá cho du lịch Việt Nam nói chung cũng như TPHCM nói riêng. Thông qua ẩm thực, đơn vị này cũng mong muốn sẽ giúp doanh nghiệp có thêm doanh thu trong hoạt động kinh doanh của mình. Ông Hòa nói thêm: "Saigontourist rất vui khi cùng đồng hành, hỗ trợ một trong những chương trình đã có tiếng vang, có tuổi đời lâu năm về Lễ hội ẩm thực tại TPHCM. Đặc biệt, năm nay, Công ty Cổ phần du lịch Phú Thọ tiếp tục phát huy truyền thống của Lễ hội ẩm thực Đất phương Nam và nâng lên tầm cao mới là Liên hoan ẩm thực Hương sắc phương Nam để có thể kết hợp nhiều hơn nữa giá trị ẩm thực không chỉ ở miền Tây mà cả các khu vực khác trực thuộc Nam bộ". Ngay trong đêm khai mạc, nhiều thực khách cũng đã trải nghiệm nhiều món ăn độc đáo và hiếm gặp như nấm mối nấu cháo sò huyết của Nhà hàng khách sạn Sài Gòn - Rạch Giá, các loại chè đặc trưng ở KDL Bình Quới, lợn bản nướng lá mắc mật Tây Bắc... Chị Lê Thị Thanh Duyên, một thực khách ở quận Tân Phú chia sẻ: "Thường, tôi thích ăn đặc sản của từng vùng miền. Bất kỳ tỉnh nào, vùng nào cũng có những đặc sản riêng của nơi đó, cho nên đi du lịch tới đó mình phải tìm những món đó mà ăn. Hôm nay đi Liên hoan ẩm thực Hương sắc phương Nam thì tôi sẽ tìm những món ăn đặc trưng Nam bộ như các loại mắm, các loại lẩu hoặc bông điên điển, lẩu nấm tràm mà không nơi nào có được"… Hơn 10 năm qua, Đầm Sen không chỉ là điểm đến yêu thích của du khách ở khắp mọi nơi trên cả nước mà nơi đây còn hội tụ nhiều nhiều sự kiện văn hóa lễ hội đặc sắc thu hút đông đảo du khách trong những dịp lễ tết. Với tinh hoa ẩm thực Hương sắc phương Nam lần này cũng là một điểm nhấn được ví như mở đầu cho các sự kiện của mùa cao điểm du lịch Hè 2023.

Trong tháng 5, 6 - gần 30 sinh viên Trường ĐH Văn Lang sẽ lên đường sang Nhật tham gia kỳ thực tập quốc tế (intership) kéo dài từ 6-12 tháng, với mục đích giúp sinh viên kiến tạo tri thức, trải nghiệm môi trường đa văn hóa...

CÁC SỐ KHÁC

Radio TOP 100

Xem thêm Radio TOP 100